Theo dòng công nghệ

17/01/2019 | 08:49 GMT+7

Những năm qua, các ngành, nông dân trong tỉnh xây dựng nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra bước đột phá đáng kể trong công việc, sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, tất cả các bộ phận một cửa trên địa bàn thành phố Vị Thanh đều ứng dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến nên hồ sơ thủ tục của người dân được giải quyết nhanh chóng hơn.

Ông Huỳnh Trường Vĩnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, cho biết: Việc ứng dụng công nghệ trong đời sống, trong công việc hiện nay là xu hướng tất yếu, bởi chỉ có đổi mới thì mới hòa nhập, hội nhập và phát triển. Nền công nghiệp số hóa giúp tăng năng suất lao động, cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí quản lý, sản xuất, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vì vậy, khoa học công nghệ đã được định hướng và ứng dụng rộng rãi trên các lĩnh vực ngành nghề của tỉnh, đặc biệt là trong trồng trọt, giống vật nuôi công nghệ cao.

Từ internet đến tự động hóa

Thành phố Vị Thanh đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý công việc hành chính công. Từ phương pháp truyền thống như ghi chép sổ sách, giao dịch bằng giấy hẹn, giờ đây bộ phận một cửa tại 9 xã, phường trên địa bàn đã chuyển sang sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ứng dụng phần mềm này, người dân chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể đăng ký nộp, cập nhật thông tin, tình trạng xử lý hồ sơ của mình. Dịch vụ công trực tuyến còn cung cấp trên 300 thủ tục hành chính cấp thành phố, 169 thủ tục đối với cấp xã, phường. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, thì các thủ tục hành chính công đều được thực hiện trên phần mềm có tên “dvc.haugiang.gov.vn”. Nhờ đó, cán bộ, công chức, viên chức xử lý công việc nhanh gọn hơn, phục vụ người dân tốt hơn.

Mạng lưới internet, thiết bị công nghệ số còn được ngành chức năng vận dụng trợ giúp dự tính, dự báo các rủi ro thiên tai. Ông Trang Chí Cường, Trưởng trạm Thủy lợi thành phố Vị Thanh đã nghiên cứu và ứng dụng phần mềm quan trắc để nâng cao hiệu quả công tác dự báo xâm nhập mặn trong mùa khô. Hệ thống quan trắc gồm máy đo mặn, camera, bộ phận truyền dữ liệu. Khi có xâm nhập mặn vượt ngưỡng cho phép, hệ thống sẽ ghi nhận và tự động báo về điện thoại, máy tính cho ngành chuyên môn kịp thời xử lý. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp giải phóng sức lao động, người cán bộ bớt vất vả trong việc theo dõi, đi lại nhưng kết quả đo thu về vẫn chính xác. Đây là bước đầu trong việc tiến tới công nghệ hóa, cụ thể hóa chỉ đạo chung của Chính phủ về áp dụng công nghệ thông tin trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ tự động hóa còn được phát triển trong hệ thống tưới tiêu trên cây ăn trái, rau màu. Ông Trần Văn Trề, ở ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, khi ứng dụng mô hình tưới tự động hóa do cán bộ ngành nông nghiệp chuyển giao đã thấy công việc đồng áng nhẹ nhàng hơn. Với hệ thống tưới nhỏ giọt, ông Trề chỉ cần mở van là tự động tưới, không tốn tiền thuê nhân công lao động và mỗi lần tưới chỉ tốn một nửa thời gian so với tưới bằng mô tơ hay tưới bằng tay.

Ứng dụng rộng rãi

Ứng dụng công nghệ không chỉ có ngành chức năng mà nhiều doanh nghiệp tư nhân, nông dân nhạy bén trong tỉnh cũng áp dụng. Năm nay là năm thứ 4 ông Võ Ngọc Trưng, ở ấp Tân Long B, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, hưởng cái tết sung túc với mô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới của mình. Khởi đầu với diện tích trồng 2.200m2, mỗi năm ông Trưng thu nhập cả tỉ đồng tiền lãi với cách quản lý hữu hiệu từ công nghệ mới. Bởi bên trong nhà lưới, ông Trưng đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước kết hợp phân bón cho cây trồng. Dưa lưới trồng theo công nghệ cao đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu làm đất, công thức bón phân, nước tưới... Đặc biệt, do cây được trồng trong nhà kính nên hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch. Ông Trưng cho biết, vốn để đầu tư cho mô hình nhà lưới không phải nhỏ nhưng ông vẫn ứng dụng. Hiện nay, ông đã mở rộng quy mô lên 3 lần, với kỳ vọng đưa dưa lưới không chỉ đến với thị trường trong nước mà có thể vươn ra quốc tế.

Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang sử dụng chế phẩm vi sinh, kỹ thuật mới trong quy trình nhân nuôi cá giống nên giảm chi phí sản xuất, không làm ô nhiễm môi trường.

Còn ông Trần Bá Khương, ở ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, thì dùng phương pháp sản xuất rau sạch thủy canh hồi lưu vì muốn cách ly được toàn bộ các loại côn trùng bên ngoài, hạn chế tối đa sự xâm nhiễm của vi sinh vật trong đất. Trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh, cây sẽ được cung cấp nguồn dinh dưỡng, phân bón được hòa tan trong nước. Ưu điểm của mô hình này chính là tái sử dụng lại nguồn nước tưới, trồng rau liên tục quanh năm, hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu và các hóa chất độc hại. Sản phẩm hoàn toàn sạch, đồng nhất, giàu dinh dưỡng và hoàn toàn tươi ngon.

Thích ứng với thời đại công nghiệp hóa, trong quá trình chuyển sang cổ phần hóa, Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang cũng nâng tầm hoạt động với việc ứng dụng công nghệ mới. Ông Phan Quốc Thứ, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang, thông tin: Đơn vị đã sử dụng chế phẩm vi sinh Biolof, sử dụng vi sinh vật có ích để cải tạo nguồn nước nhằm tạo hệ thống tuần hoàn trong chăn nuôi cá điêu hồng, cá rô phi với quy mô hàng chục ngàn con/năm. “Vào năm 2019, trung tâm sẽ ứng dụng việc trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao với việc tưới tiết kiệm nước, có kết hợp máy phân tích đo pH đất, vi sinh vật đất. Đặc biệt, trong lĩnh vực thủy sản sẽ tích hợp phần mềm cảnh báo được nhiệt độ nước thông qua hệ thống thông tin trên điện thoại di động”, ông Thứ cho biết thêm.

Nông nghiệp 4.0 sẽ thay đổi phương thức quản lý trang trại, doanh nghiệp, hộ gia đình. Từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đều có thể ứng dụng kỹ thuật số nhằm giảm thiểu công lao động trực tiếp. Đó cũng là lợi thế mà ông Nguyễn Văn Lùn, ở ấp Phú Hưng, xã Phú An, huyện Châu Thành, ứng dụng nuôi khoảng 30 con heo rừng gần 1 năm nay. Qua việc cài đặt hệ thống điều khiển từ xa có cài ứng dụng phần mềm eWeLink, ông vẫn cho đầy đủ thức ăn. Ông Lùn cho biết: “Phần mềm được tải về điện thoại di động và cài đặt. Khi sử dụng, tôi có thể ngồi tại nhà, ấn các nút lệnh di chuyển 4 hướng lên, xuống, trái, phải. Các nút nhận lệnh, truyền tín hiệu đến các tời điện điều khiển chiếc cạp nhỏ gắp lục bình từ ao chứa mang đến tận chuồng cho heo ăn”.

Có thể thấy, người dân, ngành chức năng ở Hậu Giang đã áp dụng khoa học công nghệ và có những thành công bước đầu trên một số lĩnh vực. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của tỉnh luôn không ngừng chuyển động để đem lại nhiều tiến bộ, phục vụ cho cuộc sống người dân ngày càng được tốt hơn...

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>