Tiếc cho một dự án

05/04/2018 | 07:35 GMT+7

Tháng 7-2015, dự án “Xây dựng mô hình sơ chế, bảo quản và tiêu thụ cam sành Hậu Giang quy mô 10 tấn/ngày” được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh thống nhất cho thực hiện trong thời gian 2 năm. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được triển khai do nhiều nút thắt.

Nông dân, hợp tác xã trồng và tiêu thụ cam sành Hậu Giang chưa thiết tha xây dựng mô hình tồn trữ.

Dự án do PGS.TS Nguyễn Duy Lâm, Trung tâm Nghiên cứu và Kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ nhiệm. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng được mô hình sơ chế, bảo quản và tiêu thụ cam sành Hậu Giang quy mô 10 tấn/ngày, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế, có khả năng duy trì hoạt động và nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Dự án đã đặt ra 8 nội dung lớn gồm: khảo sát chuỗi giá trị cam sành Hậu Giang liên quan đến dự án. Nội dung này sẽ đánh giá được tình hình sản xuất, tiêu thụ và khả năng vận hành mô hình. Sau đó, dự án tiến hành hoàn thiện và sản xuất chế phẩm tạo màng bảo quản cam sành HG-01. Chế phẩm HG-01 có tác dụng làm giảm tổn thất về khối lượng, màu sắc, tỷ lệ rụng cuống và tăng thời gian bảo quản 2-3 ngày cho cam. Chế phẩm HG-01 được hoàn thiện công thức dựa vào công thức thành phần của những chế phẩm bảo quản cây có múi trước đây nhưng được chế tạo ra một chế phẩm mới tốt hơn, phù hợp với cam sành Hậu Giang. Song song với tạo ra chế phẩm HG-01, dự án sẽ tiến hành hoàn thiện quy trình ứng dụng chế phẩm bảo quản cam sành Hậu Giang; xây dựng cơ sở hạ tầng bảo quản cam; thiết kế, chế tạo, mua sắm thiết bị xử lý bảo quản. Nội dung quan trọng nhất của dự án là xây dựng mô hình bảo quản cam; xây dựng mô hình vận chuyển và tiêu thụ cho lượng lớn cam sành Hậu Giang với lộ trình từ Hậu Giang ra Hà Nội. Ở phần việc này sẽ tạo ra một mô hình sơ chế tăng hiệu quả kinh tế hơn 20%, với năng suất 10 tấn trái/ngày. Mô hình có thể giúp duy trì độ tươi ngon cho cam sành trong điều kiện kho mát được 4 tuần mà chất lượng trái đạt hơn 80% so với trước khi bảo quản.

Những tưởng những nội dung của dự án sẽ hứa hẹn một kết quả ứng dụng khả thi, đem lại lợi ích cho nông sản Hậu Giang. Nhưng quá trình triển khai đã vấp rất nhiều điểm nghẽn không thể tháo gỡ. Bởi khi tham gia dự án, hợp tác xã tham gia dự án phải bỏ ra một số vốn đối ứng khá lớn. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Thành, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, nếu tham gia dự án, hợp tác xã phải góp thêm một số vốn nữa để đầu tư nhà, kho mát để chứa, bảo quản cam. Vả lại, từ trước đến giờ, hợp tác xã mua cam của bà con là tiêu thụ trong ngày để xoay đồng vốn, trả tiền liền cho người dân nếu trữ lại thì sẽ gặp khó. Còn ông Nguyễn Trung Bình, Giám đốc HTX Đông Bình, xã Phú An, huyện Châu Thành, thì nhận định: “Trữ lạnh sẽ làm tăng thêm chi phí thu mua cho HTX, kéo theo là sụt giảm lợi nhuận. Vậy nên mô hình này sẽ khó khả thi với điều kiện và tập quán ở đây”.

Một thực tế cần được nhìn nhận thì nếu có kho lạnh, xây dựng được kho trữ, áp dụng các biện pháp bảo quản tồn trữ thì sẽ đem lại lợi ích cho hợp tác xã. Nhất là trong trường hợp giá cam sành xuống thấp. Lúc này, HTX thu mua cam sành cho bà con và trữ lại hàng để chờ giá lên hoặc gom đủ số lượng mới vận chuyển. Ông Nguyễn Văn Chiến, nguyên Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, cho hay: “HTX cũng có kho trữ lạnh chanh để dự phòng trường hợp bất khả kháng phải trữ lại hàng. Ưu điểm là giữ được độ tươi cho nông sản trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, để tham gia dự án, HTX và Liên hiệp HTX phải bỏ ra một số vốn đối ứng hơn 1 tỉ đồng là không có khả năng. Vả lại, các HTX cho rằng thiết bị, máy móc được chủ nhiệm đưa ra không phù hợp nên chưa đồng ý cùng làm mô hình”.

Nhận định về vướng mắc này, chủ nhiệm dự án Nguyễn Duy Lâm cho biết: “Tôi nhận thấy cam sành cần quy trình bảo quản, chế biến để có thể kéo dài được thời gian tồn trữ đưa ra những thị trường xa như Hà Nội. Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý với chi phí đối ứng này thì các hợp tác xã không có lợi vì phải đầu tư quá lớn. Tuy nhiên, nếu hợp tác xã chịu đầu tư sẽ có lợi về hướng lâu dài trong xu thế cạnh tranh thị trường và lên xuống bất thường của giá cả hiện nay”.

Tính đến nay, dự án chỉ dừng lại ở khâu thẩm định vốn, chọn địa điểm thực hiện là Liên hiệp Hợp tác xã Nông nghiệp Châu Thành. Hiện tại, dự án không triển khai tiếp bởi hợp tác xã không hợp tác vì không nhận thấy có lợi nếu xây dựng mô hình. Dự định ban đầu khi Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh xét duyệt dự án cũng đã đánh giá cao kết quả dự án rằng vùng trồng cam sành Hậu Giang sẽ có được một quy trình có cả về công nghệ và thiết bị phù hợp cho bảo quản quả cam, vừa có thể bảo quản tại chỗ, vận chuyển đi xa, thời gian bảo quản tương đối dài. Nếu ứng dụng quy trình này sẽ đảm bảo được thị trường chấp nhận. Nhưng khi triển khai, hợp tác xã phải bỏ số vốn khá lớn khiến cho dự án không thể thực hiện được. Thiết nghĩ, hướng tới, khi xét duyệt, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh thẩm định kinh phí dự án nên cân nhắc kỹ hơn về phần vốn đối ứng của các bên tham gia. Như vậy, khi triển khai sẽ đảm bảo dự án, đề tài được thực hiện, đem kết quả nghiên cứu thành công về ứng dụng, làm lợi cho người con Hậu Giang.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>