Trồng quýt đường trên đất phèn

24/01/2018 | 09:35 GMT+7

Kế thừa kết quả nghiên cứu của đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất và phẩm chất quýt đường ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang” (gọi tắt là đề tài quýt đường) do GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm, năm qua, ngành khoa học tỉnh đã ứng dụng và nhân rộng thành công mô hình này.

Ông Tự phấn khởi vì sản lượng quýt đường tăng hơn 15% bằng phương pháp tiên tiến mới.

Năm 2014, đề tài quýt đường được nghiệm thu với kết quả đánh giá khá cao. Đề tài đã thực hiện thành công mục tiêu nâng cao năng suất quýt đường trồng ở Phụng Hiệp lên hơn 15% so với vườn đối chứng của nông dân ngoài mô hình; nâng cao chất lượng trái quýt đường trồng ở Phụng Hiệp đạt tiêu chuẩn loại 1 lên hơn 10% so với vườn đối chứng. Từ đó, ngành khoa học tỉnh, các địa phương đã triển khai rộng rãi xuống nông hộ để ứng dụng, đến nay phát triển thành dự án ứng dụng.

Ông Lê Thanh Tự, ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, đã ứng dụng kỹ thuật trồng quýt đường cho 1.000m2 đất vườn nhà mình. Ông Tự cho biết: “Năm 2014, tôi được tham gia mô hình trồng quýt đường của thầy Vệ. Kết thúc nghiên cứu, đến nay tôi vẫn làm theo kỹ thuật mà mình được tập huấn. Nhờ vậy, vườn quýt nhà tôi nâng cao được năng suất, kéo dài tuổi thọ cây”.

Theo ông Tự, trồng theo hướng dẫn của nhà khoa học rất bài bản nhưng cũng không khó để thực hành. Đó là đầu tiên phải bồi liếp cao hơn so với mặt nước trong vườn, sử dụng lân dễ tiêu để cải tạo đất phèn. Từ kinh nghiệm đó, sau mỗi vụ thu hoạch quýt, ông Tự đều bón lót phân hữu cơ, tỉa cành, tạo tán và bơm sình bồi gốc cho cây không bị ngập nước, ứ phèn. Đối với bón thúc cho cây thì sử dụng phân đa thành phần chứ không tập trung bổ sung một loại phân đạm như trước. Ngoài ra, còn bổ sung thêm phân lân, canxi và kẽm để hạ độ chua, cải tạo đất. Bởi, theo các nhà khoa học, việc cung cấp canxi, nitrat kali trong giai đoạn phát triển trái sẽ giảm hiện tượng nứt vỏ trái, cải thiện chất lượng trái. Qua nhiều khảo sát và khuyến cáo của GS.TS Nguyễn Bảo Vệ và PGS.TS Trần Văn Hâu nên phun nitrat kali với nồng độ 0,5% phun 5 lần (6 tuần/lần) giai đoạn 2 tháng sau khi đậu trái (trái có đường kính 1-2cm) sẽ cho trái lớn (165g/trái) và đạt năng suất cao (27,2kg/cây).

Cũng nhờ chăm sóc kỹ, áp dụng nhiều tiến bộ mới mà từ vụ quýt năm 2016 đến nay, vườn quýt của ông Tự cho năng suất từ 2,5-3 tấn trái/năm, cao hơn cách trồng bình thường. Hơn nữa, trái quýt vẫn có vị ngọt thanh, kể cả mùa mưa hay vụ lạc hậu. Ông Tự chia sẻ: “Quýt nhà tôi chất lượng hơn nên được thương lái mua cao hơn mấy hộ xung quanh ít nhất 2.000 đồng/kg. Tất cả cũng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, bón phân, tưới nước đúng đủ, nhất là tay nghề được nâng cao nên đem đến thành công”.

Ông Trần Văn Út, ở cùng ấp Mỹ Hưng, là người có nhiều năm kinh nghiệm trong canh tác quýt đường cũng phải thán phục cách làm mới này. Trong đó, ông tâm đắc nhất là phương áp tưới nhỏ giọt, bón lân hạ phèn. Vì vậy, ông cũng ứng dụng tỉa cành, tạo tán, bón đa vi lượng cho quýt. Năm 2017, vụ quýt chính vụ của vườn cây 4 năm tuổi của ông nhờ áp dụng quy trình mới mà cho năng suất đạt khoảng 3,5-4 tấn/công, cao hơn so với những năm trước khoảng 500kg/công. Với giá bán thấp nhất là 13.000 đồng/kg, khi trừ hết chi phí thì mỗi công quýt đường cho lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng.

Mặc dù huyện Phụng Hiệp không phải là vùng chuyên canh cây quýt đường, tuy nhiên diện tích cây trồng này ở huyện Phụng Hiệp đến nay lên trên 450ha, tập trung ở xã Phương Phú, Tân Phước Hưng, thị trấn Búng Tàu, với tổng sản lượng hàng năm đạt gần 1.300 tấn. Có lẽ nhờ những kết quả nghiên cứu khoa học mới được nhân rộng ứng dụng mà vùng đất phèn Phụng Hiệp hiện nay đã được cải tạo tốt hơn. Đất phèn được ngọt hóa để thích hợp cho những cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như quýt đường bén rễ, giúp đời sống nhà nông Phụng Hiệp thêm sung túc.

Bài, ảnh: TRÚC ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>