Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo vệ rừng

23/05/2019 | 07:58 GMT+7

Giờ đây, công tác bảo vệ rừng của ngành kiểm lâm tỉnh dễ dàng hơn nhờ vào công nghệ thông tin. Kết quả này có được nhờ kỹ sư Đoàn Ngọc Thân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện thành công dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng”.

Dự án góp phần nâng cao công tác quản lý và bảo vệ rừng cho ngành Kiểm lâm và Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Kỹ sư Đoàn Ngọc Thân cho biết: Thời gian trước, công tác theo dõi diễn biến rừng của tỉnh, nhất là Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cũng khá khó khăn do lực lượng cán bộ mỏng. Hơn nữa, những khu vực khó quan sát do địa hình, độ che phủ của cây dày nên đôi lúc cũng bị sót. Chính vì vậy, qua khó khăn cũng như học tập kinh nghiệm thì đơn vị đã đề xuất với tỉnh cho phép thực hiện dự án để hỗ trợ công tác quản lý rừng. Không những vậy, việc thực hiện dự án sẽ góp phần nâng cao chuyên môn, kỹ năng cho cán bộ kiểm lâm trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo đó, kỹ sư Đoàn Ngọc Thân đã thực hiện dự án với nội dung trọng tâm là tập huấn phần mềm MapInfo, hướng dẫn cán bộ sử dụng GPS để chỉnh sửa hiện trạng rừng khi có sự thay đổi. Các phần mềm còn có hệ thống giúp theo dõi cháy rừng trực tuyến, có trang thông tin cảnh báo cháy rừng, phần mềm kiêm phục vụ kiểm kê, phần mềm QGIS để theo dõi diễn biến rừng.

Khi dự án thực hiện đã giúp khắc phục được hạn chế về công nghệ trong quản lý rừng. Qua dự án, ngành kiểm lâm đã được hỗ trợ thêm nhiều trang thiết bị để phục vụ cho công việc như: 1 thiết bị định vị GPS, 1 máy vi tính xách tay… Nhân viên Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng Trần Tấn Đạt cho biết: “Qua lớp tập huấn và tham gia dự án, tôi đã thạo các thao tác thực hiện và đọc được thông tin trên phần mềm. Các ứng dụng được tập huấn giúp tôi khắc phục được những số liệu chưa chính xác trước đây như cập nhật diễn biến rừng. Hơn nữa, việc kiểm tra rừng chủ yếu sử dụng bản đồ giấy gây khó khăn trong việc xác định diện tích, vị trí hiện trạng rừng thay đổi. Do đó, số liệu hiện trạng rừng chưa đảm bảo độ chính xác với độ che phủ rừng toàn tỉnh. Các phần mềm ứng dụng này đã giải quyết được hết các vấn đề nêu trên. Giờ đây, công tác quản lý và bảo vệ rừng được dễ dàng, nhanh chóng, ngăn cản kịp thời sự việc xấu xảy ra.

“Có thể nhận thấy rằng, việc ứng dụng thiết bị công nghệ thông tin gồm máy định vị GPS, máy tính bảng, điện thoại thông minh, hệ thống máy chủ… vào công tác quản lý, bảo vệ rừng là phương pháp ứng dụng kỹ thuật hiện đại. Các thiết bị đảm bảo tính kịp thời, chính xác, hiệu quả về chi phí, tiết kiệm thời gian cũng như dễ sử dụng hơn so với biểu mẫu trên giấy in truyền thống. Các phương pháp trên còn giảm thiểu thất thoát và lỗi dữ liệu với phiếu thực địa dạng số, đảm bảo tính kịp thời, chính xác, an toàn, tiết kiệm thời gian và chi phí do không cần dùng bản đồ giấy. Qua đó, khi có bất kỳ tác động nào vào rừng như phá rừng, cháy rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp…, các chủ rừng, cơ quan chức năng có thể nhanh chóng xác định tọa độ xử lý kịp thời, góp phần bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện có trên địa bàn”, kỹ sư Đoàn Ngọc Thân thông tin thêm.

Qua dự án, có 25 học viên là cán bộ ngành kiểm lâm, nhân viên Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được tiếp nhận nhiều kỹ năng mới, ứng dụng mới của thiết bị định vị GPS, máy vi tính cấu hình cao cho các đơn vị để phục vụ theo dõi diễn biến rừng. Ngoài ra, ban chủ nhiệm dự án còn phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tập huấn thêm phần mềm giải toán điện ảnh vệ tinh ENVi, hướng dẫn cách download ảnh vệ tinh LANDSAT-8 cho các viên chức có trình độ khá. Kết quả, sau khóa tập huấn, có 5 viên chức của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng hoàn thành tốt mục tiêu của dự án đặt ra.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Huỳnh Trường Vĩnh thì bảo vệ rừng là nhiệm vụ chính và nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Chính vì vậy, tỉnh đã ưu tiên để ngành kiểm lâm thực hiện dự án, phần lớn mục đích muốn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo vệ, quản lý rừng. Rừng là tài sản quý của quốc gia, vì vậy hy vọng sau dự án sẽ là cơ sở để ngành kiểm lâm và khu bảo tồn phát huy tính hữu ích của công nghệ nâng cao hiệu quả công việc. Quan trọng nhất là quản lý, bảo vệ tốt hơn rừng tràm của tỉnh ngày càng thêm phát triển.

Chủ nhiệm dự án Đoàn Ngọc Thân thông tin thêm: “Để kết quả của dự án được duy trì, ứng dụng vào thực tế công việc tốt hơn, hàng năm chúng tôi sẽ tổ chức thêm nhiều đợt tập huấn sử dụng phần mềm cho các kiểm lâm địa bàn hoặc có thể nhân rộng ra dân để vận động cả cộng đồng cùng nhau bảo vệ rừng thêm xanh tốt”.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>