15 Điểm son

05/02/2019 | 07:14 GMT+7

1. Xây dựng 46.000 căn nhà tình nghĩa, tình thương

Ngay sau khi thành lập tỉnh, nhiệm vụ đầu tiên được Đảng bộ Hậu Giang xác định là thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa và xóa đói giảm nghèo. Bởi khi ấy toàn tỉnh có 33.000 gia đình có công với cách mạng, tỷ lệ hộ nghèo gần 24%. Giúp đỡ người dân có nơi ở ổn định vừa là đạo lý trách nhiệm, vừa là động lực để người dân vươn lên. Sau 15 năm, toàn tỉnh đã xây dựng 46.000 căn nhà, giúp các gia đình an cư lạc nghiệp, vươn lên thoát nghèo.

2. Dẫn đầu ĐBSCL “xóa trắng” xã không có trường mầm non, mẫu giáo

Trước thực trạng 13 xã chưa có trường mầm non, mẫu giáo, gần 1.000 phòng học tạm bợ, xuống cấp cần phải sửa chữa, xây mới, năm 2006 tỉnh thực hiện cuộc “quật khởi” trong giáo dục. Tư duy đột phá bắt đầu từ con người của tỉnh đã nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân hơn 270 tỉ đồng, gần 70.000 m2 đất được người dân tự nguyện đóng góp. Đến cuối năm 2013, Hậu Giang trở thành tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL xóa trắng xã không có trường mầm non, mẫu giáo.

3. Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thu hút đầu tư

Năm 2007 đánh dấu bước khởi đầu trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh Hậu Giang. Từ một tỉnh có mạng lưới giao thông yếu nhất khu vực thì đến nay Hậu Giang có 5 tuyến quốc lộ đi qua, gần như 100% xã có đường ô tô về trung tâm, giao thông nông thôn kết nối đến tận xóm ấp.

4. Nông nghiệp - nông dân - nông thôn phát triển theo chiều sâu

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Hậu Giang tập trung đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tiến hành quy hoạch các vùng chuyên canh, đăng ký thành công nhãn hiệu 10 mặt hàng nông sản. Bên cạnh đó chiến dịch giao thông thủy lợi mùa khô duy trì hằng năm đã giúp hầu hết đất sản xuất nông nghiệp chủ động mùa vụ.

5. Festival lúa gạo đầu tiên cả nước

Đánh dấu chặng đường 5 năm thành lập tỉnh với nhiều thành tựu vượt bậc, Hậu Giang là nơi tổ chức Festival lúa gạo lần đầu tiên trong cả nước. Sự kiện không chỉ tôn vinh người trồng lúa, tôn vinh nền văn minh lúa nước mà còn vạch ra đường hướng phát triển của ngành lúa gạo Việt Nam cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

6. Vị Thanh trở thành thành phố trực thuộc tỉnh

Năm 2010, thị xã Vị Thanh chính thức được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Đó là minh chứng rõ nét nhất trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, để đến năm 2015 tỉnh tiếp tục điều chỉnh địa giới hành chính thành lập thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ.

7. Thu ngân sách đạt 1.000 tỉ đồng

Năm 2011, kinh tế gặp khó khăn do lạm phát tăng cao nhưng thu ngân sách của tỉnh lần đầu tiên chạm mốc 1.000 tỉ đồng, cao hơn 5 lần so với những năm đầu lập tỉnh. Đạt được kết quả trên là kết quả của quá trình thu hút đầu tư hiệu quả, nhiều dự án đi vào hoạt động, trung bình mỗi năm giải quyết việc làm 20.000 lao động.

8. Về đích nông thôn mới đầu tiên của vùng ĐBSCL

Năm 2012, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy trở thành đơn vị đầu tiên của cả nước hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Từ thành công này, ngày 12-10-2015, thị xã Ngã Bảy trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên ở ĐBSCL đạt chuẩn nông thôn mới. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 27 trong tổng số 54 xã hoàn thành chương trình này.

9. Hậu Giang đón nhận Huân chương độc lập hạng nhì

Sau 10 năm thành lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hậu Giang vinh dự đón nhận Huân chương độc lập hạng nhì. Đây là phần thưởng cao quý khẳng định sự năng động, sáng tạo, tinh thần tự lực để vượt qua khó khăn khi kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh phát triển khá toàn diện.

10. 100% hệ thống y tế cơ sở đạt chuẩn Quốc gia

Năm 2014, tỉnh thực hiện khâu đột phá trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân bằng cách tập trung hoàn thiện tuyến y tế cơ sở. Thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã dành 350 tỉ đồng để đầu tư cơ sở vật chất 47 trạm y tế, trong đó xã hội hóa 270 tỉ đồng. Đến cuối năm 2017, Hậu Giang hoàn thành trước 3 năm theo quy định Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011- 2020.

11. Tổ chức thành công MDEC Hậu Giang 2016

Với chủ đề: ĐBSCL - chủ động hội nhập và phát triển, diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL được tổ chức tại Hậu Giang đã vạch ra những đường hướng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đối với Hậu Giang đánh dấu bước khởi đầu để các năm tiếp theo mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước.

12. Đẩy mạnh liên kết hợp tác quốc tế

Sau thành công trong hợp tác với các tỉnh, thành trong khu vực, năm 2017 Hậu Giang tạo ấn tượng tốt với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ khi tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, thân thiện. Mục tiêu phát triển vạch rõ theo hướng nông nghiệp xanh và công nghiệp giảm thiểu tác động môi trường.

13. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 1 tỉ USD

Kể từ năm 2017, Hậu Giang là một trong số ít tỉnh ở ĐBSCL có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 1 tỉ USD, khẳng định những chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp của tỉnh trong thời gian qua phù hợp với xu thế phát triển của cả nước. Đến nay, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 32.000 tỉ đồng, xếp thứ 4 khu vực ĐBSCL.

14. Tổ chức diễn tập phòng thủ cấp khu vực - Tỷ lệ phá án 88%

Hằng năm Hậu Giang luôn quan tâm tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ. Góp phần xây dựng quân đội chính quy - tinh nhuệ - hiện đại, nâng cao ý thức bảo vệ trật tự an toàn xã hội, chống diễn biến hòa bình trong đảng viên và người dân. Bên cạnh đó, Công an Hậu Giang nhiều năm liền là đơn vị dẫn đầu cụm thi đua với tỷ lệ phá án đạt 88%.

15. 14/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vượt kế hoạch

Đánh dấu chặng đường 15 năm phát triển, kết thúc năm 2018 Hậu Giang có 14/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành vượt kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 38,32 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 7 lần so với năm 2004, đời sống người dân không ngừng tăng lên, trong khi tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,13%.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>