Băn khoăn thực phẩm giá rẻ

28/06/2017 | 08:06 GMT+7

Đồng lương ít ỏi, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên từng bữa cơm đều được công nhân tính toán chi ly. Cũng vì thế, công nhân thường chọn những loại thực phẩm rẻ nhất chứ ít quan tâm đến nguồn gốc và chất lượng. Điều này vô tình tạo cơ hội cho thực phẩm kém chất lượng, có cơ hội tuồn vào các chợ công nhân.

Lương ít, nhiều công nhân tính toán chi ly cho bữa cơm chính, vì vậy những thực phẩm giá rẻ luôn có sức hút.

Giá cả thị trường luôn tăng nhiều hơn giảm, đồng nghĩa với việc thực phẩm chế biến cho bữa cơm chiều của công nhân hết sức hạn hẹp. Một lý do để công nhân đi chợ vào cuối ngày đó là thực phẩm buổi chiều sẽ rẻ hơn buổi sáng rất nhiều. Phục vụ công nhân và các đối tượng có thu nhập thấp vì thế mà giá cả hàng hóa cũng rẻ bèo, theo đó, chất lượng khó có thể bảo đảm yêu cầu tươi ngon, đủ dinh dưỡng.

Tại các khu chợ chiều gần khu công nghiệp, tình trạng bày bán thực phẩm bẩn, kém chất lượng khá phổ biến. Sau khi đi một vòng khu chợ, hỏi giá từng món, chị Võ Thị Hạnh Nhiên, công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Lạc Tỷ 2 - Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, đã chọn mua cá và rau cho bữa cơm chiều. Đây cũng là khẩu phần thường thấy của công nhân. Thế nhưng, khi quan sát số cá dường như màu sắc bị biến đổi rất nhiều, không như cá vừa bóc vảy. Xách mớ thực phẩm trên tay, chị Nhiên, khoe: “Tan ca trễ, tôi đi từ đầu tới cuối chợ mới mua được hai con cá rô và bó cải xanh. Mua hết nhiêu đây có 15.000 đồng, chỉ làm được một món kho ăn kèm rau sống nhưng cũng đủ cho cả nhà. So với chỗ đầu chợ thì chỗ này bán rẻ hơn 2.000-3.000 đồng”.

Còn chị Kim Liên, công nhân của Công ty CP Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang, Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành cho rằng với những nữ công nhân đã có gia đình như chị thì sau khi tan ca còn phải tranh thủ vào chợ để tìm mua thực phẩm chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình. Do vậy, tôm, cá, thịt... vào buổi chiều chắc chắn không còn tươi ngon như sáng sớm. Không ít thực phẩm đó cũng không thể đảm bảo được chất lượng. “Biết là vậy nhưng tôi đành phải mua vì chợ lớn hơn chỉ bán buổi sáng mà siêu thị thì tại khu này chưa có. Nhiều tiểu thương tranh thủ sáng thì bán ở chợ gần đó còn buổi chiều thì về chợ công nhân bán. Đa phần thực phẩm đều cũ nên bán giá rất rẻ. Tôi và các công nhân khác không có thời gian nên cũng chấp nhận mua để có bữa cơm chiều cho gia đình”, chị Liên chia sẻ.

Dù là chợ tạm Tân Phú Thạnh hay chợ tạm Đông Phú, một số sạp thịt heo được bày bán một cách sơ sài trên sạp, bên dưới trải một tấm bìa các-tông, cạnh bên là cái mâm đựng nội tạng… Khu vực bán thịt gà, thịt vịt, cá hầu như mỗi tiểu thương đều có một kiểu bày hàng. Gà, vịt đã được làm sẵn, nội tạng bán theo con hoặc bán riêng tùy theo yêu cầu của khách. Cá đồng, cá biển cũng được làm sẵn để một góc, số cá này bán giá rẻ hơn so với cá chưa làm. Một tiểu thương cho biết đây là cá vừa chết hoặc cá còn sống làm sẵn để công nhân mua là có ngay đỡ mất thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, với hình thức mua bán này, người mua sẽ không được lựa chọn những hàng còn tươi. Nhiều công nhân dù biết cá không còn tươi nhưng vì giá rẻ nên vẫn tập trung mua. 

Nhiều người thường đi chợ cho biết, không ít những thực phẩm ở chợ đều là thực phẩm ế, dạt từng những khu chợ khác. Những thực phẩm này khó bán được trong các chợ lớn do yêu cầu của khách hàng khá cao. Có nhiều loại thực phẩm đã dồn từ 3-4 ngày nhưng đều có thể bán được cho công nhân vì họ chỉ ưu tiên giá rẻ mà thôi. Do vậy, có người chịu mua thì giá nào cũng bán được. “Khi tôi hỏi giá, được biết thịt, đùi hay cánh gà ở chợ chỉ 40.000 đồng/kg, mấy món này rẻ hơn nhiều so với giá ở chợ gần đó. Hỏi về nguồn gốc thì họ bảo mua hàng ở chỗ quen nên bán giá rẻ hơn. Nhưng sự thật đồ có đảm bảo hay không thì không ai biết được. Nếu chịu mua đồ ngon thì tốn tiền nhiều hơn. Nhiều hàng cá ở đây không được tươi và đa số ướp hàn the, rau củ đến chiều cũng héo”, chị Liên cho biết thêm.

Công nhân làm việc với quãng thời gian dày đặc nên tạo cơ hội cho một bộ phận tiểu thương đi thu gom các mặt hàng rau, củ, thực phẩm từ các chợ về chợ tạm gần các khu công nghiệp bán lại. Bà Tiến, tiểu thương bán đồ ăn sáng tại chợ tạm Đông Phú, huyện Châu Thành, tiếc lộ: “Nhiều công nhân thường đi làm về khuya và sáng hôm sau đã đi làm lại nên không có thời gian ngồi ăn lâu. Nắm bắt được nhu cầu cần thức ăn nhanh này, nhiều năm nay tôi đã đến bán bánh mì với giá từ 6.000-8.000 đồng/ổ. Chính vì bán giá rẻ như vậy nên nguồn thực phẩm như thịt hay trứng mua về cũng phải rẻ hơn mới có lời. Bởi vậy, tôi thường mua bánh mì từ những lò lớn sau đó về nhà tự chế biến đồ ăn kèm theo còn thịt heo hay trứng, tôi mua ở chợ trên Cần Thơ từ chiều hôm trước”.

“Hôm trước mua nửa ký cá biển về nhà, nấu xong thì thấy phần thịt bở, tái màu chứ không săn chắc như cá lúc còn tươi. Cả nhà cũng ăn đỡ chứ không lẽ đem cá đi đổi lại. Mà có góp ý thì tiểu thương cũng bảo rằng tiền nào thì hàng ấy. Có hôm ăn món cá biển kho mà ớn nhưng không ăn thì lấy sức đâu mà làm tiếp”, chị Liên tâm sự.

Ít quan tâm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm

2 khu công nghiệp Tân Phú Thạnh và Sông Hậu thu hút hàng ngàn công nhân làm việc. Chính vì vậy, nhu cầu thực phẩm cũng tăng cao, tạo thành thị trường tiêu thụ màu mỡ cho thực phẩm kém chất lượng. Tiểu thương trong chợ luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách. Nhiều người dân cho biết, ở những khu chợ tạm chuyên phục vụ công nhân, dường như công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa hay các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đều bỏ ngỏ. Những thực phẩm như đã kể trên tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường. Nếu ăn thực phẩm kém chất lượng trong một thời gian dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

 

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>