Bức thiết đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

20/09/2017 | 07:24 GMT+7

Được hưởng nhiều ưu thế, song những cụm công nghiệp tập trung (CNTT) trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát huy tiềm năng hiện có. Hiện tại, những nơi này đang cần nguồn vốn khá lớn để có thể hoàn thiện hạ tầng, tạo sức hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư. Do vậy, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng là nhu cầu bức thiết. Đây cũng là mục tiêu mà Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 của tỉnh đang hướng đến.

Tỉnh đang hoàn thiện đường 3B - Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú với tổng chiều dài thiết kế khoảng 1km.

Tiềm năng của 3 cụm công nghiệp tập trung

Ông Nguyễn Ngọc Điện, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang, cho biết: Tỉnh đã quy hoạch 4 cụm CNTT rộng 410ha. Hầu hết các cụm đều nằm ở vùng trọng điểm của huyện Châu Thành và Châu Thành A. Từ nhu cầu thực tế, hạ tầng các cụm này chưa hoàn chỉnh, doanh nghiệp đầu tư vào chủ yếu chọn các vị trí có mặt tiền hướng ra sông, ra lộ lớn. Nhân hội nghị xúc tiến đầu tư, Ban quản lý và các sở, ngành tiếp xúc các nhà đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và giới thiệu về dự án kết cấu hạ tầng 3 cụm CNTT Đông Phú (kêu gọi đầu tư 50ha), Phú Hữu A - giai đoạn 3, Nhơn Nghĩa A. Tỉnh muốn kêu gọi doanh nghiệp vào để giúp tỉnh hoàn chỉnh hạ tầng rồi cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại. Tổng diện tích 3 cụm khoảng 300ha, hiện mới có 3 nhà đầu tư đăng ký với diện tích 25ha, tỷ lệ lấp đầy chiếm 8%. Như vậy, còn rất nhiều đất trống chưa thu hút được doanh nghiệp.

Đối diện Khu công nghiệp (KCN) Sông Hậu, Cụm CNTT Đông Phú được quy hoạch tại xã Đông Phú, huyện Châu Thành có diện tích toàn khu 120ha. Ở giai đoạn 1, cụm có 2 dự án vào hoạt động là Tổng kho phân phối Vinafco và Công ty TNHH Hóa nông Lúa Vàng - Hậu Giang. Đây là cụm CNTT hội tụ đủ yếu tố đắc địa chỉ đứng sau 2 KCN Sông Hậu và Tân Phú Thạnh. Giao thông thủy, bộ thuận lợi vì nằm cặp Quốc lộ Nam Sông Hậu - tuyến đường huyết mạch kết nối công nghiệp các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và cách cảng biển quốc tế Vinalines Hậu Giang chưa đầy 1km. Cụm CNTT Đông Phú liên kết với Cụm CNTT Phú Hữu A - giai đoạn 3 và thừa hưởng tất cả các dịch vụ hạ tầng của Khu công nghiệp Sông Hậu. Hiện, trục đường 3B được đầu tư với chiều dài gần 300m và dự kiến sẽ đầu tư phần còn lại để hoàn chỉnh với chiều dài 1km. Riêng Cụm CNTT Phú Hữu A - giai đoạn 3 có một dự án đi vào hoạt động là Công ty TNHH MTV Xi măng Cần Thơ - Hậu Giang. Phần đất còn lại một mặt giáp đường Nam Sông Hậu, mặt sau giáp sông Hậu và chưa giải phóng mặt bằng. 

Nằm ở vị trí tiếp giáp với thành phố Cần Thơ và là cửa ngõ dẫn về trung tâm tỉnh Hậu Giang cho nên Cụm CNTT Nhơn Nghĩa A vừa có vị thế để phát triển công nghiệp vừa tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào từ các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như cam sành, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng cùng các sản phẩm rau màu, chăn nuôi của huyện Châu Thành A và vùng phụ cận. Cụm CNTT Nhơn Nghĩa A với 3 mặt tiền tiếp giáp đường bộ là Quốc lộ 61C và Đường tỉnh 931B - được kết nối bởi đường Nguyễn Việt Hồng. Cụm này nằm cặp kênh xáng Xà No.

Kỳ vọng hiệu quả đầu tư

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp, tỉnh đã và đang chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở hạ tầng, dịch vụ tiện ích nhằm đáp ứng và hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án một cách thuận lợi, hiệu quả nhất. Tỉnh đã kết nối được 8 nhà đầu tư, trong đó 6 nhà đầu tư liên quan đến kết cấu hạ tầng. Các nhà đầu tư đã tìm hiểu thông tin bước đầu và hứa sẽ xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Song song đó, Ban quản lý vẫn kêu gọi các nhà đầu tư tham gia dự án sản xuất, kinh doanh.

“Một khi có nhà đầu tư tham gia vào xây dựng hạ tầng thì các cụm CNTT này sẽ thu hút được nhà đầu tư thứ cấp. Nếu làm được, sức hút của các cụm này sẽ rất lớn, bài toán trước hết chính là tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân. Về lâu dài, các doanh nghiệp đăng ký dự án nhiều sẽ làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng khu vực II. Đặc biệt, doanh nghiệp hoạt động ổn định sẽ đóng góp ngược lại cho ngân sách và các vấn đề an sinh xã hội. Khi đó, tỉnh sẽ có được nguồn lợi khá lớn”, ông Nguyễn Ngọc Điện phân tích. 

Đó là chưa kể, hiệu quả thu hút đầu tư kéo theo các vấn đề khác như phát triển thêm nhiều loại hình doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu và xử lý hậu sản xuất,  thương mại - dịch vụ, dân cư, đô thị phát triển theo. Đơn cử, ngay sau khi Nhà máy chế biến tôm của Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Minh Phú - Hậu Giang hoạt động thì Công ty Cổ phần Thực phẩm Việt Food - KCN Sông Hậu cũng thành lập nhằm thu gom đầu tôm làm các sản phẩm phụ phẩm xuất khẩu.

Đầu tư vào các cụm CNTT mà tỉnh kêu gọi, các nhà đầu tư sẽ được áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ở mức cao nhất, ổn định nhất theo quy định hiện hành của Chính phủ và của tỉnh, đảm bảo những quyền lợi và cơ hội đầu tư kinh doanh thật sự hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Kêu gọi đầu tư và xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp với tổng vốn 150 triệu USD

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang, dự án đầu tư và xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A - giai đoạn 3 thuộc thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, có quy mô diện tích đất quy hoạch 80ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 40 triệu USD; dự án đầu tư và xây dựng kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp tập trung Nhơn Nghĩa A, thuộc xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, có tổng diện tích đất quy hoạch 100ha, vốn đầu tư dự kiến 50 triệu USD; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú, tại xã Đông Phú, huyện Châu Thành, có diện tích đất quy hoạch 120ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 60 triệu USD. Khi nhà đầu tư vào thực hiện dự án sẽ được ưu đãi 10% thuế suất trong thời hạn 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc để tạo tài sản cố định; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước ít nhất trong 15 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động; thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc để tạo tài sản cố định...

 

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>