Búng Tàu khởi sắc mô hình kinh tế

09/08/2018 | 08:46 GMT+7

Nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế, mang về hiệu quả cao đã giúp đời sống người dân thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, khởi sắc.

Vườn tiêu của gia đình ông Mười đang bắt đầu cho thu hoạch rộ.

Ổi nữ hoàng là loại cây trồng được anh Nguyễn Hữu Phước, ở ấp Tân Hưng, lựa chọn canh tác gần 5 năm qua, mang về hiệu quả, thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Anh Phước bộc bạch: “Tôi sản xuất ổi theo phương pháp hữu cơ nên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, tôi cung cấp ổi cho một số thị trường như Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Quảng Ngãi,… hoặc tiêu thụ ở những cửa hàng thực phẩm sạch. Vùng đất Búng Tàu rất phù hợp với loại cây trồng này nên chất lượng trái to, đều, đẹp, sản lượng khoảng 50 tấn/ha/năm”.

Vào năm 2013, khi vườn bưởi gia đình bị hư, anh mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm đến với ổi nữ hoàng. Bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn do sản xuất phương pháp hữu cơ còn mới nhưng với sự kiên trì đã giúp anh thành công. Anh Phước chủ động tìm đầu ra sản phẩm, đến nay thị trường tiêu thụ ổn định, cung không đủ cầu. Vườn ổi nữ hoàng của anh Phước luôn được thương lái ưa chuộng bởi độ sạch, giòn, ngọt. Đảm bảo sử dụng phân hữu cơ đúng dư lượng, thời điểm là cách nâng cao chất lượng trái.

Rời vườn ổi của anh Phước, đến thăm mô hình trồng tiêu trên cây bình linh của gia đình ông Nguyễn Văn Mười, ở ấp Tân Phú A1. Vườn tiêu 3 năm và đang vào giai đoạn thu hoạch rộ là cả một quá trình nỗ lực, tìm tòi và vượt khó của ông Mười. Nhìn thành quả lao động của mình, ông Mười nói: “Tiêu trồng khoảng 20 tháng sẽ bắt đầu cho trái lai rai, tuy nhiên, niềm trăn trở lớn của tôi là giá và đầu ra của tiêu chưa ổn định. Hiện tôi chỉ bán tiêu xanh cho các mối ở Sóc Trăng, Vĩnh Long nhưng nhu cầu cũng ít lắm. Tôi mong địa phương hỗ trợ cho đầu ra sản phẩm thì nông dân an tâm sản xuất hơn bởi chi phí trồng tiêu khá cao”.

Theo ông Mười, trồng tiêu trên cây bình linh rất nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh. Cây bình linh dễ trồng, rễ ăn sâu ít cạnh tranh dinh dưỡng với tiêu, ít gãy đổ, rong tỉa cành lá cũng dễ dàng. Tất cả kỹ thuật, cây giống (bình linh và tiêu) đều được ông mang về từ Bình Phước. Do thổ nhưỡng thích hợp nên chất lượng và sản lượng tiêu Búng Tàu không thua gì ở Bình Phước, nguồn nước đủ nên tiêu cho trái quanh năm.

Nhiều mô hình làm ăn kinh tế đã mang về nguồn thu nhập cao, góp phần tích cực trong việc cải thiện chất lượng và cuộc sống người dân Búng Tàu. Ngoài tiêu, ổi nữ hoàng, thị trấn Búng Tàu còn phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như nuôi ba ba, trồng cam sành, xoài cát chu,… Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình, phát triển theo hướng hiệu quả rất cần sự vào cuộc của địa phương. Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Búng Tàu, cho biết: “Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân địa phương phát triển và nhân rộng các mô hình như hỗ trợ kỹ thuật đến nguồn vốn vay. Hướng tới, chúng tôi sẽ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình ở những địa phương khác về áp dụng tại địa phương”.

Thị trấn Búng Tàu hiện có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như trồng tiêu, cam sành, xoài cát chu, trồng cỏ nuôi bò, ổi nữ hoàng, nuôi ba ba, với diện tích khoảng 7,42ha. Các mô hình trên có thu nhập từ 100 triệu đồng đến khoảng 400 triệu đồng/năm, lợi nhuận thu về từ 50 đến hơn 300 triệu đồng/năm.

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>