Cần hiểu đúng về dịch tả lợn châu Phi

05/04/2019 | 08:51 GMT+7

Các nhà khoa học khẳng định “dịch tả lợn (heo) châu Phi không lây sang người” và đây là bệnh đặc chủng trên heo nên chỉ lây bệnh cho loài heo mà không lây sang các động vật khác.

Các nhà khoa học khẳng định dịch tả heo châu Phi không lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ.

Tuy nhiên, thông tin về dịch bệnh này xuất hiện ở một số tỉnh thời gian qua đã phần nào tác động đến người tiêu dùng, thị trường heo hơi cũng giảm nhẹ gần đây. Bà Nguyễn Thị Kiều, ở chợ Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho biết từ khi có thông tin về bệnh dịch tả heo châu Phi, gia đình đã hạn chế sử dụng thịt heo trong bữa ăn hàng ngày. Thay vào đó, bà chọn những loại cá, rau cho mâm cơm gia đình. Bà Kiều chia sẻ: “Trên các phương tiện truyền thông có nói dịch tả heo châu Phi không lây sang người, nhưng thông tin này cũng khiến tôi ngán ngại khi chọn mua thịt heo. Khi mua, tôi cũng quan sát kỹ, xem dấu kiểm dịch, màu sắc thịt phải tươi, ngon; mua ở chỗ quen biết, có uy tín. Trước khi chế biến, tôi phải rửa kỹ bằng nước muối, nếu cẩn thận hơn thì luộc sơ qua rồi mới tẩm ướp”.

Ghi nhận tại chợ Vị Thanh, giá thịt đùi hiện được bán khoảng 70.000 đồng/kg. Giá heo hơi giữ mức cao nhất chỉ khoảng 45.000 đồng/kg. So với thời điểm 3 tháng trước, giá thịt đùi giảm gần 10.000 đồng/kg; giá heo hơi giảm ít nhất 5.000 đồng/kg. Các tiểu thương cho biết, gần đây người tiêu dùng chọn mua thịt heo cẩn thận, quan sát kỹ hơn. Tiểu thương Nguyễn Thị Kim Thảo, cho biết: “Gần đây, thú y kiểm tra chặt chẽ lắm. Người tiêu dùng ai cũng biết về dịch bệnh này nên chọn lựa kỹ càng, mua thịt phải có dấu kiểm dịch mới an tâm. Hơn nữa, mình buôn bán bao năm nay phải uy tín mới giữ chân được khách trong thời buổi cạnh tranh”.

Theo ngành chức năng, thông tin xuất hiện dịch tả heo châu Phi có ảnh hưởng phần nào đến tâm lý người tiêu dùng. Chưa kể tình trạng một số thương lái lợi dụng cơ hội này để ép giá người chăn nuôi. Tại huyện Long Mỹ, hiện giá heo hơi đã nhích lên khoảng 43.000 đồng/kg (cao hơn tuần trước từ 2.000-3.000 đồng/kg). Ông Phạm Văn Chính, Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú Y huyện Long Mỹ, thông tin: Vừa qua trạm có phối hợp với chi cục tổ chức buổi trao đổi về giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi, mời một số hộ chăn nuôi trên địa bàn tham dự. Qua đó, lồng ghép phổ biến kỹ về bệnh dịch tả heo châu Phi. Đồng thời phối hợp với Đài truyền thanh huyện tăng cường tuyên truyền về dịch tả heo châu Phi để người dân hiểu rõ hơn. Mặt khác, ngày 4-4 đã khởi động ra quân tiêu độc khử trùng đợt 1-2019. Qua đây, góp phần tăng cường công tác phòng bệnh trên heo, các loại gia súc và gia cầm khác.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tâm lý người dân một phần bị dao động trước thông tin dịch tả heo châu Phi nên khi heo tới lứa thì người dân bán ngay, số lượng bán nhiều phần nào đã ảnh hưởng đến giá. Ông Trịnh Hùng Cường, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nêu rõ: Bệnh dịch tả heo châu Phi chỉ xảy ra và gây thiệt hại trên heo, do vậy người chăn nuôi cần tuyệt đối chấp hành việc chăn nuôi an toàn sinh học. Không nhập những đàn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Tăng cường vệ sinh chuồng trại, hạn chế các côn trùng gây hại. Dịch tả heo châu Phi không có thuốc tiêm phòng, do vậy để hạn chế rủi ro cần chủ động tiêm phòng các loại dịch bệnh khác để tăng sức đề kháng cho heo. Nguồn thức ăn chăn nuôi, nước uống cho heo cần đảm bảo vệ sinh; hạn chế sử dụng thức ăn thừa từ quán ăn; thức ăn công nghiệp là sự lựa chọn tốt nhất trong giai đoạn này. Đây cũng là thời điểm đang giao mùa nên cần tạo môi trường sống tốt cho vật nuôi. Đối với người chăn nuôi phải bình tĩnh trước những thông tin trên mạng xã hội. Nếu có vấn đề không rõ trong quá trình chăn nuôi thì nên liên hệ với trạm chăn nuôi và thú y gần nhất để có những tư vấn cho rõ ràng và chính xác. Không nên tin tưởng vào những thông tin không được kiểm chứng gây hoang mang, ảnh hưởng đến quá trình nuôi, làm thiệt hại về kinh tế của hộ dân.

Với những khuyến cáo trên, hy vọng người dân có cái nhìn đầy đủ hơn về dịch tả heo châu Phi. Đồng thời, thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành chức năng trong quá trình chăn nuôi. Người dân cũng cần sáng suốt, tránh bị tác động bởi những thông tin sai lệch về dịch tả heo châu Phi làm ảnh hưởng đến quá trình chăn nuôi.

Các triệu chứng của dịch tả heo châu Phi

Heo bệnh biểu hiện các triệu chứng rất giống với triệu chứng của bệnh dịch tả heo cổ điển. Do đó, việc chẩn đoán dịch tả heo châu Phi khó có thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng; cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện vi-rút dịch tả heo châu Phi. Nếu ở thể quá cấp tính heo chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc heo nằm và sốt cao trước khi chết, là do heo đã nhiễm vi-rút có độc lực cao. Biểu hiện là heo sốt cao (40,5-420C), không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, heo thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước, có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Tỷ lệ tử vong lên tới 100%.

 

 Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>