Cảnh giác lũ dâng cao bất thường

07/08/2018 | 05:30 GMT+7

Đây là khuyến cáo của ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đối với tỉnh Hậu Giang nói riêng và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung trong công tác phòng, chống lũ. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Tỉnh cho biết:

Ông Nguyễn Văn Tỉnh (đứng), Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, lưu ý các tỉnh vùng ĐBSCL cần cảnh giác lũ năm nay sẽ dâng cao bất thường.

- Theo dự báo của cơ quan chức năng Trung ương mà đơn vị nắm được, mùa lũ năm 2018 tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long có khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm, trong đó lũ đầu vụ sẽ xuất hiện vào giữa tháng 8 này và đạt đỉnh lũ vào giữa tháng 10 tới (lũ ở mức báo động II). Tuy nhiên, theo kết quả đo mực nước được đơn vị thực hiện tại một số địa phương vùng ĐBSCL thì mực nước đang cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 và nước đang tiếp tục lên nhanh. Dự kiến đến ngày 13-8 tới, mực nước ở một số điểm của tỉnh đầu nguồn An Giang, như: tại Tân Châu đạt mức 3,7m và Châu Đốc là 3,1m, cao hơn báo động I là 0,7m.

Xin ông cho biết cụ thể hơn về dự báo tình hình lũ năm nay ở vùng ĐBSCL sẽ như thế nào, thưa ông ?

- Trước tình hình mưa bão (nhất là mưa lớn kéo dài) đang diễn biến bất thường như hiện nay và mực nước trên sông Mekong đang dâng cao, đồng thời chúng ta còn thiếu rất nhiều thông tin về việc vận hành ở một số hồ chứa, hồ thủy điện lớn. Do đó, khả năng sẽ xuất hiện trường hợp lũ lớn hơn so với dự báo nên chúng ta không được chủ quan, lơ là mà cần hết sức đề phòng.

Trước tình hình lũ ở ĐBSCL có khả năng sẽ cao hơn dự báo, vậy qua công tác kiểm tra việc chủ động ứng phó của các địa phương đến thời điểm này, ông đánh giá như thế nào ? 

- Qua khảo sát công tác chủ động phòng, chống lũ tại tỉnh Hậu Giang và một số địa phương vùng ĐBSCL, tôi nhận thấy, các địa phương đang chủ động thực hiện quyết liệt các giải pháp như: tu sửa bờ bao, khơi thông dòng chảy, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nắm bắt tình hình để cùng phòng tránh hiệu quả. Điều đáng mừng là qua công tác hỗ trợ nguồn kinh phí thủy lợi phí của Trung ương, cũng như công tác xã hội hóa trong thời gian qua của các địa phương vùng ĐBSCL, hiện nhiều diện tích lúa, cây ăn trái, mía, hoa màu,… của bà con được khép kín chủ động về nguồn nước. Đặc biệt, nếu như mực nước lũ năm nay đúng như dự báo thì những vùng sản xuất nằm trong hệ thống đê bao hoàn toàn đảm bảo ứng phó với lũ.

Để đảm bảo an toàn hơn cho mùa màng, tài sản và tính mạng con người trước, trong và sau khi lũ, ông có những lưu ý gì ?

- Tôi đề nghị các địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật những thông tin về dự báo tình hình thời tiết của các cơ quan liên quan từ Trung ương đến khu vực để chủ động bố trí mùa vụ sản xuất cho phù hợp nhằm bảo vệ thành quả lao động cho người dân, nhất là vụ lúa Hè thu và Thu đông (lúa vụ 3), vì đây là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước. Ngoài ra, việc theo dõi thông tin còn giúp địa phương có thể chủ động đề ra các giải pháp phòng, tránh hiệu quả vào từng thời điểm. Cụ thể đối với lúa vụ 3, khuyến cáo các địa phương chỉ cho nông dân xuống giống ở những vùng đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi trong xây dựng xã nông thôn mới, nghĩa là phải có bờ bao, cống đập kiên cố để chủ động điều tiết nước khi cần thiết, tránh ngập úng. Bên cạnh đó, địa phương cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát lại hiện trạng toàn bộ hệ thống đê bao, cống đập, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn để khi phát hiện những công trình nào xuống cấp và không đáp ứng yêu cầu chống lũ thì khẩn trương khắc phục. Ghi nhận ý kiến đề xuất của lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, Tổng cục Thủy lợi sẽ khẩn trương có ý kiến đề xuất với Bộ Tài chính trong việc hỗ trợ trước nguồn kinh phí thủy lợi phí năm 2019 sang năm nay để các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện công trình chống lũ đạt yêu cầu nhằm bảo vệ sản xuất và tính mạng cho người dân trong vùng...

Xin cảm ơn ông !

HỮU PHƯỚC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>