“Chìa khóa” cho sự phát triển

21/06/2018 | 11:35 GMT+7

Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức buổi đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn.

Nguồn lao động là vấn đề khó khăn nhất đối với Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang.

Ngay trước thềm buổi đối thoại, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Trong những năm qua, Hậu Giang luôn quan tâm đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là “chìa khóa” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh. Với tinh thần hỗ trợ, Hậu Giang luôn đồng hành cùng doanh nghiệp với sự cầu thị và mong nhận được sự đóng góp của các doanh nghiệp cũng như “hiến kế” cho tỉnh để có thể phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Còn nhiều vướng mắc

Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp cho rằng, mối quan tâm lớn nhất hiện nay là chậm xử lý trong công tác giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, địa phương lại không xác định được thời gian chi trả tiền giải phóng mặt bằng khi nhà đầu tư ứng tiền trước đó. Tiếp đó là thủ tục cấp chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài cũng là một trong những vướng mắc được đưa ra tại hội nghị.

Theo đại diện Công ty Đầu tư Xây dựng Hồng Phát, dự án Trung tâm Thương mại Hồng Phát tại thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, đã được UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng từ lâu. Thế nhưng, đã nhiều năm trôi qua nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành được công tác giải phóng mặt bằng sạch để giao cho nhà đầu tư. Trong khi hiện nay, theo nhu cầu của doanh nghiệp thì từ nay đến năm 2020 công ty sẽ đầu tư thêm từ 2-3 dự án, do đó rất cần sự hỗ trợ của tỉnh trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Công Minh Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ II, ở Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, cho rằng: Cơ chế của tỉnh khiến doanh nghiệp luôn ở thế “bị động” trong thủ tục đất đai từ chính sách cho đến khâu giải phóng mặt bằng. Khi triển khai các dự án, hầu hết các doanh nghiệp khó xác định được thời gian nhận đất. Hơn nữa, khi doanh nghiệp chi ứng tiền giải phóng mặt bằng thì cũng không xác định được thời gian hoàn trả. “Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp gặp phải tình trạng trên, nhiều khi có vấn đề trục trặc về giải phóng mặt bằng sẽ khiến dự án kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến tình hình đầu tư”, ông Khoa băn khoăn.

Còn theo đại diện công ty đến từ Hồng Kông đang có nhu cầu đầu tư dự án Nhà máy luyện cán thép với công suất 500.000 tấn/năm, cho rằng: Các cơ quan có thẩm quyền nên có sự quan tâm, xem xét tới các thủ tục liên quan của doanh nghiệp. Nên có những hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp đầu tư được thuận lợi.

Bên cạnh khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, về nguồn lao động cũng khiến các doanh nghiệp trăn trở. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh đã giải quyết cho hơn 60.000 lao động ở các doanh nghiệp. Thế nhưng, hiện nay nhu cầu về nguồn lao động tại các doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho hay: Vấn đề trăn trở lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp vẫn là nguồn lao động. Nguyên nhân xuất phát từ điều kiện đi lại nên rất khó tuyển đủ số lượng công nhân vào nhà máy. Do đó, thời gian tới, công ty rất cần sự ủng hộ của tỉnh trong việc đầu tư các khu nhà thu nhập thấp, trong đó sẽ lồng ghép các cơ sở hạ tầng thiết yếu để có thể “giữ chân” người lao động.            

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Ông Hồ Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang, thẳng thắn, nhìn nhận: Do địa phương không có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên từ trước đến nay thực hiện theo cơ chế ứng tiền của nhà đầu tư để giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, vấn đề giải phóng mặt bằng nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào sự hợp tác của người dân. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ, trong thời gian tới tỉnh sẽ chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất giải quyết chặt chẽ hơn để khi có vấn đề xảy ra thì sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn cũng nhận trách nhiệm trước doanh nghiệp về tình trạng giải phóng mặt bằng kéo dài và rất mong các doanh nghiệp chia sẻ, đồng hành cùng với chính quyền địa phương ở một tỉnh còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp so với các tỉnh trong vùng, nhất là về cơ sở hạ tầng. Vì thế, tỉnh sẽ thực hiện chặt chẽ hơn nữa để hạn chế thấp nhất xảy ra tình trạng trên.

Phát biểu tại buổi đối thoại với doanh nghiệp, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Để tháo gỡ cho các doanh nghiệp, trong thời gian tới, Hậu Giang sẽ rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính. Song song với việc nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm Hành chính công Hậu Giang, tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, sẽ công khai, minh bạch các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp cũng như quá trình xử lý, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính; tổ chức đối thoại công khai định kỳ với cộng đồng doanh nghiệp; thiết lập đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến để nắm bắt, tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp. Bên cạnh vai trò của nhà nước, cũng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian tới sẽ chủ động báo cáo và đề xuất hướng xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành kịp thời giải quyết.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 24 dự án đầu tư với tổng số vốn 361,6 tỉ đồng, tạo việc làm cho 357 lao động. Từ trước đến nay, toàn tỉnh có 310 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư 121.170 tỉ đồng, trong đó có 262 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp, với tổng số vốn là 35.661 tỉ đồng và 48 dự án trong khu công nghiệp với tổng số vốn là 85.509 tỉ đồng. 

 

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>