Chiến dịch thành công

20/09/2018 | 08:20 GMT+7

Thông qua Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây hàng năm, nhiều công trình cầu, đường và thủy lợi tiếp tục được đầu tư hoàn thiện, giúp đảm bảo đi lại và lưu thông hàng hóa.

Tuyến đường kênh Mới, ở ấp 3, xã Hòa Mỹ, vừa hoàn thành trong chiến dịch.

Phát huy vai trò của Nhân dân

Với sự vào cuộc quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, sau hơn 100 ngày triển khai, Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây năm 2018 kết thúc với nhiều chỉ tiêu vượt xa kế hoạch. Hiệu quả xây dựng được 65 tuyến đường với chiều dài 87,13km có chất lượng được bảo đảm. Trong đó, 32 tuyến dài 62,76km xây dựng theo tiêu chí xã nông thôn mới có bề rộng mặt đường 3,5m, chiếm 72%; 33 tuyến dài 24,37km bề rộng mặt đường từ 2,5-3m, chiếm 28%. Xây dựng được 104 cây cầu, với 2.600m dài; trong đó 55 cây cầu với 1.760m dài có bề rộng mặt cầu 3,5m trở lên, tải trọng 5 tấn, chiếm 67,7%; 49 cây cầu với 840m dài có bề rộng mặt cầu 2,5m, chiếm 32,3%.

Trong chỉ đạo thực hiện, các cấp, các ngành, địa phương phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, huy động nhiều nguồn lực với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây thực sự là nhân tố quyết định sự thắng lợi của chiến dịch. Trong chiến dịch luôn tạo được khí thế thi đua sôi nổi giữa các địa phương, từ đó kích thích được sự quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch giao. Ông Trần Văn Việt, người dân ở ấp 8, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cho biết: “Qua vận động phong trào thi đua thực hiện chiến dịch, bản thân gia đình tự nguyện đóng góp, hiến đất, hoa màu, ngày công để xây dựng lộ giao thông nông thôn. Tôi thấy được vai trò quan trọng của người dân trong chiến dịch nên tham gia vận động bà con trong xóm, ấp tự nguyện đóng góp cùng chính quyền địa phương xây dựng tuyến lộ nông thôn ở ấp 8, xã Lương Nghĩa. Đến nay, tuyến này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, giải quyết được khó khăn về đi lại cho bà con”.

Ông Nguyễn Quốc Minh, ở ấp 3, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Người dân địa phương tôi chủ yếu làm nghề nông, những chủ trương ưu tiên cho nông nghiệp được triển khai hiệu quả đem lại sự phát triển kinh tế cho hộ dân. Nhất là những công trình giao thông, thủy lợi được đầu tư đã góp phần giúp lưu thông hàng hóa thuận tiện. Khi địa phương tổ chức họp dân triển khai, chúng tôi đồng tình và sẵn sàng đóng góp đất đai, hoa màu để xây dựng nền hạ, Nhà nước đầu tư mặt cứng. Công trình xong đến đâu, người dân đắp lề và trồng hoa đến đó. Hiện cảnh quan tuyến đường kênh Mới, ở ấp 3, xã Hòa Mỹ rất đẹp, được nhiều người khen ngợi”.

Ngoài ra, chiến dịch năm 2018 còn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đầu tư nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường thông qua hình thức huyện cấp vật tư, Nhân dân đóng góp ngày công thực hiện hoàn thành công trình, cải thiện điều kiện đi lại và từng bước thực hiện đạt chuẩn về giao thông cho các xã theo mô hình nông thôn mới. Theo ông Lê Văn Năm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, năm 2018 là năm đầu tiên trên địa bàn tỉnh tập trung nâng cấp mở rộng và duy tu sửa chữa các công trình nên công tác vận động Nhân dân đóng góp đất đai, hoa màu, ngày công lao động, kinh phí… nhận được sự ủng hộ rất cao. Vì thế, các địa phương không có nợ đọng về phần giao thông nông thôn và thủy lợi. Chiến dịch năm 2018 hoàn thành tốt chỉ tiêu tỉnh giao là nhờ vào sự hưởng ứng, đóng góp từ quần chúng nhân dân, giúp diện mạo nông thôn ngày càng phát triển. Thực hiện thủy lợi nội đồng kết hợp với giao thông nông thôn, tu bổ, nâng cấp các công trình cống đập đạt yêu cầu kỹ thuật đảm bảo khép kín, tưới tiêu, phòng chống thiên tai, phục vụ sản xuất, đi lại. Ở một số địa phương cũng đã thực hiện đắp ta-luy kết hợp trồng cây tạo cảnh quan đẹp trên các tuyến đường…

Nhiều cách làm hay

Xây dựng giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây từ lâu đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh. Trong hơn 3 tháng phát động từ các xã, phường, thị trấn đến huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện thi đua sôi nổi xây dựng cầu, đường, thủy lợi. Các công trình hoàn thành đều có sự giám sát và nghiệm thu của Nhân dân. Năm nay, đơn vị huyện Phụng Hiệp dẫn đầu toàn tỉnh trong kết quả thực hiện chiến dịch với nhiều cách làm hay, mô hình mới.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: Thời gian qua, huyện Phụng Hiệp luôn đạt thứ hạng cao trong chiến dịch. Để đạt được điều đó, có 5 yếu tố mà huyện đúc kết được từ thực tiễn là: “Chủ trương xây dựng giao thông - thủy lợi và trồng cây là một chủ trương đúng đắn phù hợp lòng dân. Trong khâu tổ chức thực hiện, chúng tôi họp phân bổ chỉ tiêu từng xã, thị trấn, ưu tiên những công trình bức xúc và các xã đang xây dựng nông thôn mới; kèm theo đó là quy định về thi đua, khen thưởng. Chúng tôi cũng chú trọng tuyên truyền cho người dân về lợi ích công trình trong chiến dịch để nhận được ủng hộ nhiệt tình. Tận dụng các nguồn lực huy động trong dân, các mạnh thường quân đầu tư cho quê hương Phụng Hiệp. Quan tâm chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện, tổ chức kiểm tra hàng tuần đối với các công trình trong chiến dịch, kết hợp sự giám sát của người dân đảm bảo tiến độ, chất lượng. Năm 2018, sáng kiến mới là làm kè sinh thái, ngân sách nhà nước đầu tư vải địa kỹ thuật, người dân bỏ công làm bờ kè, huyện hỗ trợ cây tràm và cây cà na. Những loại cây này sẽ giúp giữ đất bờ sông, riêng cây cà na bà con còn có thể thu hoạch trái bán để có thêm thu nhập”.

“Chưa có nơi nào đưa ra chiến dịch kiên trì dài hạn qua 15 năm và mang lại hiệu quả tích cực như thế. 15 năm qua với vốn đầu tư trên 3.400 tỉ đồng thực hiện chiến dịch, chưa có xảy ra tiêu cực. Điều này thể hiện sự chung sức, đồng lòng của chính quyền thực hiện và Nhân dân giám sát tốt”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Phó Ban chỉ huy Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây năm 2018, nhận định.

Bên cạnh biểu dương những kết quả đạt được và sự đóng góp của Nhân dân trong thời gian qua, Ban chỉ huy chiến dịch cũng nêu ra một số mặt còn hạn chế, như: Việc huy động tham gia của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội còn ít. Công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình đã kêu gọi đầu tư từ ngân sách, xã hội hóa và Nhân dân chưa được quan tâm đúng mức. Ban chỉ huy huyện chưa phân công rõ ràng nhiệm vụ cho đơn vị triển khai thực hiện trồng cây tại các địa phương.

Tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây năm 2018, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị: Các địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch cho năm 2019, trong đó rà soát, bổ sung một số tiêu chí cho phù hợp. Ban chỉ huy chiến dịch năm 2018 phối hợp với Sở Nội vụ, tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ huy Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây năm 2019. Trong khâu thực hiện, cần triển khai đồng bộ các công trình, dự án; quá trình triển khai có sự giám sát chặt chẽ. Phát huy vai trò của ban thanh tra nhân dân tham gia giám sát về chất lượng, kỹ thuật. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác duy tu sửa chữa. Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn triển khai kế hoạch năm 2019 sát với thực tế. Căn cứ quy hoạch đã và đang điều chỉnh để đề xuất, rà soát danh mục công trình, dự án đầu tư; trên cơ sở yêu cầu sát nguồn lực để đưa vào kế hoạch, đảm bảo cân đối. Tập trung vào tuyên truyền vận động Nhân dân hưởng ứng tích cực vào chiến dịch…

Theo Ban chỉ huy Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây năm 2018, về phần đường toàn tỉnh thực hiện được 783.032m2, đạt 310,9% kế hoạch; xây dựng cầu được 10.013m2, đạt 495,2% kế hoạch. Tổng kinh phí thực hiện trong chiến dịch năm 2018 là 367,57 tỉ đồng (trong đó Nhà nước 255,19 tỉ đồng, chiếm 69,4%; Nhân dân đóng góp 112,38 tỉ đồng, chiếm 30,6%). Kết quả chấm điểm tổng kết, huyện Phụng Hiệp xuất sắc dẫn đầu; về nhì là huyện Châu Thành A; đồng hạng ba là huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN HẰNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>