Chiến tranh thương mại làm tăng áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt

16/10/2018 | 09:35 GMT+7

 9 tháng năm 2018, mặc dù sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khởi sắc nhưng vẫn có nhiều khó khăn tiềm ẩn cần được khắc phục.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2018, cả nước có 96.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2017.

Còn theo báo cáo của Nikkei, tâm lý kinh doanh vẫn rất lạc quan khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) luôn ở mức mở rộng. Chỉ số này tăng từ mức 51,6 điểm trong tháng 3, đạt đỉnh 55,7 điểm trong tháng 6 và giữ ở mức cao 53,7 điểm trong tháng 8…

Những kết quả này cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ “sức khỏe” của lĩnh vực sản xuất và các điều kiện kinh doanh đã tăng suốt từ tháng 1/2016 đến nay. Ngoài ra, đầu tư của khu vực tư nhân dự kiến được hưởng lợi từ việc Việt Nam đã tăng 14 bậc trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2018.

Về "sức khoẻ" của doanh nghiệp, theo Tổng cục Thống kê, số lượng DN tạm ngừng hoạt động và giải thể vẫn có xu hướng tăng, với 73.103 DN, tăng 48,1% so với cùng kỳ 2017. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 11.536 DN, tăng 32,1% so với cùng kỳ 2017.

9 tháng, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn có nhiều khởi sắc.

Đánh giá về bức tranh tổng thể của DN Việt Nam trong thời gian qua, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp có nhiều khởi sắc; Số lượng DN thành lập mới vẫn tăng lên. Đặc biệt, với sự nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành, những con số ấn tượng về phát triển kinh tế của DN, tăng trưởng xuất khẩu và sự khởi sắc của một số ngành, lĩnh vực đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Theo nhìn nhận và đánh giá của ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội, 9 tháng năm 2018, số lượng doanh nghiệp thành lập mới có tăng nhưng số lượng DN giải thể cũng tương đối nhiều. Với hàng loạt sự kiện kết nối kinh tế quan trọng và nhiều chương trình xúc tiến thương mại của Nhà nước, các địa phương đã tạo được môi trường thuận lợi cho DN trong việc tìm kiếm bạn hàng, xúc tiến các hoạt động đầu tư.

Cùng với đó đã phát triển được các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết của khu vực cũng như toàn cầu. Loại hình DN này cơ bản đã đi đúng hướng và chú trọng vào các ngành mũi nhọn của Việt Nam, như: nông nghiệp công nghệ cao, các ngành về công nghệ, phần mềm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Mạc Quốc Anh cũng chỉ ra những tồn tại, khó khăn mà cộng đồng DN Việt Nam phải đối mặt trong 9 tháng qua. Đó là những ảnh hưởng từ mối quan hệ căng thẳng về thương mại giữa Trung Quốc-Mỹ. Sự ảnh hưởng này tác động đến các DN Việt Nam tương đối rõ nét, bởi hàng hóa, sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam, tạo nên áp lực cạnh tranh gay gắt cho các DN Việt.

Bên cạnh đó, DN chưa chủ động trong việc đổi mới về công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị các sản phẩm, do vậy đang dần bị yếu thế trên sân nhà. Một phần nữa, rất ít DN mạnh dạn và có đủ lực để xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam ra nước ngoài. Lý do là DN Việt chưa đủ mạnh để đáp ứng các tiêu chí, quy chuẩn của quốc tế. Do đó xuất khẩu vẫn hạn chế trong thời gian qua.

Để luôn xứng đáng là thành phần quan trọng, đóng góp phần lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước, ông Mạc Quốc Anh mong muốn, thời gian tới, DN cần tận dụng tốt các chính sách, cơ hội để hội nhập quốc tế mà Chính phủ đã thực hiện hết sức quyết liệt trong 3 năm trở lại đây.

Cùng với đó, DN trong nước phải tăng cường liên hết hợp tác để trở thành những đối tác, bạn hàng của nhau, đồng thời tạo nên thế mạnh trên thị trường để đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm, dịch vụ của các đối tác nước ngoài.

Một vấn đề nữa mà ông Mạc Quốc Anh đề cập tới, đó là các DN cần mạnh dạn hơn trong việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu; tham gia các hoạt động về xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu. Quan trọng hơn cả, DN cần có một lộ trình để bảo vệ thương hiệu của mình đó là sở hữu trí tuệ trên tất cả các sản phẩm, mẫu mã, bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ về kiểu dáng công nghiệp để có đủ sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.

“Với những ưu đãi và tiềm năng sẵn có, dư địa để DN Việt Nam phát triển trong 3 tháng cuối năm 2018 là rất lớn. Mặc dù cơ hội và thách thức còn nhiều nhưng cũng là bước đệm để doanh nghiệp phát triển mạnh trong 2019, đóng góp đáng kể cho GDP của Việt Nam”, ông Mạc Quốc Anh cho hay.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, chủ trương chính sách đã có, thậm chí có rất nhiều nền tảng để DN phát triển. Quốc hội cũng đã có luật hỗ trợ DNNVV, ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết 19, 35, tuy nhiên cần phải thực sự mạnh mẽ hơn ở các cấp, đặc biệt là các cấp bộ, ngành.

Chương trình cải cách điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành cần được thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất hơn nữa. Bởi DN tư nhân, đặc biệt là DNNVV, là những đối tượng rất nhạy cảm với các rào cản về chính sách hành chính, sự cạnh tranh của nhóm DN này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cải cách thủ tục hành chính cho DN.

“Thời gian tới cũng là thời điểm mà thương mại thế giới có những biến chuyển khó lường, Chính phủ cần có chương trình hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ về mặt thông tin, định hướng, chính sách. Bởi các DNNVV Việt Nam vốn đã yếu, ít kinh nghiệm, kém năng lực cạnh tranh thì cần phải có sự hỗ trợ nhiều hơn của chính quyền Trung ương, địa phương và tạo điều kiện hơn nữa cho DN phát triển. Mong rằng cùng với việc hoàn thành chỉ tiêu của Quốc hội của đảng giao, kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ thực sự có những bước đi khởi sắc trong tương lai”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ./.

Theo Chung Thủy/VOV.VN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>