Chủ động bảo vệ nông sản

26/12/2017 | 09:22 GMT+7

Bão số 16 kèm theo mưa, gió mạnh nên khả năng ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Nhiều nông dân, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang lo lắng và áp dụng các biện pháp để phòng chống và hạn chế thấp nhất tác hại mà bão sẽ gây ra.

Nhiều biện pháp được đưa ra để bảo vệ vườn cây ăn trái cho nông dân bị ảnh hưởng bão.

Nhìn vườn cam xoàn gần 4 năm tuổi đang giai đoạn cho trái, ông Võ Văn Đê, Giám đốc HTX Cam xoàn Phương Phú, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp đứng ngồi không yên. Bởi ông cũng không biết làm cách nào để tránh gió bão. Vì vậy, cách mà ông làm hiện tại chỉ là chuẩn bị máy bơm sẵn sàng để rút nước khi mưa nhiều, tránh để vườn cam bị ngập. Gần đó, những thành viên khác trong HTX cũng đã chằng, cột một số cây cam lớn của mình. Người thì dùng tre, trúc cắm xung quanh gốc để làm bệ đỡ, người dùng dây ni lông ràng tán cây. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những cách làm tạm thời để vơi bớt phần nào lo lắng. Bởi theo mọi người, sự xuất hiện của bão là hết sức bất ngờ, khá lạ lẫm với nhà vườn nơi đây. “Năm nay, lần đầu thông báo có bão vào địa bàn nên ai cũng lo mà không biết phải làm gì. Bây giờ, theo khuyến cáo của các ngành, người dân chủ yếu chằng chống nhà cửa, bảo vệ tính mạng con người là trên hết. Ngoài ra, cứ 2 giờ 1 lần là chúng tôi cùng lực lượng dân quân tự vệ đi khắp các ấp tuyên truyền để người dân không chủ quan mà tích cực, chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản của mình”, ông Đê bộc bạch.

Trong số hơn 7.000ha vườn cây ăn trái của huyện Phụng Hiệp thì có tới hơn 4.000ha đang cho trái. Trong đó, diện tích mãng cầu xiêm đang cho trái khá nhiều. Vì vậy, Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp cũng rất lo lắng và đã cùng người dân ứng phó. Theo đó, những đoạn đê bao xung yếu đã được gia cố lại, các cống đập được đóng để ngăn nước từ các sông tràn vào. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Chúng tôi đã khuyến cáo người dân chuẩn bị máy bơm để chủ động bơm nước ra khỏi mương. Ngoài ra, các trạm bơm của HTX cũng được chuẩn bị trên tinh thần sẵn sàng. Nếu bão tới mà kèm mưa làm mực nước sông dâng thì sẽ dùng máy bơm, trạm bơm hiện có của huyện để rút nước chống ngập cho 100% diện tích vườn cây ăn trái”.

Ngoài ra, trên các rẫy mía, người dân đều đã ngưng mọi hoạt động. 110ha mía còn lại của huyện Phụng Hiệp cũng được thu hoạch gần hết, những ruộng chuẩn bị gieo sạ vụ Đông xuân cũng bị đình lại và ngưng ngâm giống trước đó 2 ngày. Gần đó, những nông dân trồng cam trên địa bàn huyện cũng đang lo  và tìm cách bảo vệ trái. Những cây có giá trị kinh tế cao, bà con mang lưới ra trùm để hạn chế gió giật làm rụng trái.

Đối với các HTX trồng cây ăn trái khác trên địa bàn huyện Phụng Hiệp cũng đã sẵn sàng “chống bão”. Ông Võ Văn Phải, Giám đốc HTX Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, lo lắng: “Bây giờ, HTX đang bơm nước ra khỏi vườn để chống ngập úng vườn cây. Số hộ nào có diện tích mãng cầu nhiều thì che chắn bằng cách cặm cây đỡ các nhánh lớn”. Tuy nhiên, do diện tích khá lớn nên đa phần các hộ trồng mãng cầu của HTX chỉ làm được một ít. Như ông La Văn Nhiều, Phó Giám đốc HTX, dù nghe thông báo bão rất sớm nhưng ông cũng chỉ chằng chống được khoảng 1/8 diện tích vườn trên tổng số gần 20 công đất trồng mãng cầu xiêm của gia đình.

Hiện các HTX chăn nuôi thủy sản của tỉnh cũng đang lo lắng cho diện tích sản xuất của mình. Ông Phạm Hùng Minh, Phó Giám đốc HTX Thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, cho hay: “Hiện giờ, số diện tích ao của HTX chưa thu hoạch còn nhiều, chỉ có 5/18 ao đã bán cá. Tuy nhiên, các ao nuôi cá còn 1m nữa nước mới đến mặt bờ. Một số thành viên HTX có sẵn máy bơm cũng chuẩn bị để hỗ trợ nhau khi cần thiết”.

Ở huyện Châu Thành, diện tích cây ăn trái cũng khá lớn và sản lượng cung cấp trái cây tạo hình cho Tết Nguyên đán chủ yếu tập trung ở đây. Lo lắng người dân sẽ thất mùa do bão nên Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Đài Truyền thanh huyện phát trên sóng phát thanh mỗi ngày 2 lần hướng dẫn người dân cách bảo vệ. Ông Trần Hồng Đức, Phó phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, chia sẻ: Phòng đã chỉ đạo các trạm khuyến nông, bảo vệ thực vật, tổ kỹ thuật xã, thị trấn hướng dẫn người dân cách chằng chống cho cây ăn trái để khỏi ngã trong bão. Theo đó, những cây cho trái nhiều, to như bưởi, cam thì cột dây cho cố định vào thân cây. Ngoài ra, những cây tạo hình như bưởi hồ lô, đu đủ vàng thì cũng cột dây và hạ thấp nhánh cây, cố định vào thân cây để tránh gió quật rụng cuống. Đối với những cây có giá trị thì khuyến cáo người dân trùm lưới nếu có khả năng.

Dẫu biết rằng bão là hiện tượng thiên nhiên không thể nào tránh khỏi, nhưng ngành chức năng của tỉnh đã và đang cùng nông dân ra sức bảo vệ vườn cây, ao cá như chính bảo vệ tài sản, nguồn sống của mình. Tất cả đều đang đồng hành, nương tựa nhau tạo sức mạnh đoàn kết cùng vượt qua khó khăn trước mắt.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>