Đảng viên năng động

23/10/2018 | 08:24 GMT+7

Năng động và quyết đoán trong lựa chọn mô hình sản xuất, cộng với sự hỗ trợ của các cấp ủy đảng, chính quyền nên Hậu Giang ngày càng xuất hiện nhiều đảng viên có mô hình kinh tế hiệu quả. 

Bài 1: Những đảng viên triệu phú

Từ việc lựa chọn mô hình sản xuất mới hiệu quả và không ngừng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất mà nhiều đảng viên trên địa bàn tỉnh đang trở thành những ông chủ vườn triệu phú.

Với sự quyết đoán trong lựa chọn mô hình nên ông Chín Ca (bìa phải) đang cùng nông dân xã Đại Thành có nguồn thu nhập cao từ cây cam sành.

Tiên phong mô hình mới

Về ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, hỏi thăm nhà ông Chín Ca (Nguyễn Hoàng Ca, 62 tuổi, có 33 năm tuổi Đảng) chắc hẳn bà con nơi đây không ai còn xa lạ. Bởi, ngoài là người đảng viên có uy tín thì ông còn được biết đến là một trong những hộ đầu tiên của xã đem cây cam sành về địa phương để trồng thay thế cho cây lúa. Cũng chính từ loại cây trồng này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao không chỉ cho gia đình ông mà còn nhiều bà con khác trong ấp và xã. Ông Chín Ca cho biết: “Trước khi đưa cây cam sành về đây canh tác thì gia đình tôi và bà con xứ này sống bằng nghề trồng lúa và một số hộ có làm vườn nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao, từ đó mà cuộc sống gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Thế nhưng, khi thấy mô hình trồng cam sành của người dân xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, cho nguồn thu nhập cao gấp mấy lần so với làm lúa nên tôi cùng một số bà con nơi đây đi đến nhà vườn ở xã Phú Hữu để tham quan, trao đổi kinh nghiệm, sau đó quay về và đã mạnh dạn bỏ cây lúa để lên liếp trồng cam sành, riêng gia đình tôi trồng 1ha cam sành và 0,5ha trồng chôm chôm.

Theo hồi ức của ông Chín Ca, khi mới đem cây cam sành về đây canh tác thì chỉ có một vài hộ trồng, nhưng sau thời gian trồng và khi đến ngày thu hoạch cho nguồn thu nhập cao nên phong trào trồng cam sành nơi đây phát triển mạnh vào khoảng từ năm 2012-2013 và hiện trở thành cây trồng chủ lực của xã với diện tích 1.444ha. Cũng vào thời điểm từ 2014-2017, giá cam sành rất hấp dẫn khi giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg, cao nhất có khi hơn 35.000 đồng/kg, nhưng thường dao động ở mức từ 18.000-20.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân từ 16-18 tấn/ha, mỗi năm người trồng cam sành có thể kiếm được nguồn thu nhập tiền tỉ đồng/ha. Cũng chính nhờ nguồn thu hấp dẫn từ cây cam sành mang lại đã góp phần giúp người dân xã Đại Thành nâng cao nguồn thu nhập, nhiều hộ trở nên khá, giàu, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể và đây cũng là điều kiện quan trọng giúp Đại Thành trở thành xã nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào cuối năm 2013.

Chia sẻ bí quyết trồng cam sành đạt hiệu quả và kéo dài tuổi thọ, ông Chín Ca cho rằng: Trồng cam sành đòi hỏi nhiều kỹ thuật, trước nhất là phải lên liếp cao để tránh tình trạng rễ cây bị ngập nước, đồng thời có bờ bao xung quanh thật chắc chắn để phòng khi có nước lũ dâng cao thì không tràn vào được, điển hình như mùa lũ năm nay. Mặt khác, để đất trong vườn cam bị kém màu mỡ thì nhà vườn nên hạn chế bón phân vô cơ mà tăng cường bón phân hữu cơ, từ đó giúp bộ rễ của cây khỏe và phát triển tốt, kéo dài thời gian thu hoạch. “Do yếu tố thị trường nên giá cam sành hiện nay đôi khi lên, xuống thất thường và cũng không cao bằng những năm đầu mới phát triển, nhưng bình quân hiện tại cũng từ 10.000-15.000 đồng/kg, giá thành sản xuất từ 5.000-7.000 đồng/kg. Như vậy, với diện tích 1,5ha cam sành và chôm chôm của mình, dự kiến năm nay gia đình tôi có nguồn thu nhập khoảng 500 triệu đồng”, ông Chín Ca cho biết thêm.    

Ngoài ông Chín Ca thì hiện ở ấp Sơn Phú còn có 19 đảng viên. Hàng tháng, sau khi họp lệ chi bộ xong thì các thành viên trong chi bộ còn dành nhiều thời gian để ngồi lại trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong canh tác cam sành, nhất là những kỹ thuật mới và nắm bắt thông tin thị trường để chọn thời điểm bán cam sành hiệu quả. Hiện 20 đảng viên đều có kỹ thuật để cam rải vụ chứ không tập trung thu hoạch vào một mùa nên cây cam sành không bị kiệt sức và tránh tình trạng hàng dội chợ, giá rẻ. Chính nhờ sản xuất hiệu quả nên tất cả 20 đảng viên đều là nông dân sản xuất giỏi của địa phương có cuộc sống ổn định.

Ông Dương Văn Giang, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, cho hay: Đồng chí Ca là đảng viên không chỉ đi đầu trong phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả của địa phương mà còn là người có uy tín của ấp nên thường xuyên tham gia cùng chính quyền địa phương thực hiện các công việc có liên quan để đạt những tiêu chí NTM theo quy định Trung ương và giờ là bộ tiêu chí NTM nâng cao của tỉnh. Qua đây, từng bước giúp Đại Thành nâng chất các tiêu chí đã được công nhận trước đó để tiến tới xã NTM nâng cao.

Nhiệt huyết sức trẻ

Không chỉ thể hiện vai trò đi đầu của đảng viên trong việc chọn hướng đột phá về mô hình phát triển kinh tế như ông Chín Ca mà trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện nay còn có nhiều đảng viên tuy tuổi đời còn trẻ nhưng luôn thể hiện sự nhiệt huyết, niềm đam mê sáng tạo và không ngừng học hỏi trong sản xuất để từng bước mang lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình. Điển hình cho tấm gương trên là trường hợp của đảng viên Phạm Văn Dũng, 37 tuổi (có 9 năm tuổi Đảng), ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A.

Dù đang rất bận rộn với công việc xử lý những cây xoài cát Hòa Lộc của gia đình ra hoa để bán vào dịp tết sắp tới, nhưng khi có cuộc hẹn thì anh không từ chối mà vui vẻ tiếp nhận. Đón chúng tôi trong vườn xoài cát Hòa Lộc rộng 6 công và đã hơn 10 năm tuổi của gia đình, anh Dũng thông tin: “Nhờ vườn xoài này mà hàng năm, gia đình tôi thu hoạch khoảng 10 tấn trái để bán cho thương lái, trong đó xoài nghịch vụ chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Với giá bán thấp nhất là 15.000 đồng/kg, cao nhất là 70.000 đồng/kg, tùy theo nhu cầu thị trường và hái xoài rơi vào thời điểm hút hàng thì sẽ bán giá cao, nhưng mức giá trung bình là từ 25.000-30.000 đồng/kg. Như vậy, với 10 tấn xoài thì bình quân hàng năm gia đình tôi có nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng”.

Nghe anh Dũng nói về nguồn thu nhập cao mà gia đình có được hàng năm rất hấp dẫn, tuy nhiên để có thành quả như hôm nay thì anh phải trải qua nhiều khó khăn. Anh Dũng kể, vào năm 2009, anh được kết nạp vào Đảng, tại đây anh luôn được những đảng viên đi trước dìu dắt, trau dồi lý tưởng cách mạng; đặc biệt là học tập ở Bác về những đức tính cần, kiệm, liêm chính… nhờ vậy mà trong lòng anh luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Điều này được thể hiện khi vào những năm đầu mới trồng xoài, do không nắm bắt được kỹ thuật, cũng như thuốc xử lý cho xoài ra bông, nhất là vào mùa xoài nghịch vụ để bán có giá nên anh thường nếm phải thất bại, kinh tế gia đình đôi lúc gặp nhiều khó khăn. Không chịu chùn bước, anh luôn tìm tòi học hỏi, đặc biệt là trao đổi kinh nghiệm với mấy chú đảng viên cùng chi bộ có nhiều năm kinh nghiệm trồng xoài đạt hiệu quả tại địa phương, đồng thời tham gia nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức, nhờ vậy tay nghề trồng xoài của anh ngày một nâng cao và hiện anh luôn thành công qua mỗi vụ xoài trong nhiều năm gần đây.

Anh Dũng chia sẻ: “Trồng xoài cát Hòa Lộc đòi hỏi phải áp dụng nhiều kỹ thuật nếu muốn thành công, nhất là khâu xử lý xoài ra bông để bán vào mùa nghịch như dịp tết. Vì lúc này, giá xoài tăng gấp 2-3 lần so với xoài chính vụ và thường ở mức từ 60.000-70.000 đồng/kg. Ngoài quan tâm giá bán thì thị trường đầu ra cũng luôn được nhà vườn chú trọng, trong đó việc tìm được nhiều thị trường tiêu thụ thông qua công tác quảng bá là rất cần thiết.

Xuất phát từ ý tưởng này và nhằm tạo đầu mối lớn để thu hút được doanh nghiệp đến, có những đơn đặt hàng tiêu thụ xoài bền vững, hiện thị trấn Bảy Ngàn đã thành lập Hợp tác xã (HTX) xoài cát Bảy Ngàn, với 17 thành viên và anh Dũng được bầu làm Phó Giám đốc của HTX. Thời gian qua, anh Dũng cùng với Ban giám đốc và xã viên thường xuyên đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, thành phố Cần Thơ… Nhờ vậy mà thương hiệu xoài cát của Hậu Giang được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến và ưu tiên lựa chọn bởi chất lượng thơm ngon vốn có. Đặc biệt, hiện HTX cũng đã ký kết hợp đồng tiêu thụ xoài với 4 công ty ngoài tỉnh.

“Hiện tại, các thành viên trong HTX đều có cuộc sống khá giả, trong đó có gia đình tôi. Chính việc đang có thị trường đầu ra tương đối ổn định nên tạo tâm lý an tâm không chỉ cho các thành viên HTX mà còn cho nhà vườn trồng xoài cát Hòa Lộc lân cận, nhờ vậy mà bà con tập trung sản xuất nên vụ thu hoạch xoài lần nào cũng đạt hiệu quả như mong muốn. Ngoài áp dụng kỹ thuật xử lý xoài ra trái nghịch vụ thì người trồng xoài xứ Bảy Ngàn nói riêng và huyện Châu Thành A nói chung còn áp dụng biện pháp bao trái để hạn chế sâu bệnh, đặc biệt tôi và nhiều xã viên của HTX còn thực hiện sản xuất xoài theo quy trình VietGAP nhằm cung ứng ra thị trường không chỉ có mẫu mã đẹp, mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, anh Dũng chia sẻ thêm.

Với tính tiên phong, năng động của người đảng viên, cộng với sự nhiệt huyết của sức trẻ đã giúp cho nhiều đảng viên trở thành những ông triệu phú gắn với những mô hình sản xuất mang tính chủ lực của tỉnh và gắn với quy hoạch riêng của từng vùng mà hai trường hợp trên là điển hình. Qua đây, không chỉ góp phần nâng cao đời sống cho bản thân đảng viên, mà còn cho người dân sống xung quanh khi áp dụng làm theo, từ đó càng nâng cao giá trị, sự uy tín của đảng viên tại nơi cư trú. Ngoài những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao của đảng viên có điều kiện sản xuất thì nhiều tấm gương đảng viên khác cũng thể hiện ý chí vươn lên với sự giúp đỡ của tổ chức đảng nơi sinh hoạt; đây cũng là giải pháp nhằm góp phần giúp đảng viên có cuộc sống ổn định để an tâm công tác, gắn bó với quê hương.   

Nhờ vườn cây ăn trái, trong đó chủ lực là cam sành nên hiện toàn xã Đại Thành có 650 hộ có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm, 280 hộ có thu nhập từ 200-500 triệu đồng/năm, 75 hộ đạt thu nhập từ 500 đến dưới 1 tỉ đồng/năm và 26 hộ đạt trên 1 tỉ đồng/năm. Cây cam sành và xoài cát Hòa Lộc là 2 trong số 10 mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh và đã có nhãn hiệu hàng hóa. 

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Bài 2: Hướng đến không còn đảng viên nghèo

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>