Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế

14/12/2017 | 08:36 GMT+7

Kết thúc năm 2017, thị xã Long Mỹ đã hoàn thành đạt và vượt 16 chỉ tiêu theo nghị quyết đề ra. Trong đó, nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực, đúng định hướng đã giúp đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên đáng kể.

Nông dân ở xã Long Trị nhận cây giống hỗ trợ từ Phòng Kinh tế thị xã.

Ông Nguyễn Văn Thống, Phó phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho biết: Thời gian qua, kinh tế nông nghiệp nông thôn trên địa bàn ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện về mọi mặt. Để thực hiện đạt mục tiêu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo chỉ đạo của Thị ủy, UBND, Phòng Kinh tế  thị xã phối hợp cùng với các phòng chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Với tổng diện tích lúa cả năm khoảng 22.400ha, diện tích cây ăn trái 1.900ha, những năm qua, được sự quan tâm của Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thị xã đã quy hoạch được vùng sản xuất tập trung, xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm định hướng để nông dân sản xuất theo hướng bền vững. Trong năm 2017, thị xã Long Mỹ đã thực hiện hỗ trợ dự án khuyến nông được 3 dự án (mỗi dự án có 7 mô hình) tập trung vào các mô hình như sử dụng nấm Tricoderma và các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ, hạn chế ngộ độc hữu cơ và nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa; mô hình sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp ủ phân hữu cơ bón cho cây ăn trái; hoàn chỉnh mô hình kết hợp qua hình thức hỗ trợ chăn nuôi heo với công trình khí sinh học hoặc đệm lót sinh học...

Bà Lý Lệ Hoa, Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn đã phát triển và nhân rộng được các mô hình hiệu quả tiêu biểu. Đây là những mô hình đem lại thu nhập cao cho nông dân từ vài trăm triệu đồng/ha. Điển hình như mô hình trồng nấm rơm trong nhà; sản xuất lúa giống gắn kết với công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; sản xuất hạt giống lúa lai F1; mô hình kết hợp VAC, VACB, VACBR; trồng quýt đường theo hướng nâng cao chất lượng; sầu riêng theo hướng GAP; trồng rau trong nhà lưới theo hướng an toàn, mô hình nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa, mô hình chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học… Việc thực hiện các mô hình nhằm mục đích giúp hộ dân có đủ điều kiện sản xuất, nâng cao thu nhập. Tùy theo điều kiện sản xuất của từng hộ dân sẽ có sự hỗ trợ khác nhau như cây, con giống, dụng cụ, máy móc đến kỹ thuật chăm sóc.

Ông Phạm Thanh Phong, ở khu vực 3, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, cho hay: “Sau khi được Trạm Khuyến nông thị xã cho đi tham quan, học tập mô hình trồng nấm rơm trong nhà, gia đình tôi triển khai đầu tư trại trồng nấm rơm trong nhà với diện tích 48m2. Đợt đầu trồng vào tháng 6-2017, sau một tháng trồng, khi thu hoạch trừ chi phí mỗi đợt gia đình tôi lời từ 4 triệu đồng trở lên. Nấm rơm trồng trong nhà năng suất cao hơn trồng bên ngoài, đặc biệt là trồng được quanh năm, vì vậy vài tháng tới gia đình tôi đầu tư thêm một nhà trồng nấm rơm nữa với diện tích khoảng 70m2”.

 Từ hiệu quả kinh tế của việc trồng nấm rơm trong nhà của 2 mô hình điểm, đến nay đã phát triển được 18 mô hình, trong đó tại xã Long Phú 14 mô hình quy mô từ 100-200m2, xã Long Trị 1 mô hình 150m2 và phường Bình Thạnh 1 mô hình với diện tích 100m2. Bà Nguyễn Thị Phượng, ở ấp 7, xã Long Trị, phấn khởi cho biết: “Đợt này, gia đình tôi được hỗ trợ làm nhà lưới để trồng rau an toàn nên rất vui. Nhờ sự tiếp sức của các ngành, gia đình tôi có điều kiện trồng rau trong nhà lưới để có sản phẩm rau chất lượng hơn, giảm được chi phí, giảm lượng thuốc sâu, phân bón và tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Ông Nguyễn Văn Thống, Phó phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho biết thêm: Trong năm 2018, phòng tham mưu cho Thị ủy, UBND thị xã xây dựng mỗi xã, phường có một sản phẩm liên kết với doanh nghiệp. Theo đó, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, nhất là hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước. Đẩy mạnh và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, tập trung, chất lượng đảm bảo gắn với chế biến và tiêu thụ. Tiếp tục thực hiện Đề án 1.000 phục vụ cho việc tái cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>