Điểm sáng kinh tế - xã hội đầu năm

30/05/2018 | 08:09 GMT+7

Với sự chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm của UBND tỉnh nên nhiều lĩnh vực về kinh tế - xã hội đã ghi nhận dấu ấn khởi sắc, trong đó có không ít chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch năm.

Khởi sắc trên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh trong 4 tháng đầu năm là vụ lúa Đông xuân vừa qua đạt thắng lợi ở nhiều mặt.

Theo tổng hợp từ Văn phòng UBND tỉnh, qua 4 tháng đầu năm, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì và dự 237 cuộc họp, tăng 27 cuộc so với cùng kỳ. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh đã tăng cường nhiều cuộc họp với các địa phương tại cơ sở và tiến hành đi khảo sát thực tế nhiều công trình, dự án nhằm đôn đốc, nhắc nhở, từ đó góp phần giúp các địa phương gỡ khó kịp thời nhiều vấn đề liên quan và thực hiện đạt, vượt một số chỉ tiêu nghị quyết của năm.

Những điểm sáng đầu năm

Một trong những điểm sáng đầu tiên qua 4 tháng đầu năm là trên lĩnh vực nông nghiệp có nhiều khởi sắc, trong đó nổi bật là kết thúc vụ lúa Đông xuân năm nay đạt nhiều thắng lợi. Theo đó, tổng diện tích lúa Đông xuân đã xuống giống gần 78.000ha, năng suất bình quân đạt 7,7 tấn/ha, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Ngoài năng suất tăng thì giá lúa năm nay ổn định ở mức cao hơn so với nhiều năm gần đây, dao động từ 5.200-7.300 đồng/kg (tùy giống). Với năng suất và giá bán trên đã giúp người trồng lúa thu về mức lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/ha, qua đây tạo nhiều động lực để nông dân đầu tư cho vụ lúa Hè thu đang diễn ra.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, nhận định: Ngoài những tín hiệu vui trên, một sự thành công khác trong vụ lúa Đông xuân vừa qua là số lượng doanh nghiệp đến hợp đồng bao tiêu thu mua lúa cho nông dân trên địa bàn tỉnh tăng mạnh. Điều này là nhờ đơn vị và chính quyền các địa phương đã chủ động tổ chức mời gọi doanh nghiệp ngay từ đầu vụ. Bên cạnh đó, qua công tác tuyên truyền, vận động và nắm bắt nhu cầu thị trường từ doanh nghiệp nên tỷ lệ người dân sử dụng giống lúa chất lượng trong vụ Đông xuân đã tăng mạnh. Điển hình là giống lúa OM 5451 chiếm 53,4%; RVT chiếm 12,2%; Đài Thơm 8 chiếm 7,7%, Jasmine 85 chiếm 5%, riêng giống lúa có phẩm chất gạo thấp là IR 50404 đã giảm xuống còn 10,3%. Vụ lúa Đông xuân thắng lợi trên nhiều mặt sẽ góp phần vực dậy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP ở khu vực I. Trên đà này, Sở đang chỉ đạo cho ngành nông nghiệp các địa phương tiếp tục có giải pháp giúp nông dân sản xuất thắng lợi vụ lúa Hè thu.

Ngoài cây lúa, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng có chiều hướng tăng về số lượng, nhất là đàn heo hiện có gần 149.000 con, tăng 0,64% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do giá heo đang tăng trong thời gian gần đây nên nhiều hộ tái đàn. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT thì các địa phương chỉ nên khuyến khích người dân tăng đàn tự nhiên, tránh tăng ồ ạt sẽ kéo theo giá lại giảm vì nguồn cung nhiều. Bên cạnh đó, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua không gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sản xuất của người dân. Cơ quan chuyên môn các địa phương vẫn thường xuyên cập nhật tình hình mặn và tổ chức vận hành đóng, mở các cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh hiệu quả.

Cùng với lĩnh vực nông nghiệp thì công nghiệp, thương mại - dịch vụ cũng có nhiều dấu ấn qua 4 tháng đầu năm. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10.332 tỉ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 12.255 tỉ đồng, tăng 6,06% so với cùng kỳ. Ngoài ra, các hoạt động về văn hóa - xã hội cũng được tổ chức chu đáo, sôi nổi, phục vụ tốt công tác tuyên truyền các ngày lễ lớn, nhiệm vụ chính trị của địa phương; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng - an ninh giữ vững.

Vẫn còn hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh nhiều điểm sáng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay thì nhiều sở, ngành của tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận hiện vẫn còn không ít vấn đề hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu năm của tỉnh. Trong đó, điều đáng ngại đầu tiên là hiện có nhiều sở, ngành của tỉnh và địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ được UBND tỉnh giao từ đầu năm. Cụ thể, qua theo dõi của Văn phòng UBND tỉnh thì hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chỉ mới hoàn thành 55/78 nhiệm vụ, trong những nhiệm vụ chưa hoàn thành còn lại thì có 9 nhiệm vụ chưa đến hạn; Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh có 4/5 nhiệm vụ chưa hoàn thành; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và huyện Long Mỹ đều có 2/2 nhiệm vụ chưa hoàn thành; huyện Phụng Hiệp có 1/2 nhiệm vụ chưa hoàn thành; huyện Vị Thủy, thị xã Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh còn nguyên một nhiệm vụ.

Giải thích về tình hình thực hiện chậm một số nhiệm vụ trước Thường trực UBND tỉnh, ông Hồ Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cho rằng: Một số nhiệm vụ đã quá hạn so với thời gian quy định của UBND tỉnh nhưng đơn vị chưa thực hiện được là do một số trung tâm trực thuộc Sở gặp khó trong việc xác minh những trường hợp phức tạp về thanh tra hay xác minh nguồn gốc đất để cấp giấy chứng nhận. Tới đây, đơn vị sẽ chỉ đạo các trung tâm cố gắng khắc phục tình trạng này.

Còn lý giải về đơn vị mình, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, nêu: Nhiều văn bản từ Văn phòng UBND tỉnh khi chuyển qua Sở thì gần hết hạn nên đơn vị thực hiện hay làm báo cáo bị chậm so với thời gian quy định. Nguyên nhân khác là nếu có nhiệm vụ nào từ UBND tỉnh giao thẳng cho đơn vị thì đơn vị luôn đảm bảo hoàn thành tốt, còn trường hợp UBND tỉnh có đề xuất phối hợp với các sở, ngành liên quan khác thì thường bị chậm. Do đó, đơn vị đề nghị UBND tỉnh có hướng tháo gỡ khó khăn trên, nhất là vấn đề về công tác phối hợp giữa các đơn vị để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung.

Ngoài những vấn đề còn tồn tại trên thì qua 4 tháng đầu năm, tỉnh cũng còn nhiều vấn đề khó khăn khác. Cụ thể là từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài 194m, diện tích mất đất 1.106m2, ước thiệt hại gần 500 triệu đồng. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, trong khi doanh nghiệp xin ngưng hoạt động ngày càng nhiều và kể từ đầu năm đến nay đã ghi nhận có hơn 300 doanh nghiệp xin ngừng hoạt động. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cho biết: Ngoài những khó khăn được các ngành nêu ra, điều đang trăn trở là tình hình tiêu thụ mía của người dân trên địa bàn tỉnh tới đây được dự báo là sẽ gặp nhiều trở ngại. Nhất là về giá bán sẽ khó ở mức cao như cùng kỳ do bị ảnh hưởng chung từ ngành mía đường khi Việt Nam gia nhập khu vực mậu dịch tự do (AFTA) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2018. Do đó, tới đây UBND tỉnh và các ngành liên quan sẽ có buổi làm việc với các doanh nghiệp sản xuất đường trên địa bàn tỉnh để tìm giải pháp hiệu quả trước khi mùa thu hoạch mía bắt đầu.

Từ những vấn đề còn hạn chế được các ngành nêu ra, ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các đơn vị có liên quan cần sớm đưa ra giải pháp khắc phục. Trước mắt, các sở, ngành và địa phương đã được UBND tỉnh giao những nhiệm vụ từ đầu năm thì có kế hoạch thực hiện, trong đó cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, tránh đùn đẩy nhằm sớm hoàn thành các nhiệm vụ được giao và góp phần đạt các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội năm của tỉnh. Khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phòng, chống sạt lở bờ sông, vận động người dân di dời ra khỏi những điểm có nguy cơ sạt lở cao để bảo vệ tính mạng và tài sản. Bên cạnh đó, các ngành liên quan và địa phương tiếp tục chỉ đạo sản xuất thắng lợi vụ lúa Hè thu, chủ động phòng, chống xâm nhập mặn, thiên tai, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; đôn đốc và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình. Đồng thời, các địa phương cũng có kế hoạch chuẩn bị thực hiện chương trình được UBND tỉnh triển khai trong thời gian tới là: cạnh tranh địa phương, tiếp thị địa phương và tự chủ địa phương…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>