Điểm sáng ở ngành ngân hàng

10/07/2018 | 09:43 GMT+7

Với sự tích cực tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp trọng tâm liên quan nên qua 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan, tạo đà quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của ngành vào cuối năm.

Từ nguồn vốn cho vay của ngân hàng ở lĩnh vực ưu tiên, đề án trọng điểm đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Những tín hiệu tích cực

Ông Hồ La Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Trên cơ sở bám sát chủ trương, chính sách của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hậu Giang đã phối hợp cùng các ngân hàng trong tỉnh tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ năm 2018, tập trung mọi nguồn lực để quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chung của ngành.

Một trong những kết quả nổi bật về lĩnh vực ngân hàng trong 6 tháng đầu năm là tổng vốn huy động trên địa bàn tăng trưởng hơn 8,39% so với cùng kỳ, đạt gần 60% kế hoạch năm. Từ nguồn vốn huy động đã đáp ứng được trên 50% cho hoạt động tín dụng, lãi suất huy động được giữ ở mức ổn định đã tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm, toàn ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh còn tập trung nguồn vốn cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, đề án trọng điểm của tỉnh. Mặt khác, các ngân hàng còn triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, trong đó nổi bật là phối hợp với UBND huyện Phụng Hiệp tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với hơn 50 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia. Tại đây, có 3 ngân hàng ký kết gói tín dụng hỗ trợ với số tiền cam kết cho vay gần 66 tỉ đồng và có 2 ngân hàng đăng ký trao tặng 1 căn nhà tình thương, cộng với 50 phần quà dành cho người nghèo của huyện Phụng Hiệp.

Ngoài những mặt trên, 6 tháng đầu năm, các ngân hàng còn đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, đổi mới quy trình cho vay theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ cho khách hàng nhằm rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tiết kiệm chi phí. Song song đó, công tác điều hòa, cung ứng tiền mặt trong hệ thống được thực hiện tốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt cho khách hàng. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Hậu Giang, thông tin: Đến thời điểm này, các chỉ tiêu năm của đơn vị đều tăng trưởng tốt, nợ xấu trong vòng kiểm soát. Hiện tại, Agribank Hậu Giang có 9 máy ATM được đặt ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, riêng tại huyện mới chia tách là Long Mỹ, sắp tới đây đơn vị sẽ lắp mới 2 máy ATM tại xã Vĩnh Viễn nhằm phục vụ công tác thanh toán không dùng tiền mặt cho đơn vị hành chính mới này đối với cán bộ, công nhân viên đang công tác tại đây.       

 Ông Hồ La Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hậu Giang, cho biết thêm: Mạng lưới các tổ chức tín dụng (TCTD) đều phân bố tương đối đồng đều và rộng khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, từ đó thuận lợi cho người dân thực hiện các giao dịch với ngân hàng. Qua theo dõi 6 tháng đầu năm về hoạt động của lĩnh vực ngân hàng, cho thấy vốn huy động, dư nợ cho vay tăng; việc xây dựng thương hiệu, mở rộng mạng lưới hoạt động theo hướng hợp lý; cơ cấu tín dụng theo kịp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tỉnh và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội… Từ những kết quả này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đồng thời tạo đà quan trọng để ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ vào cuối năm.

Cần những giải pháp  khắc phục khó khăn

Bên cạnh những mặt đạt được, theo đánh giá của một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh thì hoạt động ngân hàng trong những tháng đầu năm vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm và sớm có giải pháp tháo gỡ. Chẳng hạn, dư nợ tín dụng toàn địa bàn tăng trưởng rất chậm so với kế hoạch đề ra cho cả năm. Ngoài ra, dù nợ xấu được kiểm soát tốt, duy trì ở mức an toàn nhưng tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng trở lại và nợ nhóm 2 vẫn còn cao. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp kinh doanh không thuận lợi; sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi thời tiết, từ đó làm cho thu nhập và đời sống người dân bị ảnh hưởng, nhiều hộ chưa có khả năng trả nợ khi đến hạn; hộ vay sử dụng vốn chưa hiệu quả do trình độ và kỹ thuật sản xuất thấp; nhiều hộ vay bỏ đi khỏi địa phương nên việc thu hồi nợ xấu trực tiếp từ khách hàng gặp nhiều khó khăn, việc khởi kiện ra tòa án mất nhiều thời gian…

Một lãnh đạo của Ngân hàng Đông Á Chi nhánh Hậu Giang, chia sẻ: “Thời gian qua, đơn vị chúng tôi và hầu hết các ngân hàng khác đều gặp không ít trở ngại khi xử lý nợ xấu của khách hàng đến cấp tòa án huyện. Bởi thời gian từ khi tòa án cấp huyện tiếp nhận đến khi có quyết định thụ lý giải quyết hồ sơ thì thường kéo dài gần một năm. Khi tòa án có quyết định đưa xuống thi hành án thì đơn vị này thường bênh vực cho khách hàng nên tạo sự chây ì. Từ khó khăn trên, thời gian tới, đơn vị mong các ngành liên quan có giải pháp hỗ trợ”.

Từ những mặt tồn tại trên, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều đề ra giải pháp trong thời gian tới là tập trung kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh, đầu tư tín dụng có trọng tâm, trọng điểm và quan tâm đến đồng vốn tín dụng cho các lĩnh vực được ưu tiên, lĩnh vực sản xuất… Tại hội nghị sơ kết tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị trong thời gian tới ngành ngân hàng cần tăng cường phối hợp hơn với đơn vị tòa án, thi hành án các cấp trên địa bàn tỉnh để giải quyết các công việc được thuận lợi hơn vì thời gian qua công tác này còn hạn chế. Riêng về UBND tỉnh cũng sẽ có ý kiến đến đơn vị tòa án, thi hành án để công tác phối hợp trong giải quyết công việc giữa hai bên được nhanh chóng hơn. 

Ngoài ra, để hoạt động ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh phát triển đúng hướng, gắn với mục tiêu chính trị, kinh tế của tỉnh đề ra, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu cũng trao đổi với lãnh đạo ngành ngân hàng một số vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới, như: Tiếp tục cải cách các quy trình, thủ tục theo hướng thuận tiện cho khách hàng, đảm bảo tính công khai, minh bạch, chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, hiệu quả hoạt động để tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ giảm chi phí vốn cho các doanh nghiệp đầu tư trong tỉnh. Thường xuyên tăng cường kiểm tra hiệu quả sử dụng đồng vốn sau khi giải ngân để đánh giá được lượng tiền đầu tư cho sự phát triển là mang lại hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng... Về trách nhiệm địa phương, sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất, có thể làm được, đảm bảo cho các ngân hàng trên địa bàn tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 14 TCTD, gồm: 2 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, 2 chi nhánh ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối, 1 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, 8 chi nhánh ngân hàng Thương mại cổ phần và 1 quỹ tín dụng nhân dân. Trong các TCTD trên, có 8 chi nhánh loại 2 trực thuộc Agribank, 28 phòng giao dịch trực thuộc các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Hậu Giang hiện có 76/76 điểm giao dịch tại các UBND xã, thị trấn và thành lập được 2.290 tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích