DN tuân thủ pháp luật hải quan mức độ cao được hưởng nhiều ưu tiên

16/10/2018 | 14:07 GMT+7

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, cơ quan hải quan đánh giá phân loại tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu theo các mức độ dưới đây:

a) Doanh nghiệp tuân thủ mức 1: là doanh nghiệp được cơ quan hải quan đánh giá tuân thủ pháp luật về hải quan ở mức độ cao;

b) Doanh nghiệp tuân thủ mức 2: là doanh nghiệp được cơ quan hải quan đánh giá tuân thủ pháp luật về hải quan ở mức độ trung bình;

c) Doanh nghiệp tuân thủ mức 3: là doanh nghiệp được cơ quan hải quan đánh giá tuân thủ pháp luật về hải quan ở mức độ thấp;

d) Doanh nghiệp tuân thủ mức 4: là doanh nghiệp được cơ quan hải quan đánh giá không tuân thủ pháp luật về hải quan.

Tiêu chí đánh giá tuân thủ được ban hành công khai và thông tin rộng rãi đến doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.

Áp dụng các biện pháp quản lý hải quan theo mức độ tuân thủ của doanh nghiệp

Dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp tuân thủ Mức 1 được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, giảm hình thức, mức độ kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu như sau: Giảm tỷ lệ kiểm tra trực tiếp hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa trong thực hiện thủ tục hải quan; giảm tỷ lệ lựa chọn ngẫu nhiên để kiểm tra đánh giá tuân thủ trong thực hiện thủ tục hải quan; kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp không quá 01 lần trong 03 năm liên tiếp trên cơ sở quản lý rủi ro, trừ các trường hợp có dấu hiệu vi phạm; được miễn giám sát hải quan trong trường hợp tiêu hủy phế liệu, phế phẩm của loại hình nhập nguyên liệu để gia công, sản xuất XK, chế xuất; được ưu tiên trước việc xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá theo quy định tại Điều 28 Luật hải quan; Điều 23, Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP.

Doanh nghiệp tuân thủ Mức 2 được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, giảm hình thức, mức độ kiểm tra, giám sát hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu: Doanh nghiệp và đối tác mua bán hàng hóa của doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ được thực hiện giao nhận hàng hóa trước, khai báo hải quan sau theo quy định tại Khoản 6 Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC…

Doanh nghiệp tuân thủ Mức 3 được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, giảm hình thức, mức độ kiểm tra, giám sát hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu: Giảm mức độ giám sát việc lấy mẫu kiểm tra chuyên ngành trong địa bàn hoạt động hải quan, theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP và việc tiêu hủy phế liệu, phế phẩm của loại hình nhập nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro đối với doanh nghiệp…

Doanh nghiệp tuân thủ Mức 4 được cơ quan hải quan tăng cường áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu: Tăng tỷ lệ kiểm tra trực tiếp hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa trong thực hiện thủ tục hải quan; tăng cường kiểm tra sau thông quan đối với các dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu; giám sát chặt chẽ đối với hoạt động tiêu hủy phế liệu, phế phẩm của loại hình nhập nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất theo quy định tại tiết d.2 khoản 3 Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC…

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Lan Phương/Chinhphu.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>