Đồng Bằng Sông Cửu Long: Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông

03/07/2017 | 07:20 GMT+7

Thời gian qua, việc đầu tư hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đã rút ngắn khoảng cách đi lại giữa các tỉnh, thành trong vùng, khơi thông hàng hóa dễ dàng, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Tuy nhiên, việc giá cát tăng mạnh gần đây đã tạo ra không ít trở ngại trong xây dựng các tuyến đường.

Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khảo sát nhiều trục đường giao thông ở ĐBSCL.

Mới đây, tại thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL về tình hình triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông của vùng. Trong buổi làm việc, đa số các địa phương bàn luận nhiều về vấn đề trượt giá vật liệu xây dựng. Cụ thể là giá cát tăng trong mấy tháng nay đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình xây dựng cơ bản nói chung và các dự án phát triển hạ tầng giao thông nói riêng.

Theo đại diện tỉnh An Giang, hiện có nơi giá cát tăng lên từ 200-300%, hiện tất cả các công trình có sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều gặp nhiều khó khăn. Đồng quan điểm trên, đại diện tỉnh Đồng Tháp cho rằng, từ tháng 4 đến nay, giá cát đã tăng khoảng 200-300%, tỉnh này cũng đề xuất Trung ương cho phép điều chỉnh giá cát đối với những gói thầu quy mô nhỏ dưới 20 tỉ đồng. Đồng thời đề nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành sớm thăm dò trữ lượng cát ở các lòng sông. Nếu đủ điều kiện thì xin được cho khai thác để đảm bảo yếu tố cân bằng sản lượng cung - cầu cát trong xây dựng.

Đồng quan điểm trên, đại diện nhiều tỉnh, thành khác cũng đề xuất Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu tìm vật liệu thay thế cát san lấp trong xây dựng. Ngoài những bức xúc về giá cát thì các tỉnh, thành trong khu vực đề xuất Trung ương tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kết nối giao thông của vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho rằng: “Tôi thấy ưu tiên số 1 là cần sớm mở tuyến cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh tới Cần Thơ sẽ có tác động rất lớn cho sự phát triển của vùng ĐBSCL. Thứ 2 là Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm đầu tư hoàn chỉnh cho trục giao thông ven biển phía Đông, trong đó có cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi. Khi thông được trục giao thông này sẽ góp phần giảm tải được lưu lượng phương tiện trên Quốc lộ 1. Chúng ta đã làm được cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên, chỉ còn lại cây cầu cuối cùng là cầu Đại Ngãi nên tôi nghĩ rằng chỉ cần hoàn chỉnh cây cầu này sẽ phát huy được tác dụng lưu thông toàn tuyến, phát huy tối đa hiệu quả về kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng… Ngoài ra, tuyến Quản lộ Phụng Hiệp có vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông các tỉnh từ Cần Thơ - Hậu Giang đến Cà Mau, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng rất cần nguồn vốn đầu tư để duy tu, bù vênh, thảm lại mặt đường để đảm bảo giao thông liền lạc”.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Tuấn cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục quan tâm chỉ đạo để sớm hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 61B (đoạn từ ngã ba Vĩnh Tường đến thị xã Long Mỹ). Liên quan đến Quốc lộ 61 đi qua Hậu Giang khoảng 52km, hiện đoạn đầu tuyến (khu vực thị trấn Cái Tắc của huyện Châu Thành A) thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nên tỉnh kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải xem xét tham mưu Chính phủ cho chủ trương làm đường tránh khu vực này. Đồng thời đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư thảm bê tông nhựa tuyến đường Nam Sông Hậu và tuyến Quản lộ Phụng Hiệp.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện khu vực ĐBSCL đang triển khai nhiều dự án trọng điểm kết nối giao thông liên vùng, như: đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi; dự án mở rộng tuyến tránh Quốc lộ 1, đoạn qua thành phố Tân An, tỉnh Long An; dự án mở rộng 7 cầu trên Quốc lộ 1, đoạn qua Tiền Giang; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 61B, từ ngã ba Vĩnh Tường đến thị xã Long Mỹ (Hậu Giang); dự án nâng cấp Quốc lộ 63, đoạn qua tỉnh Cà Mau; dự án đầu tư xây dựng cầu Long Bình; dự án mở rộng mặt đường Quốc lộ 54, đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Tháp; dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 30, đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà; kiên cố hóa sạt lở Quốc lộ 91, tỉnh An Giang; dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; tuyến tránh thị trấn Cai Lậy; tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; mở rộng Quốc lộ 30 đoạn An Hữu - Cao Lãnh; Quốc lộ 53, đoạn Long Hồ - Ba Si; dự án kết nối khu vực trung tâm vùng đồng bằng Mekong; dự án giai đoạn 2 - đầu tư nâng cấp mở rộng và xây dựng 4 đoạn tuyến Quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên, tỉnh Bến Tre thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu - Quốc lộ 60, tỉnh Tiền Giang và Bến Tre… Bên cạnh đó, còn có 27 dự án quan trọng cấp bách dự kiến triển khai giai đoạn 2017-2020 với tổng kinh phí khoảng 67.000 tỉ đồng.

Tại buổi làm việc với các tỉnh, thành ĐBSCL vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở ĐBSCL thời gian qua đã đạt được những kết quả nổi bật, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sản xuất, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của khu vực ĐBSCL. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị trong giai đoạn từ đây đến năm 2020, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ những nút thắt chính về hạ tầng giao thông tại ĐBSCL. Tập trung vào các trục giao thông chính, nhất là trục cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ. Bộ Giao thông Vận tải xem xét, tính toán, cân nhắc phương án thực hiện cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2 để giúp kết nối giao thông liên vùng. Riêng tuyến đường từ Cần Thơ - Phụng Hiệp - Cà Mau hơn 100km, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đưa vào các chương trình trọng điểm để nâng cấp, bù lún và trải thảm.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp nhu cầu và ý kiến đề nghị của các địa phương, những nút thắt về hạ tầng giao thông báo cáo về Chính phủ, từ đó có kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phù hợp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề xuất những vấn đề cần sửa đổi trong Luật Đầu tư công. Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch khai thác cát sông, lòng sông, cửa sông, các luồng lạch khu vực cảng biển… Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch nếu cần thiết để làm cơ sở cho việc cấp phép khai thác cát sông theo đúng quy hoạch, gắn với việc bảo vệ bờ sông, bờ biển, chống sạt lở đất, nhất là cấm khai thác bừa bãi không đúng quy hoạch. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu nhanh vật liệu thay thế cát xây dựng, cát san nền.

Bài, ảnh: NGUYÊN ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>