Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển hợp tác xã thích ứng biến đổi khí hậu

19/04/2019 | 08:21 GMT+7

Tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp vùng ĐBSCL đạt 3,41%/năm và luôn dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, trái cây, thủy sản. Tuy nhiên, trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu sẽ khiến sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Thay đổi mô hình sản xuất phù hợp tình hình mới, trong đó phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang là vấn đề cấp bách đặt ra...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xem các sản phẩm nông nghiệp do các HTX ở Đồng Tháp sản xuất.

Hiệu quả từ HTX kiểu mới

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết hoạt động của các HTX nông nghiệp ở ĐBSCL từ năm 2016 về trước còn hạn chế, lúng túng, hiệu quả thấp nên chưa thu hút được nhiều thành viên vào HTX. Ngày 21-3-2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL”. Theo đó, các tỉnh đã chọn 156 HTX và 19 tổ hợp tác tham gia thí điểm. Qua 2 năm thực hiện, chất lượng các HTX được cải thiện đáng kể. Cụ thể, các HTX tăng về quy mô hoạt động, tăng vốn và diện tích. Trình độ cán bộ quản lý HTX được nâng lên, các HTX còn tích cực tham gia hoạt động xã hội và đầu tư các công trình công cộng ở địa phương. Theo thống kê đã có 37 HTX tăng doanh thu, 28 HTX tăng thu nhập sau thuế, 25 HTX tăng giá trị trích lập quỹ, 21 HTX tăng thu nhập bình quân cho thành viên, 11 HTX tăng lương cho cán bộ quản lý; 63% số lượng HTX tham gia thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp trên tổng diện tích sản xuất 28.700ha, sản lượng  177.711 tấn, giá trị hợp đồng thực hiện 882 tỉ đồng…

Sản xuất ở ĐBSCL cần liên kết vào HTX nông nghiệp để tăng sức mạnh.

Cùng với việc thực hiện đề án thí điểm mô hình HTX kiểu mới, thì số lượng HTX nông nghiệp được thành lập mới ở ĐBSCL cũng tăng nhanh. Đến cuối năm 2018, toàn vùng ĐBSCL có 1.803 HTX nông nghiệp, chiếm 13% tổng số HTX nông nghiệp của cả nước. Từ năm 2016 đến nay, ĐBSCL là một trong 3 vùng có số lượng HTX nông nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước, riêng 2 năm (2017 và 2018) ở ĐBSCL tăng tới 552 HTX nông nghiệp. Tổng số thành viên HTX nông nghiệp ở ĐBSCL khoảng 230.000 người.

Điều đáng mừng là nhiều HTX nông nghiệp chủ động liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị như: HTX xoài Tân Thuận Tây (Đồng Tháp) liên kết với Công ty Long Uyên về sản xuất và tiêu thụ xoài; HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (Vĩnh Long) liên kết với Công ty rau quả Mê Kông cung ứng và tiêu thụ chôm chôm; các HTX sản xuất khóm Tân Lập, sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài Cái Bè, thanh long Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có liên kết với doanh nghiệp đã tăng cao về hiệu quả, lợi nhuận cho xã viên.

Nhu cầu phát triển HTX nông nghiệp

Ngoài kết quả trên thì cũng có những HTX nông nghiệp ở ĐBSCL còn yếu, quy mô sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu; các mô hình HTX thích ứng với biến đổi khí hậu có hình thành nhưng còn tự phát, nhỏ lẻ, chưa có cơ sở khoa học. Ngoài ra, sự đầu tư của Nhà nước còn ít, nhất là cơ sở hạ tầng. Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), lưu ý: “Hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa, lũ, hạn, mặn gia tăng, thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt, sạt lở ở các vùng ven biển… là những tác động đáng lo ngại của biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp theo dạng nông hộ nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn, vì vậy việc liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị của các HTX nông nghiệp nhằm tăng quy mô sản xuất càng trở nên cấp bách”.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng: Giải pháp để ĐBSCL phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu là tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại ngành hàng phù hợp với mỗi vùng sinh thái đặc trưng. Đồng thời, để tăng sức cạnh tranh, các chuỗi ngành hàng nông sản phải được hình thành. Trong điều kiện đó, HTX phải trở thành chỗ dựa, giữ vai trò liên kết với doanh nghiệp. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, không chỉ cần các giải pháp công trình như đê, kè, đập... mà còn cần đến giải pháp phi công trình do chính cộng đồng dân cư tổ chức thực hiện với sự điều chỉnh của quy hoạch chung. Thích ứng biến đổi khí hậu cần hướng tới đa dạng hóa phát triển nông nghiệp, thay đổi lịch thời vụ; xây dựng các chương trình, kế hoạch thích ứng. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng bền vững tài nguyên nước thích ứng với biến đổi khí hậu.

Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (thuộc Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, mô hình HTX nông nghiệp hiện nay có thể đảm đương được vai trò thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, HTX còn hạn chế về nguồn nhân lực để phát huy hiệu quả về lợi ích kinh tế và xã hội. Cụ thể, nguồn nhân lực thiếu cả về số lượng và năng lực nghề nghiệp; cơ sở hạ tầng yếu, vốn hoạt động thiếu và khó tiếp cận. Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chỉ ra: “HTX nông nghiệp đang vướng 4 vấn đề là yếu về năng lực quản trị, khả năng tài chính hạn chế, tiếp cận thị trường chưa nhiều, công nghệ và máy móc còn ít. Do đó, để các HTX nông nghiệp mạnh lên, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu cần tháo gỡ nhanh những điểm liệt trên”.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, thời gian qua Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm củng cố, nâng cao hoạt động của HTX; qua đó xuất hiện nhiều HTX nông nghiệp kiểu mới, thực hiện sản xuất theo phương pháp an toàn, áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất có liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Tại Đồng Tháp còn có mô hình “Hội quán” phát huy tính tự quản cộng đồng, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và đã có những HTX kiểu mới hình thành từ mô hình này.

Phó Thủ tướng lưu ý vùng ĐBSCL đang chịu nhiều thách thức, tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng một cách bền vững thì cần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời chuyển từ số lượng sang chất lượng; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị. Các địa phương cần nâng cao nhận thức về lợi thế của HTX kiểu mới; có kế hoạch nhân rộng các mô hình tiên tiến; tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp. Tới đây, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan cần quan tâm, triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao hoạt động các HTX nông nghiệp ở ĐBSCL thích ứng với thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, đề xuất, bổ sung các chính sách hỗ trợ chế biến, tiêu thụ sản phẩm đối với HTX nông nghiệp, chính sách đào tạo năng lực cán bộ, phát triển hạ tầng cho các HTX nông nghiệp…

Bài, ảnh: HƯNG TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>