Động lực cho tăng trưởng kinh tế

22/10/2020 | 06:44 GMT+7

Thực hiện quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), kể từ đầu tháng 10 đồng loạt các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện giảm lãi suất cho vay để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Nhiều khách hàng vẫn lựa chọn hình thức đầu tư vốn là gửi tiết kiệm ngân hàng.

Ông Lê Viết Quyền, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Nhằm thực hiện quyết định của NHNH, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, kể từ ngày 1-10, Agribank thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,2% - 0,5%/năm. Cụ thể, cho vay nông nghiệp nông thôn kỳ ngắn hạn đối với các đối tượng ưu tiên lãi suất là 4,5%/năm và cho vay công nghệ cao là 8,5%/năm. Theo đó, trong đợt này cũng điều chỉnh lãi suất huy động tiền gửi để phù hợp với mặt bằng chung lãi suất thị trường.

Theo Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Hậu Giang, chương trình cho vay phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn chi nhánh đang áp dụng cho tất cả các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn nông thôn hoặc sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp lãi suất cho vay từ 5,0%/năm đối với VNĐ, thời gian áp dụng theo quy định của Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, chương trình ưu đãi tín dụng trung và dài hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2020 dành cho tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn lãi suất cho vay từ 7,9%/năm, thời gian áp dụng đến ngày 30-11-2020. Chương trình đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp, dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn, lãi suất cho vay từ 5,9%/năm đối với VNĐ và 2,7%/năm đối với USD. Chương trình vay ưu đãi, lãi tri ân áp dụng lãi suất từ 6,0%/năm đối với tất cả các cá nhân có nhu cầu vay vốn ngắn, trung và dài hạn phục vụ tiêu dùng và kinh doanh, thời gian áp dụng đến ngày 31-12-2020.

Lãi suất tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) dao động từ 3,7%/năm đến 7,8%/năm dành cho các khoản tiền gửi tại kỳ hạn 1 tháng - 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Đầu tháng 10 này, lãi suất tiết kiệm cao nhất tiếp tục được áp dụng ở mức là 7,8%/năm dành cho khoản tiền gửi từ 100 tỉ đồng trở lên gửi tại kỳ hạn 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sacombank chi nhánh Hậu Giang, cho biết: Thực hiện quyết định của NHNN ngay từ đầu tháng 10 này Sacombank giảm lãi suất cho vay theo quy định, đồng thời giảm lãi suất huy động từ 0,1%-0,3%/năm. Mặc dù, lãi suất huy động giảm nhưng huy động vốn của chi nhánh đến nay cũng đạt yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên khách hàng cân nhắc hơn trong vay vốn, không nhận nợ nhiều. 

Theo ông Nguyễn Tiến Huy, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải chi nhánh Hậu Giang, hiện nay lãi suất cho vay tại chi nhánh từ 6,99-10%/năm. Để tạo điều kiện cho khách hàng vay và thực hiện quyết định của NHNN, ngân hàng đang có chương trình cho vay đối với hộ kinh doanh và mua bất động sản với lãi suất 0% trong 3 tháng đầu, sau 3 tháng đầu thì áp dụng lãi suất từ 8%-10%/năm, chương trình đang áp dụng đến ngày 31-12-2020. Còn lãi suất huy động áp dụng trong tháng 10 từ 6%-6,2%/năm. 

Lãi suất huy động tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hậu Giang đang thực hiện đối với tiền gửi có kỳ hạn trả lãi cuối kỳ là 6%/năm đối với kỳ hạn 12, 18, 24 và 36 tháng. Đối với tiền gửi có kỳ hạn trả lãi hàng tháng lãi suất từ 3,98%-5,84%/năm. Theo NHNN chi nhánh Hậu Giang, đến cuối tháng 8, tổng dư nợ cho vay một số chương trình tín dụng trọng điểm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn cụ thể đối với cho vay thu mua lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng dư nợ 1.693 tỉ đồng, giảm 17,58% so với cuối năm 2019. Cho vay nuôi trồng, chế biến thủy sản dư nợ 3.105 tỉ đồng, tăng trưởng 6,48% so với năm 2019. Cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ dư nợ 45,65 tỉ đồng, giảm 18,86% so với cuối năm 2019.

Đối với dư nợ bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bằng các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho vay mới để ổn định sản xuất. Đối với các chương trình cho vay theo Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (Đề án 1.000); chương trình cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Thông tư số 25/2015/TT-NHNN cũng còn nhiều khách hành có dư nợ. Đối với các chương trình tín dụng chính sách dư nợ đạt 2.559 tỉ đồng, tăng trưởng 6,45% với cuối năm 2019. Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn dư nợ 16.593 tỉ đồng, tăng trưởng 3,86% so với cuối năm 2019, chiếm 71,53%/tổng dư nợ. Riêng chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp dư nợ đạt 5.989 tỉ đồng với 323 doanh nghiệp được tiếp cận vốn…

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>