GAP trong hợp tác xã nông nghiệp

13/12/2017 | 07:18 GMT+7

Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP đã giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất, tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng cao, đồng đều, an toàn cho người sử dụng và môi trường.

Sản xuất nông sản theo hướng GAP giúp cho đời sống người dân được nâng cao nhờ giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Sau khoảng 7 năm thành lập, Hợp tác xã (HTX) Dưa hấu VietGAP, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, đã khẳng định là một tập thể nhạy bén, nắm bắt chính xác xu hướng thị trường tương lai, đó là sản xuất ra sản phẩm an toàn. HTX ngày càng phát triển và được coi là một trong những mô hình sản xuất an toàn tiêu biểu của tỉnh.

HTX khi mới thành lập, với số vốn điều lệ khá khiêm tốn là 15 triệu đồng, nhưng qua quá trình hoạt động HTX thu về nguồn lãi gấp 10 lần so với số vốn ban đầu. Giám đốc HTX Võ Văn Năng chia sẻ: “Sau khi thành lập, một số thành viên trong HTX đã có dịp tham quan, học tập kinh nghiệm ở những tỉnh, thành chuyên sản xuất dưa hấu có chất lượng cao. Qua đó, được Liên minh Hợp tác xã tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh, huyện hỗ trợ, HTX đã tiến tới sản xuất theo chuẩn nông nghiệp sạch. Từ đó, tập thể quyết định chọn mô hình sản xuất dưa hấu theo chuẩn VietGAP làm mục tiêu phấn đấu cho đến nay”.

Chỉ sau 2 vụ sản xuất dưa, được sự quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt của ngành nông nghiệp tỉnh, huyện, ngành khoa học và công nghệ tỉnh và Trường Đại học Cần Thơ, HTX áp dụng mô hình sản xuất theo quy trình thực sản xuất VietGAP thành công. Đến ngày 2-8-2011, HTX đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6 cấp giấy chứng nhận VietGAP cho HTX với 15 thành viên. Toàn bộ sản phẩm sản xuất đều được Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái (gọi tắt là Công ty Ecofarm, ở tỉnh Kiên Giang) bao tiêu.

Ông Võ Văn Năng, Giám đốc HTX cho biết: “Điều quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là phải an toàn cho người tiêu dùng nên sản xuất theo chuẩn GAP là đảm bảo nhất. Trong quá trình sản xuất hàng ngày phải ghi sổ sách cẩn thận công việc chăm sóc dưa hấu, đặc biệt là sử dụng phân, thuốc rất hạn chế. Tuy lúc đầu các thành viên thấy lo lắng bởi quy trình sản xuất này có những đòi hỏi nghiêm ngặt. Thế nhưng, được sự động viên, hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành nên dần dần cũng quen tay, từ đó sản xuất không còn khó khăn nữa. Làm theo quy trình này có thể giảm được hơn 30% chi phí đầu vào. Chỉ sau một vụ dưa, một hộ dân có thể thu lời hơn 10 triệu đồng/1.000m2”.

So với dưa hấu, trái xoài được sản xuất theo chuẩn GAP cũng mang lợi nhuận không kém. Năm 2016, có hơn 22ha xoài cát Hòa Lộc của HTX xoài cát Bảy Ngàn, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi sản xuất theo chuẩn VietGAP, xoài cát không những được cải thiện năng suất, phẩm chất mà tăng giá trị thương phẩm so với bên ngoài từ 3.000-5.000 đồng/kg. Sản lượng xoài cung ứng tăng lên 175 tấn trái/năm, tất cả các vườn đều cho trái chất lượng, đồng đều. Ông Lưu Bá Lộc, Giám đốc HTX, cho hay: “Có được kết quả này là do làm theo chuẩn VietGAP, nông dân và thành viên HTX sử dụng phương pháp cắt nhánh, tỉa cành, tạo tán, phun thuốc đúng cách đã giúp cho vườn cây ra hoa đồng loạt, tỷ lệ đậu trái cao. Đặc biệt hơn hết là giảm được sâu bệnh gây hại, chi phí sản xuất thấp”.

Có thể nói, nhờ thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng kỹ thuật canh tác bài bản, trong đó có thực hành sản xuất nông nghiệp tốt mà đời sống của người nông dân đã đổi thay rõ nét. Nhiều HTX nông nghiệp áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, thực hiện nông nghiệp tốt vẫn là hướng đi bền vững cho nông nghiệp Hậu Giang.

Ngoài xoài, dưa hấu, hiện nay tỉnh Hậu Giang đã có nhiều mô hình sản xuất theo chuẩn GAP trên lúa, cá, khóm, chanh không hạt, cam, quýt… Các sản phẩm này được người tiêu dùng tin tưởng nên khâu tiêu thụ khá thuận lợi.

 

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>