Giá cát tăng, nạn khai thác cát trái phép tràn lan

16/04/2019 | 14:33 GMT+7

Giá cát xây dựng tăng cao khiến hoạt động khai thác cát tại nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam càng khó kiểm soát.

Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra cả ngày lẫn đêm ở một số địa phương có trữ lượng cát trắng lớn. Trên sông Thu Bồn, “cát tặc” tiếp tục hoành hành, hàng chục chiếc thuyền đua nhau hút cát dưới sông mỗi đêm. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng này.

Dọc theo tuyến đường ven biển, đoạn qua xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, hàng chục bãi cát trắng bị cày xới nham nhở để lại những hố sâu hoắm. Để vận chuyển cát ra khỏi khu vực khai thác trái phép, các đối tượng ngang nhiên tháo dỡ lề đường, lót hàng trăm lốp xe vào khu vực bãi cát để khỏi bị lún. Cát tại khu vực này chủ yếu dùng để đổ nền, có khi được sàng lọc lấy cát mịn để xây nhà. Đây là tuyến giao thông huyết mạch ven biển, phục vụ cho công tác cứu nạn cứu hộ nên việc khai thác cát trái phép để lại những hậu quả khôn lường, gây mất an ninh trật tự, thất thoát nguồn tài nguyên.

Xã Bình Đào hiện chỉ có 1 khu vực được cấp phép khai thác cát nằm tiếp giáp với xã Bình Minh, còn lại gần 20 điểm khai thác khác đều bất hợp pháp. Lãnh đạo địa phương thừa nhận, từ tháng 12/2018 đến nay, các đối tượng lợi dụng đêm khuya, ngang nhiên đưa xe tải vào khu vực khai thác vận chuyển cát trái phép.

 

Lực lượng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Quảng Nam bắt giữ vụ trộm cát trên sông Thu Bồn.

“Tôi mong muốn Nhà nước cần quy hoạch, cơ chế nào đó gom lại một đầu mối khai thác để quản lý thì trật tự hơn, không còn xúc cát trộm nữa. Mình có quản lý nhưng chưa đến nơi, đến chốn cho nên tạo điều kiện để họ xúc đi buôn bán” - ông Trương Vương Ngọc, ở xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam mong muốn.

Dọc 2 bên bờ sông Thu Bồn thuộc địa bàn huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An, người dân “mất ăn mất ngủ” vì nạn khai thác cát trái phép. Có thời điểm trên sông hơn 30 thuyền đua nhau khai thác cát trái phép. Để qua mặt cơ quan chức năng, ban ngày, các phương tiện khai thác cát ẩn nấp, đến đêm tối, nhất là vào thời điểm giữa khuya từ 23h đến 2h sáng, các đối tượng sử dụng tàu thuyền gắn vòi rồng đua nhau đục khoét dòng sông.

Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, từ quý 4 năm 2018 đến nay, các lực lượng Cảnh sát Môi trường, Cảnh sát Đường thủy, Cảnh sát Kinh tế đã xử lý 42 vụ, 42 đối tượng khai thác cát trái phép, xử phạt hơn 700 triệu đồng, tạm giữ phương tiện để xử lý. Có những vụ khởi tố hình sự, truy tố vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên khoáng sản.

Bên cạnh tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra hằng đêm trên sông Thu Bồn, các doanh nghiệp cũng đã lợi dụng giấy phép khai thác không đúng theo phương án được duyệt, khai thác không đúng giờ quy định, không cắm mốc hoặc cắm mốc không đầy đủ… Đại tá Nguyễn Đức Dũng cho biết thêm.

“Công an tỉnh Quảng Nam có kế hoạch tổ chức đợt cao điểm phối hợp với các ngành để kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh vi phạm. Vi phạm trên lĩnh vực giao thông đường thủy thì lực lượng Cảnh sát Đường thủy sẽ xử lý thị Nghị định 32. Vi phạm trên lĩnh vực khoáng sản, Phòng Cảnh sát Môi trường sẽ xử lý theo Nghị định 33 và những văn bản hướng dẫn thi hành và vi phạm. Nếu hành vi đến mức xử phải lý hình sự thì sẽ xử lý” - Đại tá Nguyễn Đức Dũng nói.

Dùng lốp xe lót đường vào vận chuyển cát trái phép ở xã Bình Đào, huyện Thăng Bình.

Trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam hiện có 29 mỏ khoáng sản được cấp phép và khoảng 50 điểm tập kết cát. Qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương cho thấy, chính quyền cấp cơ sở còn buông lỏng, thiếu kiên quyết trong kiểm tra, xử lý và có biểu hiện dung túng, bao che cho hành vi vi phạm các quy định về quản lý tài nguyên khoáng sản. Do lợi nhuận từ việc khai thác cát, sỏi, sạn tăng nhanh nên không ít doanh nghiệp và người dân bất chấp quy định của pháp luật, ngang nhiên vi phạm.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam xác định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép ồ ạt thời gian qua là do công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn bất cập. Chính quyền địa phương yêu cầu thời gian tới, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác và chủ bến bãi phải lắp đặt camera giám sát tại vị trí mỏ và tại bến bãi tập kết để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan phục vụ cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát.

Các bến thủy trong quy hoạch phải có giấy phép hoạt động, hợp đồng thuê đất, hồ sơ bảo vệ môi trường, chỉ được lắp đặt hệ thống bơm, hút cát, sỏi trên phao... Chỉ hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi từ 6 -18h từ tháng 1 -9 và từ 6 -17h từ tháng 10 -l2. Nếu không đảm bảo yêu cầu này hoặc trong quá trình hoạt động có vi phạm thì đình chỉ khai thác.

“Muốn giải quyết được vấn đề khai thác cát bất hợp pháp, trước hết chúng ta phải điều chỉnh tất cả các hoạt động hợp pháp đã. Trách nhiệm của các chủ mỏ, chủ bến bãi phải không ngừng được nâng cao. Nhà nước tạo điều kiện hoạt động rồi thì anh phải có trách nhiệm với tàu thuyền anh ký hợp đồng, trách nhiệm với các chủ phương tiện xe ô tô ký hợp đồng vận chuyển, có trách nhiệm với cộng đồng địa phương nơi hoạt động” - ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết./.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>