Giữ “long mạch” cho cuối miền châu thổ...

05/02/2019 | 06:54 GMT+7

Sau khi thành lập tỉnh, địa phận Hậu Giang còn 1.600km2 giống một bàn tay vươn về phía cực Nam, và sông Hậu - một chỉ lưu của dòng Mekong, vắt ngang đầu đất chỉ còn khoảng 2km, nhưng nhiều người lại ví rằng đó là “long mạch” của cả xứ sở cuối miền châu thổ này...

Bảy ngã sông - nét đặc trưng của thị xã Ngã Bảy.

Dựa vào sông, khai thác nguồn lợi…

Mười lăm năm trước, những khối óc tiêu biểu nhất của Hậu Giang đã tin vào nguồn lợi từ dòng Mekong là hấp lực đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, bất động sản, tạo đột phá tăng trưởng, thu ngân sách, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phá thế thuần nông cho xứ sở. Do đó, việc khảo sát, quy hoạch, triển khai giải phóng mặt bằng vạt đất 3.220ha ven bờ sông Hậu (thuộc xã Đông Phú và Phú Hữu, huyện Châu Thành) để xây dựng Khu đô thị công nghiệp đã diễn ra ráo riết từ những ngày đầu lập tỉnh mới: Những cung đường, nhà máy, công xưởng, bến cảng, nhà ở,… cả việc dời đổi tập quán của xứ bưởi trứ danh lâu đời dù đã được liệt vào danh sách những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.

Trung tâm của thị xã Long Mỹ nhìn từ trên cao.

Cũng với niềm tin ấy, cuộc trường kỳ dẫn nguồn nước ngọt từ sông Hậu vào đồng đất Hậu Giang đã bắt đầu từ cuối thế kỷ 18, tiếp tục được chỉ đạo, huy động nhiều nguồn lực thực hiện. “Chưa có nơi nào thực hiện chiến dịch giao thông, thủy lợi kiên trì, bền bỉ suốt 15 năm qua như ở Hậu Giang”, ông Nguyễn Văn Đồng, lúc là Giám đốc Sở NN&PTNT, mô tả như vậy.

Theo phân tích của giới nghiên cứu chuyên ngành về tài nguyên nước thì ước tính mỗi năm có hàng tỉ khối nước ngọt từ sông Hậu theo sông Cái Côn, kênh xáng Xà No chảy vào hai cạnh phía Nam và Bắc, kết nối hệ thống kênh đào, sông rạch tự nhiên, chằng chịt trải dài 2.300km tỏa khắp địa bàn Hậu Giang. Vào năm 2012, các chuyên gia Viện Thủy lợi miền Nam đã ghi nhận nguồn nước vào đồng đất Hậu Giang được điều tiết theo 5 tiểu vùng thủy lợi (Đông Quốc lộ 1A; Bắc kênh Xà No; Nam kênh Xà No - Bắc kênh Nàng Mau; Nam kênh Nàng Mau - Bắc kênh Lái Hiếu; sông Cái Lớn và Nam kênh Lái Hiếu - Xẻo Chít). Tại mỗi tiểu vùng lại được chia thành nhiều ô thủy lợi cấp nước chủ động tưới tiêu, phục vụ sản xuất theo mùa vụ, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, lũ.

Cải thiện điều kiện sản xuất, sinh hoạt…

Có khoảng 70% lượng nước ngọt dẫn vào nội vùng Hậu Giang được sử dụng phục vụ sản xuất trên 140.000ha đất nông nghiệp. Nhờ đó, diện tích đất được cải tạo trồng cây ăn trái, mía, rau màu, nuôi các loại thủy sản nước ngọt đang gia tăng và trở thành những mặt hàng nông sản mũi nhọn của địa phương. Riêng cây lúa, với diện tích 79.000ha, canh tác 3 vụ, tổng sản lượng gần 1,3 triệu tấn/năm, hàng năm được cung ứng khoảng 5 tỉ m3 nước ngọt (chủ yếu từ sông Hậu và nước mưa).

Các nhà máy, xí nghiệp được xây dựng và đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp Sông Hậu.

“Nhờ hoàn thiện cơ sở hạ tầng về đê bao, cống đập, đường giao thông thủy bộ, trạm bơm điện nên bà con chủ động được nguồn nước, tham gia canh tác trong mô hình cánh đồng lớn, gieo sạ đồng loạt né rầy, lúa ít sâu bệnh, năng suất cao, hiệu quả kinh tế rõ rệt nhiều năm gần đây”, ông Hà Minh Triều, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phước Trung, ở xã Trường Long Tây, thừa nhận. Kể từ khi hình thành 5 tiểu vùng thủy lợi chủ động điều tiết nước đã có 5 cánh đồng lớn (tổng diện tích 1.300ha, với 1.506 nông hộ tham gia) hình thành ở các huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, thị xã Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ.

Việc khai thác sử dụng nguồn nước Mekong không chỉ tạo nên những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp mà ven theo các tuyến kênh, sông từ lâu đã hình thành những tuyến dân cư, dù gần đây vấn nạn sạt lở phức tạp, nhưng tại các điểm hội tụ nhiều ngã sông, trên bến, dưới thuyền, giao thương thuận tiện, vẫn là những vị trí đắc địa, đô thị đang phình ra. Có thể thấy rõ thành tựu nổi bật của Hậu Giang trong 15 năm qua là sự chuyển biến ở đô thị Ngã Bảy, nơi dòng sông Cái Côn chuyển nước ngọt sông Hậu chia ra 7 ngã vùng giáp ranh bán đảo Cà Mau, xưa đã tề tựu thương hồ, hình thành chợ nổi; đô thị Long Mỹ trở thành thị xã tại vàm Trà Ban vốn là trung tâm, gần điểm khởi nguồn của dòng sông Cái giữa lòng miệt bưng xưa; và gần cuối dòng Xà No, vốn đã là “con đường lúa gạo”, mạch dẫn cư dân tứ xứ tề tựu, nay đã có thành phố Vị Thanh, trung tâm tỉnh lỵ.

Tại các đô thị mới, kiến trúc không gian đã phảng phất bóng dáng mô hình “đô thị nước” mà PGS, TS, KTS Lưu Đức Cường (Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng), khuyến cáo. Nước đang được dành chỗ nhiều hơn trong lòng các đô thị, các hồ chứa nước giải nhiệt cũ và mới được đầu tư, những dòng sông chính được xây kè chống sạt lở, kết hợp công viên tạo cảnh quan, việc bảo vệ, nạo vét, khơi thông những con rạch tự nhiên, xây dựng đê bao, cống kiểm soát ngập lụt, lũ, triều cường... đã được xúc tiến thực hiện. Các công trình hạ tầng phục vụ xử lý chất thải, chống ô nhiễm, bảo vệ chất lượng nguồn nước cùng phương án tạo hồ chứa nước thô để đảm bảo nguồn nước đưa vào xử lý tại hàng trăm trạm cấp nước tập trung, cung cấp hàng chục triệu m3 nước sạch phục vụ sinh hoạt cho hàng trăm ngàn hộ dân từ đô thị đến nông thôn đang được duy trì, đầu tư xây dựng thêm.

Trên dòng kênh xáng Xà No, cơ quan chức năng đã đặt thiết bị quan trắc chất lượng nước để kiểm soát mặn và nguy cơ ô nhiễm. Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư 165 tỉ đồng xây dựng hồ chứa nước ngọt quy mô 50ha tại xã Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy) để chủ động thực hiện kế hoạch và ứng phó với nước biển dâng, xâm nhập mặn, cung cấp nguồn nước mặt thường xuyên cho các nhà máy xử lý nước sạch đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 260.000 người ở thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy và huyện Châu Thành A.

Mở ra kỳ vọng mới

Một kỳ tích đáng ghi nhận, nguồn nước ngọt từ sông Hậu sau khi đưa vào các tiểu vùng thủy lợi tháo chua, rửa phèn cho đất, phục vụ sản xuất, sinh hoạt, cải thiện giao thương, phát triển đô thị,… được tháo ra theo sông Nước Trong (huyện Long Mỹ) và sông Cái Tư (thành phố Vị Thanh) chảy về ngã ba Di Hạn (tỉnh Kiên Giang) rồi nhập vào sông Cái Lớn, đã đẩy nước mặn lùi dần về phía vịnh Thái Lan. Những năm đầu giải phóng, mặn còn lấn qua vàm Trà Ban tới vàm Cái Nai gần Lung Ngọc Hoàng - nơi khởi nguồn của dòng sông Cái, giờ đã lui khoảng 20km ra khỏi địa bàn huyện Long Mỹ.

Kênh xáng Xà No - điểm nhấn của thành phố Vị Thanh.

Thật thú vị, tại khu vực cuối nguồn, nơi nước mặn bị đẩy lùi (thuộc các xã Vĩnh Viễn, Lương Tâm, Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ), tỉnh Hậu Giang đã quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 5.200ha, gần gấp đôi diện tích Khu đô thị công nghiệp Sông Hậu ở đầu nguồn. Cuối năm 2018, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng đã trực tiếp cùng đoàn cán bộ Trung ương sang Nhật Bản chủ động tìm đối tác mời gọi hợp tác đầu tư vào các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở ra nhiều kỳ vọng mới.

Những biến chuyển từ cuộc trường kỳ trị thủy đã tỏ rõ cái lý của các bậc lão thành khi ví đoạn sông Hậu là “long mạch” của đất Hậu Giang. Và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên là một trong những cán bộ hiểu rõ giá trị mạch nguồn khi đưa ra thông điệp kêu gọi Nhân dân tham gia cùng chính quyền và cơ quan chức năng giám sát để có thể ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn sông Hậu. Ông Tuyên cũng đã trực tiếp kiến nghị: “Ủy ban sông Mekong Việt Nam cần bổ sung vào kế hoạch hoạt động thực hiện một chương trình nghiên cứu về ứng phó với tác động từ đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong cho đồng bằng sông Cửu Long, cũng như nghiên cứu về nguồn nước để đảm bảo sản xuất, phát triển bền vững”.

Điều đó thật sát sườn, thiết thực, để giữ mạch nguồn cho vùng đất cuối miền châu thổ này.

Ghi chép: HÙNG LONG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>