Hậu Giang - “Tâm điểm” đầu tư và phát triển kinh tế

24/02/2020 | 08:25 GMT+7

Nổi lên như vùng “kinh tế trọng điểm” mới của khu vực ĐBSCL, Hậu Giang thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư, đa dạng lĩnh vực từ chế biến, sản xuất giấy đến bất động sản, dịch vụ, năng lượng... Điều này tạo điều kiện để tỉnh phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng.

Các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước được lấp kín bởi nhiều dự án đầu tư từ đa dạng lĩnh vực.

Hậu Giang - Vị trí chiến lược, thị trường vệ tinh của ĐBSCL

Nằm trên tuyến lưu thông của tiểu vùng Tây Sông Hậu, Hậu Giang có điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh trong khu vực như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ. Đặc biệt, liền kề Cần Thơ, Hậu Giang được thừa hưởng những thế mạnh về logistic, cơ sở hạ tầng, trình độ khoa học công nghệ,… của thành phố trọng điểm kinh tế khu vực Tây Nam bộ này. Theo kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2021-2030, sẽ có hơn 9.400 tỉ đồng được đầu tư để hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa hạ tầng giao thông Hậu Giang và liên kết vùng.

Với những lợi thế trên, Hậu Giang thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư từ doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước. Tính đến cuối năm 2019, địa bàn tỉnh có gần 500 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 123.860 tỉ đồng, 30 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 552 triệu USD.

Ngoài những dự án khai thác thế mạnh nông nghiệp vốn có như Nhà máy chế biến thủy hải sản xuất khẩu Minh Phú, dự án nông nghiệp công nghệ cao FAM của Tập đoàn FLC…, Hậu Giang cũng bắt đầu thu hút nhiều nhà đầu tư từ đa dạng lĩnh vực. Có thể kể đến như Vingroup với dự án Vincom-Vinhouse (lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ); Tân Hiệp Phát mở Nhà máy NumberOne (nước giải khát); Masan (ngoài đầu tư dây chuyền sản xuất bia, còn đang mở rộng dự án sản xuất nước mắm, thức ăn chăn nuôi…); Công ty giấy Lee & Man Việt Nam (sản xuất giấy bao bì); Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu (năng lượng); Nhà máy luyện, cán thép Sunpro (chế tạo công nghiệp nặng)...

Hậu Giang được kỳ vọng sẽ trở thành “tâm điểm” kinh tế của vùng ĐBSCL. Ảnh: LÝ ANH LAM

Doanh nghiệp FDI hoạt động mạnh mẽ: Đòn bẩy kinh tế của Hậu Giang

Sự góp mặt của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI với vốn đầu tư và quy mô sản xuất lớn đã góp phần giúp Hậu Giang có sự chuyển mình về kinh tế. Báo cáo của Cục Thống kê Hậu Giang cho thấy mức độ đóng góp của FDI vào GDP của tỉnh ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2012-2016; tốc độ tăng bình quân 14,33%, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm 73,25% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Mặt khác, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng góp phần giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động địa phương.

Tín hiệu đáng mừng là một số ngành công nghiệp vốn còn bị bỏ ngỏ tại địa bàn tỉnh thời gian qua đã được các doanh nghiệp FDI “đánh thức”. Điển hình là sản xuất giấy - ngành công nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp khoảng 1,5% vào giá trị GDP cả nước nhưng lại chưa được đẩy mạnh đầu tư không chỉ tại Hậu Giang mà toàn vùng ĐBSCL. 2 năm trước, đáp lại lời kêu gọi đầu tư từ UBND tỉnh, Tập đoàn Lee & Man Hongkong đã chọn Cụm công nghiệp Phú Hữu A (thị trấn Mái Dầm) làm địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất giấy. Với công suất 420.000 tấn/năm, đây là một trong những nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghệ cao với quy mô lớn nhất nước.

Có thể nói, sự xuất hiện của doanh nghiệp này đã tạo điều kiện giúp Hậu Giang nói riêng và cả nước nói chung phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp giấy, đặc biệt là giấy bao bì cao cấp (loại giấy rất ít nhà máy trong nước sản xuất được). Theo thống kê từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), hơn 50% sản lượng giấy bao bì hiện tại được sản xuất bởi các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có Lee & Man Việt Nam (chiếm khoảng 14% sản lượng giấy bao bì chung toàn ngành).

Tính đến nay, Lee & Man đã có thời gian hoạt động ổn định và có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hậu Giang. Năm 2019, doanh nghiệp đã đóng góp ngân sách địa phương hơn 100 tỉ đồng; đồng thời thường xuyên quyên góp vào quỹ an sinh phúc lợi tỉnh Hậu Giang, hỗ trợ xây trường mẫu giáo, nhà tình thương cho các gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh cũng như mang đến những học bổng khuyến khích học tập cho các em học sinh...

Trong tương lai, nếu mở rộng quy mô, doanh nghiệp có thể sẽ đóng góp nhiều hơn cho địa phương. Mặt khác, điều này cũng giúp giải quyết việc làm thêm cho hàng ngàn lao động. Hiện tại, Lee & Man có hơn 1.200 nhân viên với hơn 90% là người Việt. Doanh nghiệp cũng vừa cho đưa vào sử dụng ký túc xá có thể đáp ứng chỗ ở cho 2.500 nhân viên cùng người nhà với kinh phí đầu tư 380 tỉ đồng. Đây được đánh giá là dự án ký túc xá dành cho công nhân viên quy mô bậc nhất ĐBSCL.

Ngành giấy, đặc biệt là giấy bao bì, là một trong những ngành công nghiệp quan trọng và tiềm năng đối với kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn môi trường là yếu tố mà cả doanh nghiệp và địa phương đều cần xem xét cẩn trọng. Các báo cáo gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang cho thấy, nước thải của Nhà máy Lee & Man sau xử lý đạt tiêu chuẩn cao hơn chuẩn xả thải cho phép đối với ngành công nghiệp giấy và được cập nhật liên tục trên hệ thống giám sát, đảm bảo sự cố (nếu có) sẽ được khắc phục kịp thời. “Mỗi năm, công ty đều dành khoản chi phí lên đến hàng triệu USD cho việc củng cố và gia tăng hiệu quả của hệ thống xử lý thải tại nhà máy”, ông Patrick Chung, Tổng Giám đốc Lee & Man cho biết thêm. Việc đầu tư nghiêm túc cho khâu xử lý nước thải ngay từ đầu cũng sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát vấn đề môi trường tốt hơn nếu nâng công suất.

Có thể nói, ngoài việc thu hút doanh nghiệp mới đầu tư, việc những doanh nghiệp cũ tiếp tục gắn bó, mở rộng quy mô sản xuất sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp tại Hậu Giang, qua đó tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ tại tỉnh này. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần lưu ý xem xét khả năng đảm bảo an toàn môi trường tại địa phương khi doanh nghiệp mở rộng sản xuất.

K.A

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>