Hiệu quả trạm bơm điện cải tiến

29/01/2020 | 05:29 GMT+7

Với ưu điểm không gây sạt lở, vận hành dễ dàng, thuận lợi cho giao thông thủy và bộ, kinh phí xây dựng tiết kiệm khoảng 20% nên mô hình trạm bơm điện cải tiến của ngành thủy lợi tỉnh đang mang lại nhiều tính khả thi trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Thanh Toàn (thứ 2 từ phải sang), Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh nói về những mặt ưu điểm của trạm bơm điện cải tiến.

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, nhất là xâm nhập mặn và hạn hán nên những công trình về cống kết hợp với trạm bơm điện là một trong những giải pháp ứng phó tốt nhất. Thế nhưng, khi nhận thấy trong quá trình thực hiện Đề án trạm bơm điện của tỉnh trong thời gian qua tuy có mang lại những hiệu quả nhất định cho nông dân, nhưng lại kèm theo một số hệ lụy, đặc biệt là nguồn kinh phí làm mỗi công trình tương đối cao (khoảng 3 tỉ đồng/trạm bơm điện). Do đó, nhằm tiết giảm nguồn kinh phí cho ngân sách tỉnh và địa phương, năm 2018, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã nghiên cứu thực hiện trạm bơm điện cải tiến và bắt đầu ứng dụng mạnh trong năm 2019.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, người nêu ra ý tưởng về trạm bơm điện cải tiến, cho biết: Các trạm bơm điện đã thực hiện trước đó đều đặt miệng ống xả nước ở hai bên trong và ngoài cống. Việc xả nước này trong thời gian dài sẽ làm xói mòn đất nên dễ gây sạt lở. Còn mô hình cải tiến thì các ống xả được đặt ở hai bên bể xả đối diện nhau nên triệt tiêu năng lượng của nước khi ra khỏi thân cống; đồng thời lấy thân cống làm bể tiêu năng nên không gây xoáy lở do dòng chảy của máy bơm gây ra ở thượng, hạ lưu cống.

Ngoài ưu điểm trên thì trên thân cống có thiết kế khung và sàn công tác nên rất thuận tiện trong việc đi lại và vận hành cống. Số lượng máy bơm phụ thuộc vào diện tích phục vụ trong khu vực. Mặt khác, việc mở rộng phần thân cống ở hai bên để làm sàn đặt máy bơm đã góp phần đảm bảo cho giao thông thủy đi lại bình thường khi máy bơm không hoạt động. Đặc biệt, cầu giao thông được thiết kế gắn liền trên thân cống, ngoài thuận lợi trong giao thông bộ còn góp phần tiết kiệm kinh phí xây dựng khoảng 20% (khoảng 600 triệu đồng/trạm bơm điện) so với cách xây dựng cầu, trạm bơm riêng biệt. Như vậy, theo Đề án trạm bơm điện của tỉnh là cần đầu tư 227 trạm bơm, nếu thực hiện theo mô hình cải tiến này thì sẽ góp phần giảm nguồn kinh phí đầu tư không nhỏ cho tỉnh và địa phương. Tuy nhiên, trước khi có mô hình này thì các địa phương đã đầu tư được 123/227 trạm bơm điện theo đề án của tỉnh. Nhưng khi có mô hình cải tiến mang lại nhiều hiệu quả thì các địa phương trong tỉnh đang tập trung thực hiện theo cách làm trên. Hiện tại, đã có 10 trạm bơm điện cải tiến được đưa vào hoạt động và trước mắt đã tiết kiệm kinh phí khoảng 6 tỉ đồng.

Cùng với mô hình trên, Chi cục Thủy lợi tỉnh còn nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thực tế nhiều công trình cống nội đồng cải tiến với việc giảm chi phí đầu tư 750 triệu đồng/cống (theo cách làm cũ) còn 300 triệu đồng/cống (cách làm mới). Từ hiệu quả của hai mô hình trên, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm với ngành thủy lợi tỉnh. Bên cạnh đó, trong năm qua, Chi cục Thủy lợi tỉnh còn tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều công trình kè sinh thái chống sạt lở bờ sông; lắp đặt 3 công trình đo mặn tự động tại thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ, đồng thời tiếp tục xác định điểm để gắn thêm 5 thiết bị đo mặn tự động tiếp theo...

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết thêm: Ngoài những công việc liên quan đến đơn vị thì với vai trò tham mưu Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Ban chỉ huy tỉnh), trong năm qua, đơn vị cũng tham mưu đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai; đồng thời xây dựng trang điện tử của Ban chỉ huy tỉnh, cũng như thường xuyên cập nhật những thông tin về tình hình thời tiết để kịp thời thông báo cho các địa phương và người dân chủ động phòng, tránh hiệu quả khi có bão hay áp thấp nhiệt đới xuất hiện. Đến thời điểm này, đơn vị đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được UBND tỉnh và lãnh đạo Sở NN&PTNT giao trong năm. Đặc biệt là những đề tài khoa học về cống, trạm bơm điện cải tiến không chỉ làm giảm chi phí đầu tư, mà còn mang lại hiệu quả sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

TUẤN PHÁT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>