Kết nối yêu thương - Nhân đôi phát triển

31/12/2018 | 07:48 GMT+7

15 năm trước, người ta biết đến một Hậu Giang xa xôi, khó khăn; 15 năm sau, họ lại nhắc đến nhưng là một Hậu Giang đổi khác, nhiều thành tựu. Tuổi 15, Hậu Giang đầy sức sống ! Điều này xuất phát từ tổng hòa các yếu tố yêu thương, đoàn kết và sẵn sàng dựng xây tỉnh nhà ngày thêm giàu đẹp...

Thành phố Vị Thanh - trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang bừng sáng, hiện đại. Ảnh: LÝ ANH LAM

Nội bộ đoàn kết        

Thấu hiểu những gian khó ban đầu của một tỉnh mới nên công tác tư tưởng chính trị rất được chú trọng. Khi đã khai thông thì việc cống hiến trí lực, tài lực, vật lực phục vụ Nhân dân không còn là trở ngại.

Ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, đồng thuận với vấn đề trên và nhấn mạnh: “Trong 2 năm đầu thành lập, Đảng bộ, chính quyền xác định rõ phải khắc phục ngay khó khăn, bất cập ban đầu về tư tưởng, nhận thức và ổn định bộ máy tổ chức để hoạt động, phục vụ Nhân dân”.

 Trên nền tảng ấy, các khâu đột phá, trọng tâm được thực hiện. Trước tiên là xây mới 3.000 căn nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình chính sách, hộ nghèo; tập trung cho công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất…

Sau đó, Hậu Giang đầu tư cho giáo dục - đào tạo; đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển thương mại - dịch vụ; trải thảm đỏ thu hút đầu tư. Cuối cùng là xây dựng Khu hành chính Tỉnh ủy, UBND tỉnh…

“Chúng tôi tập trung thực hiện trước các khâu đột phá về kinh tế, xã hội, sau là xây dựng trụ sở làm việc là “lo trước cái lo của thiên hạ nhưng vui sau cái vui của thiên hạ”. Đó cũng là sự chăm lo cho phát triển bền vững, củng cố lòng tin, sự ủng hộ của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền tỉnh nhà”, ông Nguyễn Phong Quang nhớ lại.

Gần đây, khi thăm lại quê hương, ông Huỳnh Phong Tranh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, kể trong những năm đầu “ra ở riêng” làm việc, từ “quan” tới “lính” đều phải “ở nhà tạm, ngủ giường xếp, ăn cơm bếp tập thể”; tỉnh đứng trước nhiều thách thức về xuất phát điểm nền kinh tế thấp, mặt bằng dân trí chưa cao, trình độ khoa học - công nghệ lạc hậu, kết cấu hạ tầng yếu kém, thu hút đầu tư hạn chế…

“Rồi chúng tôi quan tâm nghiên cứu, lắng nghe, chọn những bước đi căn cơ về quy hoạch kinh tế - xã hội, chăm lo hộ chính sách, hộ nghèo gắn với phát triển nguồn nhân lực; vận dụng những quy định của Trung ương để huy động sức dân, thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó là tích cực rèn luyện tác phong, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với nhà đầu tư và Nhân dân”, ông Huỳnh Phong Tranh nói.

Kết quả là thế trận lòng dân vững chắc; một Hậu Giang ngày thêm rõ nét bởi các quyết sách đột phá, phát triển, hội nhập có tầm.

Từ một Hậu Giang độc đạo giờ kết nối liên thông; một tỉnh nghèo lắm khó khăn giờ khấm khá, nhiều lợi thế; một vùng trũng đồng bằng giờ sáng rõ rất đáng quan tâm học tập…

Yếu tố then chốt của sự tiến bộ, đi lên là nội bộ luôn phát huy tinh thần đoàn kết. “Những chủ trương, quyết sách lớn đều được bàn bạc kỹ lưỡng, dân chủ trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ. Khi đã thành quyết sách rồi thì nhanh chóng triển khai đến cấp ủy cấp dưới và chính quyền tổ chức thực hiện, song song với đó là vận động, thuyết phục Nhân dân hợp tác, ủng hộ và tích cực tham gia”, ông Nguyễn Phong Quang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Chiến Bình, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết: “Thuận lợi của đội ngũ cán bộ trẻ được bố trí giữ chức vụ trưởng đầu ngành khi mới thành lập tỉnh là quyết tâm làm - đây là ưu điểm lớn của tỉnh mới đang bộn bề khó khăn. Khi anh em giữ chức vụ cao thì phấn khởi, từ phấn khởi tạo ra khối đoàn kết thống nhất với nhau nên thường những công việc gì đã có nghị quyết rồi thì xúc tiến làm nhanh, làm tốt”.

Ghi dấu sự phát triển

Khó khăn của một tỉnh mới trên con đường phát triển được Hậu Giang… chuyển thành thách thức, cơ hội; chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên và cả hệ thống chính trị. Đây là tiền đề, là động lực, là sức mạnh, là thuận lợi để Hậu Giang “thay da đổi thịt” từng ngày.

Nông thôn ở Hậu Giang giờ rất đổi khác. Ảnh: LÝ ANH LAM

Có lẽ dấu ấn đầu tiên của vùng đất khó này ngày trước so ngày nay là những cung đường khai thông bế tắc gắn với các hạ tầng khác về kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ; một thành phố tỉnh lỵ với diện mạo bừng sáng, hiện đại.

Nếu Quốc lộ 61C phá thế độc đạo, kết nối và lan tỏa giao thương thì từng khu, cụm công nghiệp (Sông Hậu, Tân Phú Thạnh…) là nền tảng của kinh tế tri thức và hội nhập. Nếu thu nhập bình quân đầu người 5 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo 23% năm 2004 là những trăn trở, thì thu nhập bình quân đầu người hiện nay 38 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 7,13% là những cung bậc cảm xúc hân hoan và khẳng định bước phát triển bền vững.

Và nếu khi mới thành lập, Hậu Giang chưa có tới 3% trường đạt chuẩn quốc gia thì nay đạt 60%; năm 2004 chỉ có 3.340 cán bộ, công chức, viên chức trình độ đại học, chiếm 26% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, có 25 người có trình độ sau đại học, trong đó có 1 tiến sĩ thì nay đã có 11.288 cán bộ, công chức, viên chức trình độ đại học, chiếm 68% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 49 tiến sĩ và 696 thạc sĩ...

“Công nghiệp là điểm sáng trong phát triển kinh tế của toàn tỉnh, duy trì ổn định với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 12,64%. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 2010 đạt 66,8% chỉ tiêu Nghị quyết, trong đó ngành công nghiệp chế biến là trụ cột chiếm trên 90% tổng giá trị sản xuất công nghiệp”, ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin.

Song song đó là phát triển đô thị được tỉnh chú trọng đầu tư, đặc biệt là 3 nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ (năm 2004 có 1 đô thị thị xã Vị Thanh). Lĩnh vực thương mại - dịch vụ tiến triển khá tốt, nhất là mạng lưới mua sắm, dịch vụ vận chuyển; hệ thống các chợ được quan tâm cải tạo và xây mới… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 8,5%/năm.

Trong khi đó, về nông thôn, 27 xã nông thôn mới hiện nay so với không có xã nào năm 2004 cũng là một ấn tượng về sự bứt phát của những vùng quê Hậu Giang. Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đánh giá, 15 năm qua, từ một vùng nông thôn lạc hậu, diện mạo của tỉnh đã không ngừng thay đổi theo hướng đô thị, hiện đại, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân không ngừng phát triển.

Thành tựu 15 năm qua là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ; nội bộ thực sự dân chủ, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị; tính tiên phong, gương mẫu, sâu sát, quyết liệt và năng động của cán bộ, công chức, nhất là vai trò của người đứng đầu được thể hiện ngày càng cao, rõ nét. Trong thực hiện chủ trương, chính sách, việc làm đều vì lợi ích chung, vì Nhân dân và phát huy tốt nhất sức mạnh của Nhân dân. Đồng thời, có kế thừa, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm quý báu những nhiệm kỳ trước.

15 năm phát triển, đổi mới, phục vụ, hội nhập, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đúc kết: “Trong lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh luôn coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và nhu cầu dân sinh; tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc như giảm nghèo, việc làm, nhà ở cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc; chú trọng, chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội. Chúng tôi cũng làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá sát tình hình, kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu thực tế đời sống Nhân dân”.

* * *

15 năm xây dựng và phát triển, cấp ủy, chính quyền ở Hậu Giang ý thức được rằng, phải chú trọng lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng ngay trong mỗi bước đi; hiểu rõ, muốn lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng hiệu quả, thành công thì không chỉ là khẩu hiệu mà phải gắn chặt chẽ với tổ chức cuộc sống Nhân dân thật sự tiến bộ.

Chủ trương, bài học về “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt” được Hậu Giang áp dụng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp. Từ đó, nội bộ thêm gắn chặt, kinh tế tiến triển nhanh, để rồi trong từng nấc thang đi lên, yêu thương thêm kết nối - phát triển thêm nhân đôi; là một sự đồng điệu, hài hòa, trong xây dựng Đảng vững mạnh, phát triển kinh tế bền vững. 

Tỉnh Hậu Giang xác định con người và tổ chức bộ máy là yếu tố quyết định. Do đó, thời gian tới sẽ tập trung thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong lĩnh vực tổ chức cán bộ nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ bản lĩnh chính trị, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, ngoại ngữ, có tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.

 

TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>