Khởi sắc đầu năm

21/02/2018 | 08:49 GMT+7

Ngay từ đầu năm 2018, tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, từ đó mang lại nhiều dấu hiệu khởi sắc trên các lĩnh vực như giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ...

Vụ lúa Đông xuân năm nay cho thấy có nhiều dấu hiệu khởi sắc về giá cả lẫn năng suất.

Điểm nổi bật ngay tháng đầu năm là giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện được 2.689 tỉ đồng, tăng 38% so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng được ngành chức năng cho rằng là do doanh nghiệp hoạt động nhiều ngày hơn so với năm trước, do Tết Nguyên đán năm 2018 nghỉ ít hơn so với năm 2017 và do chính sách của Nhà nước khuyến khích “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn phát huy hiệu quả. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở cá thể công nghiệp và doanh nghiệp tăng sản lượng sản xuất các mặt hàng tiêu thụ nội địa để phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Mậu Tuất năm 2018.

Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ngay tháng đầu tiên của năm mới cũng tăng 3,7% so với tháng trước, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Năm nay, Tết Nguyên đán vào giữa tháng 2-2018 nên muộn hơn so với thời điểm năm 2017 khoảng một tháng. Theo Sở Công thương Hậu Giang, lượng hàng hóa phục vụ tết năm nay trên địa bàn tỉnh khá dồi dào, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và đảm bảo về chất lượng, giá cả nhờ có các hệ thống bán lẻ uy tín luôn đưa ra các chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng, kích thích tiêu dùng của người dân trong tỉnh và khách hàng từ các vùng giáp ranh lân cận. Điểm đáng ghi nhận ngay đầu năm nay là kim ngạch xuất nhập khẩu thực hiện đạt 77,118 triệu USD, tăng 71,8% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu trực tiếp đạt 52,391 triệu USD, tăng 67,3% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 19,599 triệu USD, giảm 20,7% so tháng trước, tăng 152,3% so cùng kỳ.

Đối với vụ lúa Đông xuân 2017-2018, nông dân toàn tỉnh cũng đã xuống giống được 74.250ha, đạt 95,6% kế hoạch. Hiện tại, nông dân đã thu hoạch được hơn 500ha lúa Đông xuân sớm, năng suất được 6,27 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy. Diện tích lúa còn lại đa phần từ làm đòng đến trổ. Ông Nguyễn Trung Kiên, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cho biết: “Dù lúa mới gieo sạ khoảng 50 ngày tuổi nhưng cho thấy có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Khi trà lúa năm nay phát triển khá tốt, ít sâu bệnh, đặc biệt giá lúa thời điểm này khá cao so với mọi năm. Riêng giống lúa chất lượng cao OM 5451 mà tôi và nhiều nông dân vùng này đang gieo sạ cũng được các thương lái ngỏ ý đặt tiền cọc với giá hơn 6.000 đồng/kg nên khả năng vụ này lợi nhuận khá”.

Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết hiện nay phần lớn diện tích lúa ở giai đoạn làm đòng đến trổ, vì vậy bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng nhằm sớm phát hiện các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp quản lý kịp thời, không để lây lan sang diện rộng. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”. Không áp dụng biện pháp phun ngừa rầy nâu và các loại sâu hại khác đối với trà lúa dưới 40 ngày sau sạ để bảo vệ thiên địch, giúp cân bằng hệ sinh thái nhằm khống chế mật số sâu, rầy ở giai đoạn sau cho ruộng lúa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết trong năm 2018 này, ngành sẽ tiếp tục phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất. Tiếp tục mở rộng diện tích cánh đồng lớn trên mỗi vụ sản xuất. Vận động liên kết, thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và các tổ hợp tác trong cánh đồng lớn. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh; Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa tình trạng cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, sản xuất nông sản sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và chế biến, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với thị trường, các mô hình liên kết trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị; khuyến khích mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng tập trung an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tập trung công tác quản lý giống vật nuôi, quản lý chặt chẽ việc tái đàn, kiểm soát yếu tố giống, cải tiến nhằm nâng cao chất lượng con giống, hiệu quả chăn nuôi.

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cho rằng trước mắt tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thu hoạch lúa Đông xuân thắng lợi. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình, chủ động dự báo, hướng dẫn phòng trừ các loại dịch bệnh trên động, thực vật để phòng trị kịp thời, hiệu quả. Quan tâm tiến độ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các xã dự kiến công nhận năm 2018; đẩy nhanh Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây, cũng như tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng, chất lượng vật tư nông nghiệp. Ngoài ra, tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá; chủ động nắm bắt thị trường, làm tốt công tác quản lý địa bàn. Chú trọng kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại, đặc biệt trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Quan tâm công tác thu thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định, trong đó tập trung thu hồi nợ đọng thuế; tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, kê khai và nộp thuế qua mạng; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc chấp hành quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất, tín dụng. Chủ động theo dõi tình hình lưu chuyển tiền tệ trên địa bàn để thực hiện tốt công tác điều hòa tiền mặt, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế...

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>