Kinh tế tăng trưởng tốt

21/06/2018 | 11:43 GMT+7

Trong 6 tháng đầu năm, với sự nỗ lực của tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng.

Lúa trúng mùa, được giá đã góp phần nâng tốc độ tăng trưởng của Hậu Giang.

Theo UBND tỉnh, sau 2 năm tăng trưởng kinh tế bị chậm lại do ảnh hưởng của thiên tai thì nay kinh tế của tỉnh đã phục hồi, tăng trưởng kinh tế đạt 6,95%, cao hơn kế hoạch đề ra là 6,8%, đặc biệt khu vực I có mức tăng ấn tượng với 3,19% và khu vực II tăng 11,89% đều cao hơn kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá tích cực, GRDP bình quân đầu người đạt 34,18 triệu đồng, tăng trên 12,7% so với cùng kỳ; đời sống Nhân dân được cải thiện, nhất là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt trên 27 triệu đồng/người/năm.

Nhiều gam màu sáng

Trên lĩnh vực nông nghiệp đã đạt kết quả khá toàn diện, sản xuất nông nghiệp của người dân trúng mùa, trúng giá, góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững. Tái cơ cấu trong nông nghiệp bước đầu phát huy hiệu quả; tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả kém sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Công tác thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp, chất lượng nông sản và vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản được thực hiện thường xuyên, liên tục, từ đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Việc thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị được triển khai tích cực, từ đó sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái đã có chuyển biến tốt.

Đối với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được các địa phương tập trung thực hiện theo kế hoạch. Số lượng dự án thu hút đầu tư tăng; phát triển doanh nghiệp chuyển biến khá, quy mô nguồn vốn của doanh nghiệp tăng dần, cho thấy môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện; giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ. Đầu tư công tiếp tục được tái cơ cấu, nợ đọng xây dựng cơ bản được kéo giảm theo lộ trình. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được đặc biệt quan tâm và đạt những kết quả tốt hơn năm trước.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, bên cạnh những mặt đạt được thì tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn một số vấn đề tồn tại và khó khăn như Đề án về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thực hiện còn chậm, do gặp khó khăn về nguồn vốn tín dụng. Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI giảm so với năm trước, sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ còn rất thấp. Việc thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp ngoài tỉnh, các doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế, chưa có hình thức phù hợp để mời gọi đầu tư hiệu quả vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Một số công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn chậm tiến độ, trong đó có một số công trình thiếu vốn. Công tác giải phóng mặt bằng từng lúc còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư công. Việc thu hút các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp nhiều khó khăn, do không có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc triển khai dự án của nhà đầu tư. Một số đơn vị, địa phương chưa nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Một số dự án triển khai chậm tiến độ kéo dài, do các nhà đầu tư không có năng lực thực hiện dự án. Chất lượng nguồn nhân lực yếu, từng lúc chưa đáp ứng tốt theo nhu cầu của doanh nghiệp, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng kết quả vẫn còn hạn chế.

Đối với công tác đầu tư xây dựng chợ tuy đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư vào các chợ vùng sâu, vùng xa do chính sách ưu đãi chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư. Tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, kinh doanh trái phép ngày càng xuất hiện nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp; vấn đề vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn diễn ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tập trung thực hiện  nhiều giải pháp

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng xác định sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, kế hoạch của tỉnh và Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thủy sản theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị đối với lúa gạo, trái cây và thủy sản. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng nông thủy sản hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của những sản phẩm chủ lực trong tỉnh; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nhằm tiết giảm chi phí; rà soát điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp để nâng cao thu nhập của nông dân. Tập trung chỉ đạo các chương trình, đề án, dự án trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng giống, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tập trung huy động nhiều nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, cánh đồng lớn, khuyến khích kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống lụt bão, sạt lở, xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Nhất là chủ động giải quyết nhanh thủ tục liên quan đến dự án của các nhà đầu tư đã có phê duyệt chủ trương. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư phát triển chợ; tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, liên kết hợp tác, tận dụng cơ hội thuận lợi, tranh thủ sự giúp đỡ đầu tư từ các nguồn vốn ODA, NGO, FDI để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; đẩy mạnh xã hội hóa để có đủ nguồn lực thực hiện các dự án giao thông, xây dựng khu dân cư đô thị, nước sạch, điện nông thôn, xử lý rác, nhà ở cho người nghèo.

Tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ các kế hoạch điều chỉnh, bổ sung vốn. Hạn chế việc phát sinh danh mục mới ngoài kế hoạch phân bổ. Chủ động kêu gọi thu hút các nguồn vốn đầu tư vào ngành, địa bàn mình quản lý để giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, công tác thanh toán khối lượng hoàn thành và chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn.

Thực hiện tốt công tác thu, chi ngân sách nhà nước, tập trung khai thác hiệu quả các nguồn thu; tăng cường các biện pháp chống thất thu thuế, tập trung thu dứt điểm các khoản nợ thuế. Nâng cao công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế theo hướng đổi mới về nội dung và đa dạng về hình thức; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ các dự án có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn. Quản lý chặt chẽ chi ngân sách địa phương, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA; thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công và các quy định về quản lý vốn đầu tư, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách theo đúng dự toán phân bổ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không bổ sung các đề án, chương trình, ban hành các chính sách mới hoặc nâng định mức làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa xác định được nguồn đảm bảo...

HOÀI THU lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>