Ký kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ dưa hấu và một số nông sản khác

18/04/2018 | 16:12 GMT+7

Sáng ngày 17-4, tại Quảng Ngãi, Bộ Công thương phối hợp UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị “Kết nối tiêu thụ dưa hấu và một số nông sản có thế mạnh tại Quảng Ngãi”.

Nông dân thu hoạch dưa hấu. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tham dự có đại diện Bộ Công thương, Sở Công thương các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Lào Cai, đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi, sự có mặt của hơn 50 nhà kinh doanh xuất nhập khẩu, thương mại Trung Quốc.

Năm 2017, sản lượng dưa hấu cả nước đạt khoảng 1,5 triệu tấn, chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong nước (chiếm khoảng 80%), xuất khẩu khoảng 20%. Trong đó, thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 85%-90% tổng sản lượng dưa hấu xuất khẩu, chủ yếu xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn.

Năm 2018, trong vụ dưa đầu tại Quảng Ngãi, diện tích dưa hấu là 855ha, tăng gần 300ha so với năm 2017. Việc trồng dưa hấu tự phát, tiềm ẩn rủi ro bởi phần lớn xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch vào Trung Quốc.

Một trong các nguyên nhân được các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu Trung Quốc nhận thấy là vấn đề lịch thời vụ sản xuất, như: tại Trung Quốc, dưa hấu được trồng từ tháng 12 đến tháng 4 là thu hoạch. Như vậy, dưa hấu Trung Quốc sẽ thu hoạch cùng thời điểm với dưa hấu tại Quảng Ngãi nên việc tiêu thụ dưa hấu tại Quảng Ngãi sẽ gặp khó khăn.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương, cho biết: “Qua khảo sát, việc trồng và tiêu thụ dưa hấu tại Quảng Ngãi vẫn còn khó khăn, do quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ, chủ yếu theo hộ nông dân nhỏ lẻ, phân tán nên hoạt động nông sản thường diễn ra tự phát và theo phong trào. Khi có tín hiệu thu mua của các thương lái nước ngoài do dự thiếu hụt nguồn cung tạm thời của thị trường, các hộ nông dân liền mở rộng quy mô sản xuất tràn lan khiến nguồn cung nội địa vượt nhu cầu thị trường, tạo sức ép lên giá trong nước, gây nhiều khó khăn và áp lực cho vấn đề tiêu thụ dưa hấu”.

Đại diện tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương đề xuất giải pháp, Lạng Sơn là một trong các tuyến cửa khẩu quan trọng, trong thời gian đến dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu qua tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng. Do vậy, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đầu tư đường giao thông, cơ sở hạ tầng đảm bảo xuất nhập khẩu, tiếp tục tăng cường mối quan hệ tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để thúc đẩy xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, các tỉnh trên địa bàn cả nước cần thực hiện các chỉ đạo về quy trình đảm bảo xuất nhập khẩu, đồng thời, các doanh nghiệp hai bên cần triển khai các quy định trong mua bán, ký kết hợp đồng.

Hội nghị kết nối tiêu thụ dưa hấu và một số nông sản có thế mạnh tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Đại diện đoàn doanh nghiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đề nghị hai bên Việt Nam - Trung Quốc duy trì mối quan hệ qua lại, thường xuyên trao đổi trao đổi thông tin giữa các hiệp hội.

Đại diện Thương hội xuất nhập khẩu hoa quả Trung Quốc (Bằng Tường) - ASEAN cho biết, nhu cầu nhập khẩu hoa quả của Trung Quốc rất lớn, chỉ riêng lượng hoa quả nhập khẩu qua cửa khẩu thành phố Bằng Tường đã chiếm gần 50% tổng lượng nhập khẩu hoa quả của Trung Quốc. Hiện Thương hội đang triển khai mô hình kinh doanh trực tiếp bao gồm tiêu thụ qua website kết hợp với hình thức truyền thống. Từ đó, các doanh nghiệp, hội thương mại của Việt Nam có thể nghiên cứu triển khai hoạt động xuất nhập khẩu phù hợp.

Từ ngày 1-4-2018, phía Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc hoa quả xuất khẩu từ Việt Nam. Tại Hội nghị, Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh nông sản trong quá trình sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng quy trình sản xuất nông sản an toàn, đảm bảo sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của các đối tác.

Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo Bộ Công thương, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chứng kiến Sở Công thương các tỉnh ký thỏa thuận hợp tác tiêu thụ dưa hấu và một số nông sản khác với đại diện phía Trung Quốc. Ngoài ra, tại hội nghị, các tổ chức cá nhân sản xuất, chế biến dưa hấu và một số nông sản khác cũng đã ký kết hợp tác với nhà phân phối.

Theo NGUYỄN TRANG/SGGP

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>