Kỳ vọng hạ tầng vùng VnSAT

31/10/2017 | 08:11 GMT+7

Cùng với nhiều kết quả khả quan sau các lớp tập huấn về mô hình canh tác lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” được Ban Quản lý dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh thực hiện gần 2 năm qua thì nông dân trồng lúa trong vùng dự án VnSAT của tỉnh còn đang đặt nhiều kỳ vọng với những công trình về cơ sở hạ tầng tại một số hợp tác xã (HTX) chuẩn bị đầu tư trong thời gian tới. 

Tới đây, nhiều HTX trong vùng dự án VnSAT của tỉnh sẽ được hỗ trợ kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa trước và sau thu hoạch lúa.

Đáp ứng nhu cầu thực tế

Hợp tác xã Nông nghiệp Vị Thắng, ở ấp 11, xã Vị Thắng, là một trong 4 HTX được Ban Quản lý VnSAT Trung ương và phía nhà tài trợ là Ngân hàng Thế giới đồng ý hỗ trợ kinh phí để đầu tư về cơ sở hạ tầng, trước mắt là xây dựng trạm bơm điện vào cuối năm nay. Chia sẻ niềm vui trước thông tin này, ông Trần Văn Thêm, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Vị Thắng, cho biết: “Trước tình hình biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán, mưa bão bất thường như hiện nay đã gây thiếu nước và ngập liên tục làm cho việc sản xuất lúa của bà con không ổn định. Do đó, việc có trạm bơm nước, cống kết hợp để chủ động trữ nước nhằm phục vụ tưới tiêu khi sản xuất sẽ giúp việc canh tác lúa được bền vững. Đồng thời, kết hợp cây trồng cạn ngắn ngày các loại là nhu cầu rất cần thiết hiện nay của xã viên và bà con ngoài HTX nơi đây”.

Hiện tại, diện tích lúa thuộc HTX Nông nghiệp Vị Thắng là 200ha, thuộc địa bàn ấp 9 và ấp 11, nhưng chỉ có một trạm bơm nên đang trong tình trạng quá tải. Ngoài ra, còn có 160ha đất sản xuất lúa của bà con ở khu vực này thuộc tuyến kênh Ông Chơn giáp với kênh Sáu Đèo hiện nông dân phải tự bơm nước tưới tiêu bằng máy dầu hoặc xăng trên diện tích nhỏ lẻ và không đồng loạt khiến việc chủ động nước trong sản xuất còn hạn chế, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc áp dụng các quy trình sản xuất lúa bền vững theo hướng tiên tiến như dự án VnSAT đang triển khai. Như vậy tới đây, khi được xây dựng mới cống, trạm bơm điện và kết hợp với cống hở hiện hữu của HTX sẽ góp phần phục vụ sản xuất lúa không chỉ cho người dân ở xã Vị Thắng mà còn ở ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, được tốt hơn, với tổng diện tích khoảng 360ha. Dự kiến, tổng mức đầu tư trong xây dựng cống và trạm bơm điện lần này tại HTX Nông nghiệp Vị Thắng là 4,7 tỉ đồng.

Giống niềm vui như HTX Nông nghiệp Vị Thắng, cuối năm nay, HTX Nông nghiệp Danh Tiến, ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, cũng được hỗ trợ kinh phí 10,8 tỉ đồng để nâng cấp 2 cống hở thành 2 cống gắn trạm bơm điện ở kênh Ba Phong, kênh Ngang và xây dựng 1km tuyến lộ giao thông cặp kênh Long Mỹ 2, diện tích phục vụ sản xuất cho 380ha đất trồng lúa của HTX và bà con bên ngoài ở ấp 7 và ấp 8; đồng thời làm một nhà kho, một hạ tầng lò sấy lúa và một thiết bị sấy lúa. Tuy nhiên, để có nhà kho, một hạ tầng lò sấy lúa và một thiết bị sấy lúa phục vụ xã viên và bà con bên ngoài thì tới đây ông Trần Hoàng Nho, Giám đốc HTX Nông nghiệp Danh Tiến phải phá bỏ ngôi nhà tường kiên cố hiện hữu của gia đình mình và xây mới sang vị trí kế bên để nhường chỗ cho dự án trên.

Ông Nho bộc bạch: “Khi thấy được nhu cầu thực tế của bà con xã viên là cần phải có lò sấy lúa, đồng thời cộng với sự hỗ trợ tích cực của Ban Quản lý dự án VnSAT Trung ương, tỉnh và phía nhà tài trợ nên gia đình tôi đã bàn bạc kỹ lưỡng và đi đến quyết định trên. Mong rằng, sau khi các công trình trên được triển khai và đưa vào hoạt động sẽ góp phần đắc lực giúp nông dân trong và ngoài HTX có tiếng nói hơn trên thị trường mua bán khi sản phẩm của mình làm ra đảm bảo chất lượng, trong đó có gia đình tôi”.

 Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh, cho biết: Chúng tôi xác định, ngoài nâng cao kiến thức canh tác lúa theo hướng giảm giá thành, thân thiện với môi trường cho nông dân vùng VnSAT của tỉnh thì việc hỗ trợ để hoàn thiện về cơ sở hạ tầng tại các tổ chức nông dân (TCND) hoặc HTX là rất cần thiết. Đặc biệt là hệ thống nhà kho và lò sấy lúa sẽ được hỗ trợ đầu tiên cho HTX Nông nghiệp Danh Tiến tới đây được phía nhà tài trợ xem là một trong những mục tiêu trọng tâm mà dự án muốn hướng đến nhằm đảm bảo chất lượng hạt lúa sau thu hoạch, cũng như bảo vệ lợi ích cho người nông dân để không bị thương lái ép giá mỗi khi mùa thu hoạch đến.

Cùng với 2 HTX trên thì 2 HTX còn lại trong tổng số 4 HTX đầu tiên trong vùng dự án VnSAT của tỉnh được hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng là HTX Thuận Lợi, ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ cũng sẽ làm 3 cống, 1 cây cầu, trạm bơm điện và 1 máy cấy, với tổng kinh phí hơn 6,8 tỉ đồng. Đối với HTX Nông nghiệp 26/3, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cũng được hỗ trợ kinh phí gần 5,8 tỉ đồng để xây dựng 2 cống và trạm bơm điện, 1 máy cày và 1 máy cấy.

Mang lại lợi ích xã hội

Theo Ban Quản lý dự án VnSAT Trung ương, ngoài chuyển giao khoa học kỹ thuật, những TCND hoặc HTX trong vùng dự án VnSAT sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển. Cụ thể, hỗ trợ các TCND tổ chức nhân giống xác nhận, đầu tư máy móc thiết bị thu hoạch, chế biến và công nghệ sau thu hoạch để giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường; hỗ trợ cho TCND phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: đường nội đồng, đường điện, trạm bơm, kênh nội đồng… để tối đa hóa hiệu quả hệ thống sản xuất của TCND; hỗ trợ luân canh cây trồng và tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp. Từ việc hỗ trợ trên sẽ góp phần mang lại nhiều lợi ích về mặt xã hội.

Điển hình, khi hệ thống trạm bơm được hoàn chỉnh sẽ giúp các HTX chủ động trong hợp đồng sản xuất với các doanh nghiệp theo đơn đặt hàng, chủ động trong chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp phục vụ cho sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, phân hữu cơ bón cho ruộng… Mặt khác, giúp các HTX có doanh thu ổn định, tiền đề cho phát triển được đa ngành nghề và đa dịch vụ. Riêng bà con nông dân sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí và nhẹ công trong sản xuất. Đặc biệt, giúp UBND tỉnh và các ngành chức năng giải được bài toán trong liên kết tiêu thụ giữa các TCND tiên tiến với các doanh nghiệp nông nghiệp, từ đó cải thiện tình hình tiêu thụ và phát triển thị trường lúa gạo chất lượng cao thông qua các hợp đồng nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Với nhiều lợi ích mang lại cho xã hội như thế nên các địa phương trong vùng dự án VnSAT ở ĐBSCL đều mong muốn hướng đến. Tuy nhiên, để được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thì còn kèm theo nhiều điều kiện và tiêu chí được Ban Quản lý VnSAT Trung ương và phía nhà tài trợ xây dựng để làm cơ sở phê duyệt. Cụ thể, quy mô của HTX khi được xem xét hỗ trợ phải thể hiện sự quyết tâm phát triển trung bình đạt từ 500-1.000ha/HTX. Về tiêu chí đánh giá trình độ sản xuất của nông dân theo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” là lượng giống gieo sạ phải giảm xuống và đạt 80-100kg/ha (trên 100kg/ha là không đạt); lượng phân đạm sử dụng dưới 130kg/ha; phun thuốc trừ sâu không quá 4 lần/vụ, có ghi chép sổ nhật ký. Còn tiêu chí đánh giá trình độ sản xuất theo kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” là lượng giống gieo sạ 80-100kg/ha, lượng phân đạm sử dụng dưới 120kg/ha, phun thuốc sâu dưới 4 lần/vụ, có quản lý nước tiết kiệm; áp dụng cơ giới thu hoạch, sau thu hoạch và ghi chép sổ nhật ký sản xuất đầy đủ.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh, cho biết thêm: Đối với tiêu chí đánh giá về trình độ sản xuất của nông dân theo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” thì không đáng ngại, do Hậu Giang thực hiện vấn đề này khá tốt trong thời gian qua khi dự án VnSAT chưa triển khai và khi có VnSAT thì làm theo quy trình chuyên sâu hơn. Hiện chỉ lo về quy mô sản xuất tại mỗi TCND là trên 500ha, vì hiện trên địa bàn tỉnh không có nhiều HTX đạt diện tích này. Thế nhưng, với sự quyết tâm của Ban Quản lý VnSAT tỉnh cùng toàn ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và những hiệu quả tích cực bước đầu mang lại sau gần 2 năm triển khai VnSAT trên địa bàn tỉnh, tin rằng người dân sau khi nhận thấy sẽ mạnh dạn đăng ký tham gia vào các HTX nhiều hơn trong thời gian tới, góp phần nâng diện tích đất sản xuất lúa tại các HTX… 

Sẽ có hai mức độ hỗ trợ cho TCND hoặc HTX để đầu tư cơ sở hạ tầng: Thứ nhất, đối với hàng hóa và thiết bị cho TCND, dự án sẽ hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí, HTX hoặc UBND tỉnh (nếu có) đối ứng 70%; thứ hai, đối với cơ sở hạ tầng chung cho TCND, dự án sẽ hỗ trợ 80%, HTX hoặc UBND tỉnh (nếu có) đối ứng 20%. Tuy nhiên, tất cả các khoản hỗ trợ cho một TCND sẽ không vượt quá 400.000 USD cho quy mô từ 500-1.000 hộ nông dân trồng lúa (trung bình 400 USD cho 1 hộ nông dân).

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>