Lai tạo giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu: Nỗ lực và thách thức

25/05/2018 | 08:00 GMT+7

Bài 3: Tìm hướng đi phù hợp

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn đang tồn tại trong việc nhân rộng nguồn giống lúa mới chất lượng cao, hiện ngành chức năng, doanh nghiệp và người dân đề ra nhiều giải pháp trọng tâm.

Từ dự án VnSAT, thời gian tới sẽ có nhiều HTX sản xuất giống được hỗ trợ về kỹ thuật, trang thiết bị nhằm giúp HTX ngày càng lớn mạnh.

Gợi mở những giải pháp thiết thực

Để giải quyết tốt vấn đề làm sao khi sản phẩm làm ra phải có nơi để bán thì nhiều lãnh đạo HTX sản xuất lúa giống và nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh cho rằng Viện lúa ĐBSCL (viện lúa) hay Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cần nghiên cứu thị trường và liên kết hoặc cho HTX liên kết với doanh nghiệp trước khi nhân rộng một loại giống lúa mới. “Khi nhân rộng giống lúa mới thì tôi nghĩ phải có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu về đầu ra lúa hàng hóa sau này, cũng như có mức giá hợp lý cho nông dân thì bà con sẽ mạnh dạn sản xuất hơn”, ông Trương Phú Quốc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Thuận Tiến, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, chia sẻ.

Cũng theo ý kiến của nhiều nông dân trồng lúa, để có sự tham gia của doanh nghiệp, sau khi trồng thực nghiệm và xác định giống lúa mới có tiềm năng thì thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm với những đối tác. Khi việc chào hàng được thị trường chấp nhận sẽ tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu ban đầu với diện tích đủ cung cấp theo đơn đặt hàng, sau đó dần mở rộng khi thu lại những kết quả khả quan. Việc làm này sẽ giúp người dân sản xuất tập trung cùng một loại giống, tránh làm nhiều giống lúa trên cùng cánh đồng rồi dẫn đến những trở ngại trong sản xuất và tiêu thụ. Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho biết: Trước đề xuất của người dân, tới đây đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam để giới thiệu việc viện lúa đang trồng khảo nghiệm giống lúa gì, chất lượng thế nào nhằm tư vấn cho thị trường. Khi đó, sẽ giúp cho các doanh nghiệp đỡ tốn thời gian tiếp thị và chi phí, qua đây sẽ giải quyết tốt bài toán làm giống lúa mới sợ không có nơi tiêu thụ.

Ngoài giải pháp tìm đầu ra cho hạt lúa hiệu quả thì tới đây nhiều HTX sản xuất lúa giống trên địa bàn tỉnh đề ra kế hoạch là sẽ phối hợp với Viện lúa ĐBSCL để có nguồn giống siêu nguyên chủng ban đầu, đồng thời cũng mong muốn viện lúa hỗ trợ tư vấn về đặc tính từng loại giống. Từ đó, các đơn vị HTX sẽ sản xuất ra nguồn giống lúa chất lượng, qua đây dần xây dựng uy tín cho nơi sản xuất lúa giống của Hậu Giang với nông dân trong và ngoài tỉnh; đồng thời từng bước xây dựng HTX cung ứng giống lúa đủ lớn mạnh. Đặc biệt, trung tâm giống của tỉnh sẽ thực hiện việc lai tạo giống lúa ở tầm cao hơn là sử dụng biện pháp nuôi cấy mô. Trong đó, sẽ cố gắng tạo ra từ 1-2 giống lúa mang thương hiệu Hậu Giang nhằm chấm dứt tình trạng hiện nay là tỉnh ta chưa có giống lúa nào thật sự mang đặc trưng riêng của tỉnh và yếu tố quan tâm đầu tiên là những giống lúa này phải chịu được nồng độ mặn từ 4-5‰, đồng thời có tính năng kháng dịch hại tốt trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng giống lúa tại nhiều vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh thì ngoài yếu tố chịu mặn tốt, tới đây Viện lúa ĐBSCL và trung tâm giống của tỉnh sẽ tạo ra giống lúa có thời gian sinh trưởng khác nhau, trong đó giống ngắn ngày sẽ dành cho vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm, còn giống dài ngày thì phù hợp cho vùng 2 vụ lúa/năm. Nhưng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh là chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm (Đông xuân và Hè thu), đồng thời kết hợp với làm một vụ màu. Bởi canh tác vụ 3 (Thu đông) thường không có lợi nhuận vì sản xuất trong điều kiện mưa dầm, nước lũ, dịch hại xuất hiện nhiều và đây cũng là nguy cơ dịch bệnh dễ lây lan sang vụ lúa chính trong năm.

Trần Văn Huynh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hai Huynh, ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, cho hay: “Tới đây, bà con xã viên HTX dự tính sẽ sản xuất 2 vụ lúa/năm nhằm có thời gian cách ly mầm bệnh và cho đất nghỉ ngơi để canh tác vụ sau đạt hiệu quả hơn do giảm nhiều chi phí trong sản xuất, nhất là phân bón. Do đó, những giống lúa mới vừa được Viện lúa ĐBSCL trồng khảo nghiệm tại trung tâm giống là rất phù hợp. Vấn đề HTX mong muốn là thị trường sẽ chấp nhận thì HTX sẽ trồng với diện tích lớn nhằm thay đổi cơ cấu về một loại giống được canh tác trong thời gian dài”.

Thực hiện đạt chỉ tiêu nghị quyết

Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh, diện tích lúa gieo trồng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh vẫn khoảng 200.000ha/năm, trong đó vùng lúa chất lượng cao khoảng 32.000ha theo tiêu chí cánh đồng lớn. Hiện tại, diện tích sử dụng giống lúa cấp xác nhận do địa phương cung ứng chiếm khoảng 30%, tương đương khoảng 60.000ha. Nhiệm vụ đến năm 2020 sẽ đáp ứng 70% nhu cầu giống lúa còn lại, tương đương khoảng 140.000ha với nhu cầu lúa giống cấp xác nhận 14.000 tấn/năm. Do vậy, để đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 có tỷ lệ hộ trồng lúa sử dụng giống xác nhận đạt trên 70% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh (2016-2020) trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì sẽ cần khoảng 9.800 tấn lúa giống cấp xác nhận/năm.

Từ mục tiêu đề ra, giải pháp trước mắt là hiện ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương tiến hành đo đạc, cắm mốc và thực hiện chính sách hỗ trợ, di dời cho các hộ dân tại 2 khu đất sản xuất tự túc ở Nông trường Huyện ủy, Huyện đoàn thuộc xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A để đầu tư, mở mới diện tích gieo trồng khoảng 40ha giống lúa siêu nguyên chủng. Theo đó, sẽ giao cho trung tâm giống của tỉnh phụ trách để sản xuất nhằm cung cấp khoảng 200 tấn giống lúa nguyên chủng/năm cho các đơn vị nhân giống lúa cấp xác nhận phục vụ hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện mô hình hợp tác, liên kết sản xuất lúa gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh với quy mô khoảng 12.000ha trong các cánh đồng lớn thuộc 3 dự án cánh đồng lớn được UBND tỉnh phê duyệt.

Tới đây, sẽ nhiều giống lúa có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm thích ứng với từng vùng sản xuất trong tỉnh.

Ngoài ra, nhằm nâng tỷ lệ hộ trồng lúa sử dụng giống xác nhận thì ngành nông nghiệp tỉnh từ các hoạt động khuyến nông - khuyến ngư sẽ kết hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình trình diễn giống mới. Qua đây, từng bước thay đổi tư duy về sử dụng giống trong sản xuất nông nghiệp, lấy chất lượng giống làm nền tảng và thị trường tiêu thụ làm định hướng mục tiêu sản xuất. Song song đó, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan sẽ tập trung tổ chức hội nghị, hội thảo giao lưu giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cung ứng giống với nông dân, HTX để nhanh chóng giới thiệu các giống mới, giống chất lượng cao đến nông dân và khuyến khích nông dân sử dụng giống có nguồn gốc, nhãn hiệu hàng hóa.

Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Ngoài những giải pháp trên, tới đây đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh và các viện, trường, đơn vị liên quan để triển khai các đề tài nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất thử nghiệm và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa giống lúa mới chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh trên cơ sở kế thừa, phát huy kết quả đề tài “Nghiên cứu đăng ký nhãn hiệu hàng hóa giống lúa Hậu Giang 2 cho tỉnh Hậu Giang” của Viện lúa ĐBSCL. Đồng thời, xem xét hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi có liên quan nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất giống lúa trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, tranh thủ các nguồn vốn ODA từ dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) đang thực hiện trên địa bàn tỉnh để xây dựng Phòng kiểm nghiệm giống cây trồng, nhất là giống lúa đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT tại thành phố Vị Thanh. Từ nhiều giải pháp trọng tâm trên, việc nhân rộng các giống lúa mới chất lượng cao tới đây được thuận lợi hơn, trong đó phấn đấu tạo ra từ 1-2 giống mang thương hiệu riêng của tỉnh và nhất là hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết của tỉnh có liên quan đến giống lúa đã đề ra…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

 

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>