Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo: Vấn đề cấp thiết

12/10/2017 | 08:23 GMT+7

ĐBSCL được xem là vựa lúa của cả nước, chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu nhưng người trồng lúa chưa thể làm giàu. Trong khi khâu liên kết lúa gạo thiếu chặt chẽ dẫn đến nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung; đặc biệt vai trò của các HTX tham gia chuỗi liên kết còn mờ nhạt.

Bài 1: Thực trạng sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL

Theo các nhà khoa học, sản xuất lúa của nông dân ĐBSCL vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL còn nhiều khâu trung gian và phụ thuộc rất lớn vào thương lái, đại lý vật tư nông nghiệp và chịu tác động rất lớn bởi yếu tố rủi ro do thiên tai, biến động của giá cả thị trường  trong nước và thế giới.

Do sản xuất lúa gạo qua quá nhiều khâu trung gian nên người trồng lúa ít có lợi nhuận.

Qua nhiều khâu trung gian

Theo số liệu thống kê cho thấy, hộ nông dân có diện tích trồng lúa dưới 2ha đang chiếm khoảng 86% trên tổng số hộ trồng lúa ở ĐBSCL. Trong khi nhiều hộ thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, phải thuê mướn máy móc, áp dụng cơ giới hóa chưa đồng bộ nên năng suất không cao và đặc biệt là phải bán lúa thông qua các “cò lúa” dẫn đến giảm nguồn thu nhập. 

Chính sự hưởng lợi của khâu trung gian và việc thiếu vắng tiếng nói của nông dân trong quá trình hoạch định, ban hành chính sách liên quan là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong cải thiện chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay. Thời gian qua, thương lái giữ vai trò chi phối, kết nối từ nông dân trồng lúa đến các tác nhân như nhà máy xay xát, lau bóng gạo hay doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu lương thực. Một nghiên cứu cho thấy có đến 93% lúa gạo được thu gom bởi các thương lái. Sau đó, thương lái sẽ bán đứt khoảng 13% lúa cho các nhà máy xay xát; 69% được xay xát rồi bán cho các nhà máy lau bóng xuất khẩu; 11% số lúa được thương lái bán cho các nhà bán buôn, bán lẻ trong nước sau khi đã được xay xát.

Một điều nữa là phần lớn bà con nông dân không để ý phân biệt thành phần hóa học trong sản phẩm, thường chọn mua sản phẩm theo giới thiệu của các chủ đại lý vật tư nông nghiệp hoặc sản phẩm được quảng cáo. Cùng với sự lệ thuộc về tín dụng như mua chịu giống, vật tư, phân bón trước, trả sau khi thu hoạch lúa, chịu lãi suất cao khiến nhiều nông dân phụ thuộc rất lớn vào đại lý vật tư nông nghiệp. Trong khi các đại lý thường có xu hướng tăng doanh số, khuyến khích nông dân sử dụng nhiều vật tư nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm có chiết khấu hoa hồng cao. Điều đó dẫn đến sự “méo mó” của tác nhân chuỗi giá trị lúa gạo, đồng thời đang dẫn dắt nông dân trồng lúa chạy theo số lượng, không đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Trong khi nhà máy xay xát lúa gạo ở ĐBSCL vừa gia công xay xát thuê, vừa trực tiếp cung ứng gạo cho tiêu thụ nội địa và cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Chỉ có một số nhỏ các nhà máy xay xát, lau bóng thu mua lúa nguyên liệu trực tiếp từ nông dân và phần lớn họ có mối quan hệ chặt chẽ với mạng lưới thương lái. Các thương lái thu gom lúa rồi bán cho nhà máy xay xát hoặc để xay xát ra gạo lức rồi bán cho công ty và bán cho nhà máy lau bóng. Theo Sở Công thương Hậu Giang, trong hơn 200 cơ sở xay xát trong tỉnh, hầu như các cơ sở này chỉ đáp ứng yêu cầu cung ứng gạo. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa tham gia liên kết, hợp tác với nông dân xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu nhằm nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, dẫn đến nghịch lý là nông dân trồng giống lúa chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của thị trường gạo cấp cao nhưng chất lượng gạo xuất khẩu lại thấp do doanh nghiệp thu gom từ nhiều nguồn khác nhau.

Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên Chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng: Các đơn vị hội viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) như Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và các doanh nghiệp thành viên của 2 doanh nghiệp nhà nước chủ lực trong ngành lương thực này ở cấp địa phương là những tác nhân chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu gạo Việt nhiều năm liền. Ngành xuất khẩu gạo Việt Nam (ĐBSCL chiếm hơn 90%) đã có tập trung đầu mối và tập trung thị trường rất cao, vừa thể hiện mặt tích cực, nhưng cũng bộc lộ những khiếm khuyết. Phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa có liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới; chủ yếu tự mình tìm kiếm khách hàng, đặt giá, xây dựng thương hiệu. Một số doanh nghiệp có đầu tư sản xuất gạo hữu cơ, bước đầu quan tâm xây dựng thương hiệu và một số sản phẩm sau gạo rất đáng ghi nhận, cần được khuyến khích. Tuy nhiên, nhìn chung các nhà xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam vẫn chưa có sự liên minh, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở các nước khác để đạt được thế mặc cả cao hơn trên thị trường.

Tìm hướng đi riêng

Đối với Hậu Giang là một tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Hàng năm, có khoảng 207.000ha đất sản xuất lúa, năng suất trung bình khoảng 6,2 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 1,2 triệu tấn. Việc sản xuất lúa được thực hiện 3 vụ/năm là Đông xuân, Hè thu và Thu đông. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết: Tỉnh đã xây dựng các mô hình canh tác bền vững, đạt hiệu quả cao, đã nâng cao chất lượng và giá trị nông sản lúa gạo như xây dựng cánh đồng lớn - hợp tác công tư, mô hình VietGAP, các chương trình, dự án sản xuất như mô hình IPM trên cây lúa, sản xuất lúa hữu cơ, các nghiên cứu đồng ruộng. Tạo điều kiện tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo, hình thành tổ chức kinh tế hợp tác đại diện cho nhiều nông dân thực hiện hợp đồng kinh tế có tính pháp lý và bền vững. Bên cạnh các mô hình canh tác bền vững, tỉnh còn đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch. Ngoài ra, còn thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân trồng lúa mang tính tập trung hơn để giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo, cải thiện thu nhập và đời sống cho người nông dân trồng lúa, góp phần đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.

Còn tỉnh An Giang cũng xác định sản xuất lúa gạo là 1 trong 3 ngành hàng chủ lực của tỉnh theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030. Diện tích gieo trồng lúa của tỉnh đến năm 2016 là 669.011ha, đạt sản lượng 3,97 triệu tấn. Để ngành hàng lúa gạo An Giang phát triển bền vững theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị, tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp chính liên quan đến thị trường, thu hút đầu tư trong nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường và tăng thu nhập người nông dân. Thực hiện rà soát quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao gắn kết chuỗi liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Xây dựng liên kết cánh đồng lớn gắn kết sản xuất với thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo giúp hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gạo, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm lúa gạo hàng hóa trên thị trường.

Riêng tỉnh Vĩnh Long, cây lúa vẫn được khẳng định là cây trồng chủ lực của tỉnh, song sẽ điều chỉnh giảm diện tích chuyên canh 2-3 vụ lúa để thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ - đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu lúa thơm đặc sản, lúa chất lượng cao đạt 70-80% diện tích canh tác, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Mở rộng diện tích cánh đồng lớn, đến năm 2020 xây dựng được liên kết sản xuất - tiêu thụ theo mô hình cánh đồng lớn cho 25.000ha đất canh tác lúa. Nâng năng suất lúa bình quân lên 6,29 tấn/ha để đạt sản lượng 930.000-950.000 tấn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Có một điều phải khẳng định là nông nghiệp ĐBSCL vừa qua còn rất nhiều điều bất cập từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chuỗi giá trị chưa cao, hoạt động khó kiểm soát; khoa học công nghệ, chế biến sâu, tổ chức thị trường… chưa tốt. Mặc dù nông nghiệp đang đối mặt với những thách thức lớn, song khẳng định đây vẫn là vùng có tiềm năng phát triển trở thành vùng nông nghiệp giàu có của đất nước, của khu vực và hội nhập thế giới nếu biết khai thác tốt lợi thế so sánh cũng như liên kết để phát triển.

Hiện nay, các địa phương đang nỗ lực để nâng cao giá trị hạt gạo cho người trồng lúa, nhưng vấn đề quan trọng là khâu liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp mới là mấu chốt để giải bài toán đầu ra cho hạt gạo. Vì thực tế cho thấy khâu liên kết thời gian qua chưa thật sự chặt chẽ.

ĐBSCL có diện tích tự nhiên gần 4 triệu héc-ta. Là vùng đồng bằng rộng lớn có điều kiện thiên nhiên ưu đãi, phù hợp với phát triển sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, ĐBSCL đóng góp khoảng 27% GDP của cả nước, sản xuất 54% sản lượng lương thực, cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu. Chính vì thế lúa gạo ở ĐBSCL đã trở thành ngành hàng có ưu thế rất lớn.

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

------------

Bài 2: Liên kết lỏng lẻo

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>