Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo: Vấn đề cấp thiết

13/10/2017 | 08:25 GMT+7

Bài 2: Liên kết lỏng lẻo

Thời gian qua, việc liên kết sản xuất lúa gạo với doanh nghiệp gần như chỉ thực hiện ở cánh đồng lớn, còn liên kết với hộ sản xuất riêng lẻ rất ít. Đặc biệt là khâu liên kết vừa qua cũng chưa chặt chẽ dẫn đến nhiều trường hợp “bẻ kèo” nhưng chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.

Hậu Giang đang nỗ lực mở rộng cánh đồng lớn gắn kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho hạt lúa.

Khó liên kết hộ

Chính diện tích canh tác nhỏ, manh mún, nằm trong sự quản lý của quá nhiều hộ nông dân, tinh thần liên kết hợp tác không cao cho nên khả năng liên kết hộ nông dân trong quá trình sản xuất cũng như xây dựng cánh đồng lớn gặp nhiều khó khăn và trở ngại. Trong khi trình độ sản xuất của nông dân chưa đồng đều, một số ít nông dân còn bảo thủ, sản xuất theo kinh nghiệm, chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đã ảnh hưởng lớn đến khả năng liên kết hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn. Ngoài ra, lòng tin của nông dân khi tham gia liên kết hộ nông dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hay tham gia mô hình cánh đồng mẫu bị giảm bởi không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Tâm lý ỷ lại, đòi hỏi chính sách từ Nhà nước của nông dân khi tham gia mô hình đã ảnh hưởng không tốt đến việc vận động các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc tuân thủ hợp đồng của nông dân cũng như doanh nghiệp thời gian qua chưa nghiêm túc. Tình trạng phá vỡ hợp đồng thường xảy ra khi giá thị trường cao thì nông dân không bán lúa cho công ty và ngược lại làm cho sự liên kết sản xuất và tiêu thụ bị ảnh hưởng và giảm sự tin tưởng giữa người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mâu thuẫn trong thực hiện hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp xảy ra, chính quyền địa phương chưa có biện pháp hữu hiệu giải quyết.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, nông dân làm lúa hiện nay rất muốn có doanh nghiệp đến bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra. Nhưng thời gian qua, sau khi hợp đồng xong thì có không ít đơn vị đưa lúa giống kém chất lượng đến nông dân, hoặc buộc nông dân sử dụng phân bón của doanh nghiệp. Khi thu hoạch, giá lúa trên thị trường cao hơn giá hợp đồng thì doanh nghiệp không điều chỉnh kịp thời, thậm chí kéo dài thời gian thu hoạch làm giảm năng suất, chất lượng lúa nên rất thiệt thòi cho người dân, từ đó có nhiều hộ bán ra bên ngoài, không tuân thủ hợp đồng đã ký kết. Vì khi tham gia hợp đồng, nông dân phải làm theo giống đặt hàng của công ty và quy trình cũng chặt chẽ hơn, nếu không tìm được tiếng nói chung thì người dân rất khó thực hiện.

Ông Phan Công Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Bình, có trụ sở ở tỉnh Long An nhưng nhiều năm qua tham gia xây dựng cánh đồng lớn ở Hậu Giang cho rằng, qua hợp tác ở nhiều nơi cho thấy tư duy của người trồng lúa chưa cao, chưa nghiêm túc trong thực hiện hợp đồng sau khi ký kết. Uy tín của ban quản trị với thành viên HTX chưa cao, chính quyền địa phương chưa cùng với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn khi gặp vướng mắc. Một khi doanh nghiệp chấp nhận đầu tư vùng nguyên liệu thì đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài, nếu thực hiện hợp đồng thấp thì sản lượng không đáp ứng nhu cầu đối tác, từ đó làm mất uy tín của doanh nghiệp. Qua làm việc ở nhiều nơi cho thấy, vai trò của hệ thống chính trị ở địa phương sẽ quyết định rất lớn đến sự thành công trong liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Chưa mở rộng được cánh đồng lớn

Qua số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho thấy, năm 2014 toàn tỉnh đã triển khai cánh đồng lớn được 4.453ha và năm 2015 triển khai khoảng 5.205ha. Vụ Hè thu năm 2017 toàn tỉnh thực hiện cánh đồng lớn với diện tích 3.081ha, trong đó cánh đồng lớn của tỉnh thực hiện là 1.194ha/1.120 hộ tập trung tại huyện Châu Thành A, Vị Thủy và thị xã Long Mỹ; cánh đồng lớn của huyện thực hiện là 1.887ha/1.956 hộ tập trung tại huyện Phụng Hiệp. Mặc dù đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhưng diện tích cánh đồng lớn so với diện tích canh tác lúa của Hậu Giang vẫn còn quá nhỏ, tỷ lệ tham gia tăng lên chậm, chỉ chiếm 3,96% tổng diện tích lúa vụ Hè thu năm 2017 của tỉnh. Từ đó cho thấy thực trạng liên kết sản xuất lúa giữa nông dân với nông dân trong tỉnh còn rất khiêm tốn, chưa phát huy được hết vai trò của liên kết sản xuất nâng cao giá trị hàng hóa của sản phẩm lúa gạo làm ra.

Ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, cho hay: Huyện có 16.500ha đất sản xuất lúa, trước đây một năm nông dân làm từ 1-2 vụ lúa, nhưng gần đây có vùng sản xuất 2 năm đến 7 vụ lúa. Vấn đề này là không ổn đối với nghề trồng lúa vì làm cho đất kiệt quệ, dịch bệnh lưu truyền trên đồng lây lan dẫn đến chi phí đầu tư cao nhưng năng suất lúa thấp, người trồng lúa không có nhiều lợi nhuận. Định hướng của huyện Vị Thủy tới đây là sản xuất ăn chắc từ 3 vụ xuống còn 2 vụ/năm kết hợp với trồng màu, nuôi thủy sản.

Theo ông Vui, sau nhiều năm thực hiện cánh đồng lớn mà diện tích sản xuất không tăng là do thiếu “người nhạc trưởng” cầm chịch để giải quyết khó khăn. Vấn đề này tới đây lãnh đạo huyện sẽ tham gia sâu vào giải quyết khi doanh nghiệp và nông dân gặp vướng mắc, để thực hiện cánh đồng lớn đạt hiệu quả. Riêng đối với doanh nghiệp, muốn xuất khẩu gạo phải bắt buộc có vùng nguyên liệu, đầu tư giống, khoa học kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo quy trình để đảm bảo chất lượng hạt gạo và nâng cao giá trị.

Mặc dù vậy, công tác tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo những năm qua cũng gặp không ít thách thức và khó khăn, khi cánh đồng mẫu lớn bước sang giai đoạn thứ hai dựa trên quy mô liên kết để trở thành cánh đồng lớn và định hình vùng nguyên liệu sản xuất ổn định nhiều năm tiến tới giai đoạn thứ ba là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Tiến sĩ Đoàn Mạnh Tường, Viện lúa ĐBSCL cho rằng, so với diện tích canh tác lúa của ĐBSCL thì diện tích triển khai cánh đồng lớn vẫn còn quá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 3,4% tổng diện tích canh tác lúa của năm 2014 và chiếm khoảng 5,9% tổng diện tích canh tác lúa năm 2015 và chiếm 6,35% tổng diện tích (1.644.964ha) lúa vụ Hè thu năm 2017. Số liệu trên cho thấy thực trạng liên kết sản xuất lúa giữa nông dân với nông dân còn rất khiêm tốn, chưa phát huy được hết vai trò của liên kết sản xuất nâng cao giá trị hàng hóa của sản phẩm lúa gạo làm ra.

Theo tiến sĩ Tường, thực trạng liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp cũng nằm trong tình trạng chung như liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân trong xây dựng cánh đồng lớn. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cũng bắt đầu tham gia liên kết với nông dân, tuy nhiên sự tham gia sâu trong liên kết của các công ty là chưa nhiều. Nếu như năm 2013, diện tích lúa được bao tiêu sản phẩm chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng diện tích canh tác lúa và chiếm khoảng 17% diện tích cánh đồng lớn. Đến vụ Hè thu năm 2017, diện tích lúa được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho toàn vùng chỉ có 3,45% trên tổng diện tích lúa và chiếm 54,32% diện tích cánh đồng lớn. Từ thực trạng trên cho thấy liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL vẫn là một mối liên kết yếu, đặc biệt chưa thể hiện được nhiều trong mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa nông dân và doanh nghiệp.

Theo các nhà khoa học và chuyên gia về lúa gạo, sở dĩ thời gian qua khâu liên kết chưa chặt chẽ là thiếu các đầu mối. Vì vậy, muốn liên kết chặt chẽ hơn giữa nông dân và doanh nghiệp trong ngành hàng lúa gạo thì vấn đề quan trọng là phải vực dậy vai trò của các HTX trồng lúa.

Thực hiện có hiệu quả liên kết 4 nhà

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Hậu Giang có một nền sản xuất nông nghiệp phong phú, vì vậy phải tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp, thủy sản quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng tổ chức lại sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, thực hiện có hiệu quả liên kết 4 nhà; đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp...”.

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

Bài 3: Vai trò hợp tác xã chưa được phát huy

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>