Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo: Vấn đề cấp thiết

16/10/2017 | 08:19 GMT+7

Bài 3: Vai trò hợp tác xã chưa được phát huy

Toàn vùng ĐBSCL có cả ngàn HTX nông nghiệp, quy tụ một lượng lớn hộ nông dân trồng lúa, nếu liên kết bài bản thì đầu ra hạt lúa sẽ thuận lợi. Tuy nhiên, khâu hợp tác thời gian qua cũng còn nhiều trở ngại.

Sản xuất lúa theo mô hình liên kết ở HTX Nông nghiệp và Nhân giống khu vực 4, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Cán bộ quản lý mờ nhạt

Ông Trần Văn Cứng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang, cho hay: An Giang đang phát triển mô hình liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa lúa gạo thông qua HTX nông nghiệp liên kết với các công ty, doanh nghiệp. Giai đoạn 2011-2016, mỗi năm trung bình có 15-20 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa gạo với nông dân thông qua các HTX và tổ hợp tác. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động hiện nay của HTX do các cán bộ của công ty, doanh nghiệp cử sang để tham gia quản lý, điều hành. Vai trò của cán bộ quản lý HTX chủ yếu xuất thân từ nông dân nên rất mờ nhạt. Phần lớn các HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, ít tài sản, nang lực quản lý, điều hành, khả năng đàm phán của lãnh đạo HTX nông nghiệp còn hạn chế. Trong quá trình hợp tác, chưa thỏa thuận được giá thu mua giữa doanh nghiệp với nông dân cũng còn là trở ngại lớn.

Đối với tỉnh Kiên Giang có 218 HTX sản xuất lúa, với tổng diện tích 35.722,486ha. Những năm qua nông dân nói chung và thành viên HTX sản xuất lúa nói riêng, hàng năm luôn gặp phải khó khăn do tình trạng được mùa mất giá và được giá thì mất mùa. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ thu mua lúa tại kho và thu mua chủ yếu thông qua các thương lái. Do đó, nông dân hay bị thương lái ép giá, kéo dài ngày mới cắt hoặc kéo dài thời gian thanh toán, thậm chí có nông dân bị quỵt tiền bán lúa. Từ năm 2015 đến nay, để có được vùng nguyên liệu xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp đã trực tiếp xuống ký hợp đồng mua lúa với từng hộ nông dân. Do doanh nghiệp không ký hợp đồng với HTX nên tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân thường xảy ra, do giá lúa không ổn định hoặc do thương lái đưa giá ảo lên để phá giá và cạnh tranh không lành mạnh, gây mất ổn định tại địa phương. 

Tại Hậu Giang, cung có hơn 100 HTX nông nghiệp, trong đó có chừng một nửa số lượng HTX chuyên về trồng lúa nhưng diện tích được ký hợp đồng với doanh nghiệp cũng rất khiêm tốn. Tính chung diện tích sản xuất lúa cả năm của Hậu Giang khoảng 207.000ha thì diện tích có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp chưa tới 10%. Ông Hà Minh Triều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Trung, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, cho biết: “Mặc dù HTX làm rất bài bản nhưng cũng không thể gom hết lượng lúa theo hợp đồng với các thành viên, nhất là tất cả diện tích trong cánh đồng lớn. Qua nhiều năm hợp đồng tiêu thụ lúa giữa nông dân với doanh nghiệp thường gặp trục trặc chủ yếu là ve giá”.

Tăng tính tiên phong cho HTX

Theo các ngành chức năng, việc thực hiện khâu tiêu thụ trong chuỗi liên kết lúa gạo thời gian qua gặp không ít khó khăn do thành viên HTX đã quen sản xuất lúa theo phương thức thông thường, khi sản xuất theo chuỗi phải canh tác theo quy trình nên ngán ngại. Cũng có tình trạng thành viên sợ không đảm bảo năng suất do phải sử dụng giống lúa mới và vật tư nông nghiệp mới, lạ theo yêu cầu của doanh nghiệp; hoặc thành viên sợ bị doanh nghiệp “bẻ kèo” nên chưa tích cực tham gia. Mặt khác, cán bộ quản lý HTX đa số là những người lớn tuổi và trình độ, năng lực hạn chế nên chưa đủ khả năng để thực hiện được các khâu trong chuỗi liên kết.

Để xây dựng được chuỗi liên kết trong các HTX sản xuất lúa, thời gian qua Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa Liên minh Hợp tác xã tỉnh với các sở, ban, ngành liên quan và địa phương trong công tác quản lý và định hướng phát triển HTX trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện tốt công tác tư vấn trong quản lý điều hành, hỗ trợ các HTX từng bước để thực hiện được chuỗi liên kết. Từ đầu năm đến nay, Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ được 104 HTX sản xuất lúa, với tổng diện tích 24.783ha tham gia vào chuỗi liên kết. Trong đó, có 9 HTX có doanh nghiệp xin gia nhập làm thành viên, góp vốn điều lệ và tham gia vào hội đồng quản trị, làm chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc HTX.

Ông Lê Trung Kiên, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã cử cán bộ về phụ trách ở các địa phương để củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của HTX nhằm tăng tính tiên phong cho HTX, trong đó có việc hỗ trợ HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị lúa gạo. Ngoài ra, còn vận động doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để HTX được doanh nghiệp đầu tư vốn, lúa giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn quy trình sản xuất lúa an toàn, tiếp cận được trình độ quản lý doanh nghiệp, được doanh nghiep định hướng cho HTX trong việc sản xuất kinh doanh, thành viên HTX an tâm được ổn định đầu ra, vì khi gieo sạ đã biết nơi bán được lúa, biết được lợi nhuận. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi là có được vùng nguyên liệu ổn định, có chỉ dẫn địa lý sẽ thuận lợi hơn trong việc cạnh tranh trên thị trường gạo quốc tế.

Ông Lê Minh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam, Trưởng cơ quan Thường trực phía Nam, cho rằng: Liên minh HTX Việt Nam đã chủ động lập đề án Xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa nhằm hỗ trợ HTX từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững. Mục tiêu của đề án nhằm củng cố, xây dựng mô hình và phát huy vai trò của HTX trong chuỗi liên kết sản xuất bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tăng cường mức độ liên kết của hộ cá thể, tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX trong chuỗi giá trị nhằm giúp HTX hoạt động và phát triển bền vững, mang lại lợi ích cao nhất cho thành viên. Tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm và khả năng tiếp cận thị trường của các HTX, liên hiệp HTX...

Để khắc phục tình trạng liên kết lỏng lẻo, các nhà quản lý cho rằng vấn đề đặt ra là phải có giải pháp căn cơ để phát triển lúa gạo bền vững cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới. Cách làm này nhằm từng bước đưa sản phẩm nông sản chủ lực của vùng nâng cao chất lượng, giá trị.

Lấy thị trường làm định hướng mục tiêu

PGS. TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Điều hiển nhiên là các HTX trồng lúa phải thay đổi định hướng sản xuất lúa gạo chất lượng cao trong tương lai. Thực tế cho thấy sản xuất lua của nông dân không theo một kế hoạch, quy hoạch nào, ít chú trọng chế biến, hay bán sản phẩm thô giá trị thấp, ít chú trọng marketing, thiếu nghiên cứu cho thị trường đầu ra trước khi sản xuất nên khi sản phẩm làm ra khong biết bán ở đâu, bị ép giá. Trong bối cảnh cạnh tranh của hội nhập WTO, TTP, sản xuất nông nghiệp của nông dân cần thay đổi chiến lược và theo tiến trình “ngược lại”: Bắt đầu từ thị trường, nghiên cứu cho thị trường để nắm chắc thị trường đầu ra trước khi sản xuất. Chú trọng chế biến nâng cao giá trị sản phẩm; tổ chức sản xuất có kế hoạch, đáp ứng theo nhu cầu thị trường...

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

-----------

Bài 4: Tìm lời giải cho bài toán lúa gạo

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích