Lội đồng cùng nông dân tìm sinh kế !

21/11/2017 | 09:17 GMT+7

Lâu nay, Hậu Giang được xem là vùng đất trũng nhất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chính vì vậy, khi nước lũ bắt đầu giảm ở thượng nguồn thì đó chính là lúc nước lũ tràn và ngâm đồng kéo dài ở nhiều địa phương của tỉnh. Cuối tháng 10 và đầu tháng 11-2017, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cùng với nhiều lãnh đạo sở, ngành tiếp tục nhiều chuyến thị sát để nắm bắt sinh kế của người dân vùng mùa nước nổi. Trong đó, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, được xem là vùng đất khó, tiếp giáp với Kiên Giang, Bạc Liêu thường xuyên chịu những tác động nặng do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra.

Mô hình trồng sen mùa nước nổi đã giúp nhiều nông dân xã Hòa Mỹ có thu nhập ổn định.

Cụ thể, người dân nơi đây đã thành lập một câu lạc bộ lúa - tôm trên diện tích 35ha gồm 18 thành viên. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh nhận định: Việc người dân vùng giáp mặn, chuyển đổi mô hình từ độc canh cây lúa sang lúa - tôm là hướng tích cực tạo sinh kế ổn định. Các cán bộ khoa học phải tận tâm duy trì sự phát triển các mô hình sản xuất trên. UBND huyện Long Mỹ, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh, triển khai ngay phòng thí nghiệm để nghiên cứu khoa học về đất, nước, điều kiện sinh tồn các loài thủy sản nhằm mục đích giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Ông Trần Công Chánh nhấn mạnh: “Chúng ta không cầu toàn, không triển khai ồ ạt các mô hình mà phải thực hiện có hiệu quả cao nhất trên từng mô hình để nâng cao cuộc sống, thu nhập cho người dân. Các ngành chức năng và lãnh đạo huyện phải chăm bồi, tăng cường năng lực thích ứng của hệ thống sản xuất của nông dân thay vì cố gắng để chống lại BĐKH; nắm bắt các cơ hội phát triển lớn của vùng trong điều kiện BĐKH, sẵn sàng đối phó với những tình huống BĐKH cực đoan xấu nhất”.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng đến thăm mô hình nuôi trâu của nông dân Nguyễn Hồng Ngự, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa. Do có kinh nghiệm chăn nuôi nên người dân ở Lương Nghĩa vẫn duy trì và phát triển đàn trâu nhằm tận dụng các phụ phẩm sẵn có trong nông nghiệp để chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ. Đến nay, tổng đàn trâu trên địa bàn xã Lương Nghĩa là 376 con. Riêng lão nông Nguyễn Hồng Ngự đã phát triển đàn lên đến 120 con. Từ việc nuôi trâu phục vụ cày kéo, đến nay bà con đã chuyển sang mô hình nuôi trâu sinh sản, trâu thịt và chuyển từ nuôi chăn thả sang mô hình nuôi nhốt tập trung để dễ quản lý và chăm sóc. Nhiều người dân đã đạt thu nhập mức 1 tỉ đồng nhờ nuôi trâu. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh gợi ý: Ngành nông nghiệp nghiên cứu quy mô, định hướng phát triển cho phù hợp. Trên cơ sở đó, giúp tận dụng sức kéo vào nông nghiệp ở những nơi cơ giới hóa chưa tiếp cận được.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng đi khảo sát thực tế sản xuất mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá, trồng mãng cầu xiêm và nuôi vịt trời… ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp. Đây là xã vùng trũng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của tỉnh Hậu Giang. Hòa Mỹ là vùng đất trũng thấp, mùa nước nổi bị ngập sâu. Đời sống người dân trong xã còn nhiều hộ nghèo, đường giao thông cách trở, nhiều khu vực người dân sinh sống còn lệ thuộc vào đường thủy. Tỷ lệ nông dân làm vườn chỉ chiếm 11-12% phần lớn vẫn còn trồng lúa. Điều đáng ghi nhận là nhiều người dân đã thu nhập từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng nhờ trồng mãng cầu xiêm. Người dân ở Hòa Mỹ đã linh động tận dụng trồng sen kết hợp thả nuôi cá mùa nước nổi cho thu nhập ổn định. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh đã yêu cầu: Ngành nông nghiệp của địa phương phải có trách nhiệm giám sát chuyện bao tiêu đầu ra ổn định cho nông dân trồng mãng cầu xiêm. Xây dựng hệ thống thủy lợi gắn với đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái. Trồng sen kết hợp nuôi cá là sự sáng tạo của người dân. Các ngành suy nghĩ gì về trách nhiệm của mình trước sự chuyển đổi của người dân. Ông Trần Công Chánh “nhắc khéo” ngành nông nghiệp: Tại sao lâu nay chưa nghiên cứu đề tài về mô hình “thủy canh” gắn với sinh kế người dân mùa nước nổi !?

“Đây là một thiếu sót của ngành nông nghiệp, chúng tôi rất cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã gợi ý. Sau chuyến đi này, ngành nông nghiệp sẽ kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai đề tài nghiên cứu về mô hình sản xuất thủy canh. Giúp nông dân tìm sinh kế trong mùa nước nổi”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang nhìn nhận !

Bài, ảnh: VĨNH TƯỜNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>