Lợi ích cho nhà nông và người tiêu dùng

19/08/2019 | 06:49 GMT+7

Hiện nay, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đòi hỏi nông dân phải sản xuất theo mô hình GAP, ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc trên một số sản phẩm nông nghiệp khi đưa ra tiêu thụ.

Nông dân, thành viên HTX Tiến Nông, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cơ bản thành thạo các bước thực hiện phần mềm Kipus.

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh đã phối hợp với Công ty KIAG (Đức) triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus nhằm giúp các HTX trên địa bàn tỉnh nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường và xuất khẩu. Để triển khai phần mềm này, trước tiên trung tâm đã tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ, nhân viên của đơn vị để trở thành hạt nhân nòng cốt trong công tác hướng dẫn, hỗ trợ người dân. Nhân viên Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh Lê Thụy Ngọc Phượng chia sẻ: “Chúng tôi là đơn vị chính được vinh dự nhận chuyển giao nên cố gắng vận dụng những kiến thức đã được công ty truyền đạt để giúp người dân. Bởi phần mềm không chỉ giúp nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, phù hợp xu thế hiện đại, mà còn giúp cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp địa phương một cách dễ dàng, hiện đại hơn”.

Tiếp theo đó, trung tâm đã tổ chức tập huấn trực tiếp tại nhiều hợp tác xã đang sản xuất theo tiêu chuẩn nông sản sạch của tỉnh. Bước đầu, phần mềm đã nhận được sự đồng tình của các thành viên, nông dân trong HTX. Ông Trần Văn Phúc, HTX Tiến Nông, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho hay: “Bước đầu tiếp nhận phần mềm ứng dụng này chúng tôi cũng rất ngán ngại vì tuổi cao, kiến thức về tin học hạn chế. Nhưng sau khi được các cán bộ cầm tay chỉ việc nên tôi đã cơ bản nắm được, vận dụng thông thạo. Hy vọng khi áp dụng phần mềm này thì nông sản của chúng tôi sẽ được bảo hộ, người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp tin tưởng hơn về chất lượng, nguồn gốc”.

Ông Võ Văn Chưng, Giám đốc HTX Thuận Phát, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, cũng trực tiếp tham gia lớp tập huấn phần mềm Kipus, bởi ông tin tưởng vào giá trị, hiệu quả ứng dụng của công nghệ mới. Ông Chưng bày tỏ: “Hợp tác xã đã sản xuất dưa lưới theo chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhiều năm qua. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn chưa được doanh nghiệp đánh giá cao, đôi khi bị cào bằng nên giá bán sản phẩm không đạt như mong muốn. Tôi tham gia thực hành ứng dụng phần mềm Kipus để tiếp tục khẳng định giá trị của nông sản mà HTX làm ra, nâng cao hơn nữa chất lượng nông sản để nông dân, thành viên HTX được nâng cao thu nhập”.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh, nhận định: Qua tập huấn, đa số các thành viên HTX, nông dân cơ bản nắm vững cách thức tham gia và các bước của phần mềm. Bà con đã nhập được một số dữ liệu về bản đồ nông trại, diện tích; một số khâu canh tác, chăm sóc vườn cây được cập nhật hàng ngày. Hiện nay, đã có nhiều nông sản của tỉnh như bưởi da xanh, khóm Cầu Đúc, mãng cầu xiêm, dưa lưới… áp dụng thành công phần mềm, có tem truy xuất nguồn gốc. Việc áp dụng phần mềm Kipus giúp người sản xuất quản lý được quá trình sản xuất của mình, nắm đầu vào, đầu ra, giúp minh bạch hóa, truy nguyên sản phẩm khi có yêu cầu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp khó khăn là số cơ sở tham gia mô hình còn ít, nông dân đa phần lớn tuổi, chưa rành sử dụng điện thoại thông minh...

Cũng theo bà Kiều, bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin của các cơ sở vào phần mềm còn sai sót và chưa kịp thời. Việ áp dụng phần mềm Kipus đòi hỏi người sản xuất phải có kiến thức trong ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm việc cập nhật thông tin vào phần mềm kịp thời, tránh sai sót. Do đó, để việc áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc có hiệu quả và được nhân rộng trong thời gian tới, Trung tâm đề nghị các địa phương, các ngành liên quan cần xem xét có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho các HTX tham gia trình diễn mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đây sẽ là nơi giúp nông dân trực tiếp quan sát để về áp dụng dễ dàng hơn.

Kipus là phần mềm được thiết kế để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, xuất bán ra thị trường… Qua đó, Kipus tổng hợp các báo cáo số liệu giúp cho người nông dân tiết kiệm được thời gian, cung cấp dữ liệu hoàn chỉnh, chính xác và đáng tin cậy cho khách hàng cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Các dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ phần mềm tuân thủ tất cả các yêu cầu của người mua giúp họ hiểu rõ về sản phẩm và an tâm khi sử dụng. Việc truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch trong chuỗi sản xuất thông qua phần mềm Kipus sẽ giúp cho giá trị sản phẩm được nâng cao trên thị trường và xuất khẩu.

 

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>