Mạch sống

14/02/2018 | 07:09 GMT+7

Con đường Nam Sông Hậu mang tầm chiến lược trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang. Dọc theo con đường ấy, hình hài công nghiệp ngày một phát triển, dần hình thành nên “một cơ thể cường tráng”, khiến người ta tin vào mạch sống mới đang dâng trào.

Bốc xếp hàng hóa tại cầu cảng của Công ty Vinalines Hậu Giang.

Tiếng còi rú lên ba hồi liên tục, báo hiệu tàu SAM 1 chở hơn 2.000 tấn máy móc, thiết bị phục vụ quá trình xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 cập cảng Vinalines Hậu Giang. Dưới cái nắng chói chang, từng tốp người vận hành máy kéo dây buộc tàu. Hàng chục sợi dây căng thẳng băng tựa như chiếc cầu thang bắc dọc bến cảng in xuống dòng sông Hậu đỏ nặng phù sa. Trên cầu cảng, những chiếc xe tải lần lượt nhích vào lấp đầy khoảng trống giữa các cần cẩu. Từ chỗ này, hàng hóa tỏa về các ngã khu công nghiệp. Đây là chuyến hàng mà thương cảng đầu tiên của tỉnh nhận thực hiện bốc xếp, vận chuyển. Trong suy nghĩ của nhiều người, đó sẽ là bước ngoặt đột phá cho mảnh đất Hậu Giang nghĩa tình và cũng đáp ứng thêm một tiêu chí nhà đầu tư hằng mong đợi.

Ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty Vinalines Hậu Giang, hào hứng kể: “Mới hoạt động mấy tháng nhưng công ty đã có hơn 30 đối tác chiến lược. Đợt rồi đoàn công tác Cảng Phnom Penh Autonomous của Campuchia đã đến tham quan cảng Vinalines Hậu Giang. Hai bên đã cùng thảo luận thống nhất hợp tác toàn diện trong công tác khai thác cảng biển cung cấp các dịch vụ bốc xếp, vận chuyển đáp ứng nhu cầu của các chủ hàng, chủ tàu. Đặc biệt, khai thác tuyến vận chuyển quá cảnh các loại hàng hóa tạm nhập, tái xuất từ Việt Nam sang cung cấp cho thị trường Campuchia”.

Qua lời kể, tôi cảm nhận được niềm vui từ ánh mắt vị doanh nhân đất Hậu này. Bởi trải qua bao thăng trầm chèo lái doanh nghiệp, Vinalines Hậu Giang đã có những bước khởi đầu mới thuận lợi, nhất là công ty đã chuyển sang quá trình tái cơ cấu đầu tư và phát triển. 

Toàn cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra vào ngày 27-9.

Hôm Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 lắp đặt máy biến điện đầu tiên ở tổ máy số 1, chỉ là một buổi lễ nho nhỏ nhưng anh em phóng viên hào hứng tiếp tục “vai balo, tay máy ảnh” kéo nhau ra công trường. Nếu phát điện vào năm 2019, nhà máy sẽ bổ sung nguồn điện tại chỗ quý giá cho tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long ngay bối cảnh cả vùng đứng trước nguy cơ thiếu điện. Dẫn chúng tôi ra tận thực địa, anh Nghiêm Đức Dương, Phó ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1, cho rằng sợ nhất là chậm thời điểm vận hành như cam kết. Cho nên, cả ban quản lý lẫn tổng thầu cân nhắc từng hạng mục sao cho kịp tiến độ. Cả vùng ĐBSCL đang trông chờ vào nhà máy này, thế nên áp lực anh em làm việc vô cùng căng thẳng, tất cả phải chạy đua với thời gian.

Rồi khi nhà máy nhiệt điện vào hoạt động sẽ còn thêm một nỗi lo khác là môi trường. Không ít lần thăm Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tỏ ra quan ngại: “Nguyên liệu đầu vào bao gồm than, nước, dầu. Đầu ra có nước thải, khí, tro, xỉ than. Tro bay được xử lý qua hệ thống lọc bụi tĩnh điện. Nhà máy áp dụng công nghệ hiện đại nên tỉnh cũng an tâm. Còn thứ đáng ngại nhất là hàng triệu tấn tro xỉ thải ra môi trường phải được xử lý kịp thời”. Vị thủ lĩnh mảng công nghiệp này đã yêu cầu nhà máy phải bảo đảm các yêu cầu khắt khe về môi trường, bãi thải xỉ cũng phải chú ý đảm bảo làm sao các chất thải không được chảy ra sông gây ô nhiễm nguồn nước mặt, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Trong đó, ông không quên dặn dò Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh ưu tiên đặc biệt cho các dự án kêu gọi đầu tư về sử dụng nguồn nguyên liệu tro xỉ than vào sản xuất các vật liệu công nghiệp.

Từ nền tảng công nghiệp đã có, tỉnh Hậu Giang tiếp tục bàn đến chuyện khai thác thế mạnh vốn có. Từ đó, lãnh đạo tỉnh đi khắp các tỉnh đã thành công trong xây dựng và phát triển khu công nghiệp như Vĩnh Long, Long An để học hỏi kinh nghiệm, cách làm. Ngược lại, có rất nhiều đoàn công tác Nhật Bản, EU, Ấn Độ, Hàn Quốc đến Hậu Giang tìm hiểu môi trường đầu tư. Cụ thể là tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư hồi cuối tháng 9, số lượng các đoàn khách trong, ngoài nước ghé thăm, tìm hiểu rồi quay lại ký kết đầu tư tăng dần theo sự gia tăng tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng (bìa phải) cùng lãnh đạo tỉnh thị sát đất xây dựng chợ đầu mối nông sản tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành.

Minh chứng cho sự thành công ở chỗ nhiều nhà đầu tư đã đặt bút ký kết hợp tác dự án. Dẫu nguồn vốn còn khiêm tốn (94.500 tỉ đồng), song Thủ tướng Chính  phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh “ít mà làm chắc còn hơn nói nhiều mà làm ít”. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra: “Hậu Giang đã có cách làm thiết thực khi liên kết hợp tác với các tỉnh liền kề hỗ trợ lẫn nhau. Đây là cách làm tốt. Các địa phương muốn đi xa phải cùng nhau đi, cùng chia sẻ”. Sự tương đồng giữa các tỉnh nằm trong tiểu vùng Tây sông Hậu đã hối thúc sự kết nối như một xu hướng tất yếu. Như để tranh thủ thời cơ, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã đến làm việc với các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang và Bạc Liêu để bàn bạc cụ thể các vấn đề ký kết hợp tác cùng nhau phát triển.

Một ngày gần cuối năm, gặp lại ông Nguyễn Ngọc Điện, Phó ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Chỉ tay về hướng Khu tái định cư Đông Phú, ông Điện mô tả: Chỗ đó phải xây dựng vài cửa hàng, một trung tâm thương mại, trường học rồi trạm xá, còn ở thị trấn Mái Dầm thì mở thêm chợ đầu mối, khu dân cư, tái định cư nữa. Như vậy, công nhân, người dân về đây đông đúc hơn, khu vực này sẽ sôi động không kém gì khu phía Nam Cần Thơ đâu!

Tôi lặng nhìn những công nhân trên công trường đầy nắng và gió với gương mặt sạm nắng lấm tấm mồ hôi nhưng nụ cười thật tin cậy, rạng rỡ, rồi hình dung đến viễn cảnh tất bật của một vùng công nghiệp với những thương cảng sầm uất... Phải chăng, mạch sống công nghiệp đang dần thành hiện thực?

KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>