“Mắt xích” liên kết chuỗi giá trị

09/01/2019 | 06:47 GMT+7

Sau hơn một năm triển khai thí điểm mô hình sản xuất rau, màu theo chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm, hiện nay khâu sản xuất đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần sớm được giải quyết để giúp mô hình phát triển hơn trong thời gian tới.

Đại diện ngành nông nghiệp tỉnh cùng doanh nghiệp tham quan mô hình canh tác rau theo chuỗi kiểm soát ở thành phố Vị Thanh.

Ổn định sản xuất

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh, sau khi triển khai thí điểm mô hình chuỗi, ngành chức năng đã chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ tích cực cho nông dân trong khâu sản xuất. Hiện có 10 hộ thực hiện, bà con đều nắm vững quy trình, canh tác ổn định, tuân thủ tốt khuyến cáo khi tham gia chuỗi. Nông dân Trương Văn Hồng, ở khu vực 6, phường III, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Kể từ khi mô hình thí điểm được phát động, nông dân sản xuất theo quy trình kiểm soát chuỗi nhận được sự hỗ trợ tích cực từ ngành nông nghiệp và cán bộ chuyên môn. Nhờ vậy, hơn một năm qua tôi càng tin tưởng và sản xuất đúng theo quy trình chuỗi mà ngành chuyên môn hướng dẫn”.

Điều mà ông Hồng tâm đắc nhất khi tham gia sản xuất theo chuỗi là nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ ngành chức năng ở khâu sản xuất. Trong năm qua, ông đã được hỗ trợ 4 tấm lưới che chắn, 5 bao phân vi sinh, 10 chai thuốc. Nhờ sử dụng các loại phân, thuốc trong danh mục cho phép nên việc canh tác đạt hiệu quả hơn trước. Ngoài ra, có được vật tư giúp nông dân an tâm canh tác, giảm được chi phí đầu tư. Ông cũng hy vọng ngày càng có nhiều người làm theo phong trào sản xuất sạch này.

Tín hiệu phấn khởi nhất là sản phẩm chuỗi ngày càng được người tiêu dùng đón nhận. Dù sản phẩm còn phải bán ở các chợ, nhưng mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với rau màu có tem, nhãn được ưu tiên hơn các sản phẩm khác. Bà Dương Thị Lý, ở khu vực 5, phường V, chia sẻ: “Gần đây, tôi thấy rau của chuỗi mình bán nhanh hơn dù vẫn còn tiêu thụ ở chợ và giá sản phẩm chưa cao. Người ta mua cũng thích rau có tem nhãn hơn, rau ra chợ bao nhiêu là hết bấy nhiêu, tiểu thương cũng chuộng sản phẩm của mình hơn. Hiện tôi trồng khoảng 1.000m2 rau các loại gồm xà lách, cải xanh, cải ngọt để bán vào dịp Tết Nguyên đán tới”.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh, qua những lần lấy mẫu rau màu kiểm tra đột xuất thì chưa phát hiện có trường hợp vi phạm. Thời gian qua, đơn vị đã chủ động phối hợp, tìm nơi giới thiệu giúp liên kết tiêu thụ sản phẩm chuỗi vào các bếp ăn tập thể trên địa bàn. Đang có 10 trường học ở thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy sử dụng sản phẩm rau, màu trong chuỗi.

Điểm sáng đáng ghi nhận là phong trào sản xuất theo chuỗi đang được người dân nhân rộng. Nếu trước đây chỉ thực hiện thí điểm ở thành phố Vị Thanh thì hiện nay ở huyện Vị Thủy có trên 10 hộ liên hệ với ngành chức năng để được hướng dẫn làm theo chuỗi. Ngoài ra, ở thị xã Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy, huyện Châu Thành A, nông dân đã liên hệ với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh để tìm hiểu về quy trình sản xuất theo chuỗi. Điều này cho thấy các phong trào sản xuất sạch đang phát triển rộng và một bộ phận người dân đã bước đầu thay đổi tư duy sản xuất thay cho lối canh tác truyền thống.

Cần sớm gỡ “nút thắt”

Dù có nhiều khởi sắc bước đầu, nhưng quá trình tham gia chuỗi liên kết vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Qua trao đổi, bà con bày tỏ một số khó khăn khi tìm mua nguồn vật tư như thuốc, phân hữu cơ vi sinh, các chế phẩm để ủ phân hữu cơ. Bởi sau khi sử dụng hết các vật phẩm được hỗ trợ, bà con có nhu cầu đến liên hệ các cửa hàng bán phân, thuốc, vật tư nông nghiệp thì không có sản phẩm cần tìm.

Ông Mai Văn Tửng, ở khu vực 2, phường III, thông tin: “Tôi nghĩ cần có một điểm chuyên cung cấp các loại phân, thuốc theo danh mục khuyến cáo để nông dân dễ tìm mua. Vừa qua, tôi đã liên hệ rất nhiều cửa hàng ở phường I và phường IV, nhưng không có nơi nào bán sản phẩm. Các sản phẩm được hỗ trợ giúp rau màu, tốt bền, ít sâu bệnh, lại an toàn”.

Một vấn đề tồn tại lâu nay vẫn là đầu ra nông sản chuỗi. Sau nhiều nỗ lực, sản phẩm chuỗi đã vào được bếp ăn tập thể ở một số trường, chủ yếu là củ, quả nhưng lượng tiêu thụ chưa nhiều. Hiện nay, hầu hết sản phẩm của nông dân vẫn chưa có đầu ra tương xứng và vẫn “tự tiêu” ở các chợ. Ông Quách Văn Hậu, ở khu vực 2, phường IV, bày tỏ: “Nông dân trong chuỗi đa số tiêu thụ sản phẩm bên ngoài các chợ. Dù sản phẩm rau bồ ngót có tem, nhãn nhưng giá bán không chênh lệch so với cùng mặt hàng trên thị trường. Nếu có được đầu ra tương xứng, tôi có thể phát triển thêm diện tích để đáp ứng nhu cầu. Vấn đề tôi ngại là đầu ra và chi phí cao…”.

 Để giải quyết vấn đề này cần có nguồn liên kết tiêu thụ ổn định. Rõ ràng, ở thời điểm hiện tại khâu sản xuất đã được định hình và phát triển tốt. Minh chứng là qua rất nhiều lần đơn vị quản lý chất lượng thu mẫu đột xuất để kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học, các mẫu đều đạt tiêu chuẩn an toàn.

Định hướng từ nhà quản lý

Theo ông Lê Văn Khởi, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh, từ khi triển khai đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã hướng dẫn kỹ cho nông dân về quy trình. Có giám sát từ khâu trồng trọt, có sự quản lý về chất lượng trước khi đến bàn ăn để người tiêu dùng được đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất… Qua 1 năm thực hiện, về khâu đầu tư, Nhà nước đã hỗ trợ các vấn đề phân, thuốc và cơ bản nhất là tính pháp lý. Vừa qua, các ngành cũng hỗ trợ cho cửa hàng chuỗi Phúc Lộc liên kết với các bếp ăn tập thể ngay ở địa phương. Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa thì khâu liên kết các “mắt xích” trong chuỗi phải thật chặt chẽ. Cần có sự ràng buộc hơn nữa giữa nông dân tham gia chuỗi - cửa hàng chuỗi - đơn vị tiêu thụ và ngược lại để giúp đầu ra thuận lợi, đảm bảo quyền lợi mỗi bên. Từ đó, có thể phát triển chuỗi rộng hơn, đa dạng hơn sản phẩm phục vụ thị trường.

Từ khi triển khai mô hình, ngành nông nghiệp cũng đã phối hợp với một số đơn vị giúp liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm chuỗi. Tuy nhiên, khó đi vào thực tiễn bởi các doanh nghiệp yêu cầu khá cao về tiêu chuẩn, nguồn cung quá lớn so với quy mô chuỗi hiện có.

Mới đây, trong buổi làm việc với các hộ dân, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh tiếp tục làm cầu nối giúp liên kết đưa sản phẩm chuỗi vào siêu thị Co.opMart Vị Thanh. Ông Nguyễn Nghĩa Trọng, Phó Giám đốc siêu thị Co.opMart Vị Thanh, cho biết: Chỉ riêng siêu thị Co.opMart Vị Thanh sẽ khó tiêu thụ hết lượng rau của bà con. Tuy nhiên, đối với hệ thống siêu thị Co.opMart thì lượng rau của chuỗi không nhiều. Nếu bà con trồng được những sản phẩm đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn thì có thể cung cấp cho hệ thống. Hiện nay, hệ thống đang sử dụng nguồn ở các trại rau lớn được đầu tư quy mô, đảm bảo chất lượng.

Ông Trọng đóng góp: “Về phía thủ tục, tỉnh đã hỗ trợ cho bà con. Nhưng cần phải có đầu mối thu gom sản phẩm trong chuỗi lại và có kế hoạch sản xuất dựa trên nhu cầu tiêu thụ. Có thể thành lập hợp tác xã hoặc hình thức tương tự để có tư cách pháp nhân, ký hợp đồng mua bán, thanh toán, đăng ký sản xuất… Để bán được rau cho siêu thị, nguồn cung sẽ được kiểm tra chất lượng kỹ trước khi đưa sản phẩm lên kệ, kiểm tra dư lượng, kiểm tra thuốc trừ sâu, thuốc hóa học để đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng…”.

Ông Nguyễn Minh Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh, cho biết: Đơn vị đang hướng dẫn bà con thực hiện sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường để gắn kết doanh nghiệp bao tiêu và số lượng ngày càng nhiều hơn. Không chỉ rau màu, mà hướng tới sẽ triển khai trên các loại nông sản khác như xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu, chanh không hạt.

Như vậy, với những kết quả đạt được từ khâu sản xuất và nỗ lực tiếp tục liên kết tiêu thụ sản phẩm chuỗi, ngành chức năng đang định hướng phát triển chuỗi theo hướng vừa đảm bảo sản xuất vừa đa dạng sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>