Mong muốn có nhiều dự án khởi nghiệp

03/09/2020 | 09:09 GMT+7

Cuộc thi khởi nghiệp lần thứ nhất tỉnh Hậu Giang đã thu hút nhiều thành phần tham gia, góp phần xây dựng và phát triển cộng đồng khởi nghiệp. Để tiếp tục lan tỏa, kết nối những niềm đam mê khởi nghiệp, tỉnh chuẩn bị tổ chức cuộc thi khởi nghiệp lần thứ hai. Phóng viên Báo Hậu Giang có trao đổi với ông Võ Công Khanh (ảnh), Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, xung quanh về vấn đề này.

Ông nhận xét như thế nào về cuộc thi khởi nghiệp lần thứ nhất năm 2019, thưa ông ?

- Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp đã và đang lan tỏa trong cả nước, cũng như thực hiện chính sách nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập, trong năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã làm đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức cuộc thi khởi nghiệp lần thứ nhất. Cuộc thi đã thu hút đông đảo, đa dạng về thành phần thí sinh tham gia, trong đó có học sinh, sinh viên, các chủ doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, đoàn viên thanh niên, công chức nhà nước. Với nhiều ý tưởng, dự án thuộc các lĩnh vực như chế biến, thủ công mỹ nghệ, du lịch, nông nghiệp sạch…

Ban giám khảo tham quan sản phẩm dự thi của thí sinh tại cuộc thi khởi nghiệp lần thứ nhất.

Với số lượng 105 ý tưởng, dự án vào vòng sơ khảo; 39 dự án vào vòng bán kết; 15 dự án, ý tưởng vào vòng chung kết và 6 dự án được lựa chọn trao giải. Mặc dù đây là cuộc thi mới được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh nhưng đã thu hút được sự quan tâm của dư luận, số lượng dự án được đăng ký khá nhiều và chất lượng từng ý tưởng, từng dự án cũng rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên tổ chức nên một số nội dung chuẩn bị cho cuộc thi có phần hạn chế. Công tác tuyền truyền chưa thật sự sâu rộng, công tác phối hợp thiếu chặt chẽ và một số ý tưởng, dự án chưa được đầu tư kỹ càng về nội dung cũng như về phương pháp thuyết trình…

Thưa ông, các ý tưởng của cá nhân, nhóm tác giả đạt kết quả năm qua đang phát huy thế nào ?

- Cuộc thi khởi nghiệp năm 2019 có 6 ý tưởng, dự án đạt giải. Hiện các ý tưởng, dự án trên đang phát huy tiềm năng, lợi thế. Thông qua cuộc thi, chủ của các dự án đã học hỏi thêm rất nhiều kinh nghiệm về công tác quảng bá sản phẩm, kêu gọi vốn đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cũng như liên kết, kết nối các chuỗi sản phẩm và kinh nghiệm trong mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt được biết, nhiều chủ dự án, ý tưởng dù không đạt giải nhưng từ những kinh nghiệm của cuộc thi đã và đang rất nỗ lực để phát triển dự án, hiện thực ý tưởng để thỏa mãn niềm đam mê kinh doanh của mình.

Hiện nay, khó khăn lớn nhất là việc nhân rộng các mô hình khởi nghiệp là gì, thưa ông ?

- Mục đích cuối cùng của phong trào khởi nghiệp nói chung cũng như cuộc thi khởi nghiệp nói riêng đó là tìm kiếm, đánh thức và hỗ trợ tiềm năng, khả năng kinh doanh của các bạn có niềm đam mê với kinh doanh. Do đó, chúng tôi luôn trân trọng từng ý tưởng, từng dự án và rất mong muốn các dự án hiệu quả được nhân rộng ngày càng nhiều.

Phải nói rằng, thuận lợi lớn nhất trong việc nhân rộng các dự án khởi nghiệp đó là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc khởi xướng, duy trì và hỗ trợ tối đa phong trào khởi nghiệp, cho từng mô hình, dự án, ý tưởng. Còn về khó khăn thì nhìn chung nhiều dự án, ý tưởng thiếu tính khả thi, khó trụ vững trước tác động tiêu cực của thị trường. Hơn nữa, vấn đề gọi vốn, tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi là những khó khăn ảnh hưởng nhất định đến việc nhân rộng các dự án khởi nghiệp.

Theo ông, điểm mới của cuộc thi khởi nghiệp lần thứ hai năm 2021 là gì ?

- Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang được tổ chức khoa học hơn so với cuộc thi lần thứ nhất, có sự phối hợp tổ chức với Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) và các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm tổ chức về khởi nghiệp cũng như nhiều năm kinh nghiệm làm Ban giám khảo cuộc thi cấp khu vực. Chuẩn bị chu đáo hơn, phối hợp với các ngành nhịp nhàng hơn; các thí sinh được trang bị các kỹ năng bài bản hơn. Đặc biệt là Ban giám khảo năm nay mời các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm và đã từng là Ban giám khảo cuộc thi khu vực ĐBSCL.

Thưa ông, làm thế nào để cuộc thi khởi nghiệp mang lại ý nghĩa thiết thực và thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham gia ?

- Để cuộc thi mang ý nghĩa thiết thực thì theo tôi cần phải chuẩn bị tốt các điều kiện, nội dung đảm bảo đạt được mục đích của cuộc thi đó là lan tỏa, đánh thức khả năng kinh doanh của mọi người cũng như tìm kiếm, lựa chọn các ý tưởng, dự án có tính khả thi để tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các ý tưởng, các dự án được hiện thực hóa. Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền phải được quan tâm thực hiện sâu rộng, bằng mọi hình thức để ngày càng nhiều người biết, hiểu về phong trào khởi nghiệp để từ đó họ chủ động tìm hiểu và tham gia cuộc thi.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, chủ đề dự thi cuộc thi khởi nghiệp lần thứ hai về kinh tế - xã hội, ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Đối tượng dự thi là các cá nhân, nhóm cá nhân (không quá 5 người), người lao động, hợp tác xã, học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên…

Không giới hạn số lượng dự án đăng ký tham gia và độ tuổi. Thời gian đăng ký dự thi đến hết tháng 12-2020. Thời gian tổ chức cuộc thi trong quý I năm 2021.

 

Xin cảm ơn ông !

T.XOÀN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>