Nâng cao chuỗi giá trị nông sản

28/12/2017 | 09:05 GMT+7

Để tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản trên thị trường, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp canh tác tiên tiến. Trong đó, luôn chú trọng thực hiện chuỗi giá trị sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng.

Việc đưa máy móc thiết bị tiên tiến vào phục vụ sản xuất của HTX Nông nghiệp Thạnh Phước góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản xuất chanh không hạt.

Được thành lập năm 1999 với tiền thân là câu lạc bộ khuyến nông, sản xuất cây giống nên HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, rất chú trọng với quan niệm “nhất giống”. Vì vậy, khi thành lập, việc ban đầu là HTX đã tập trung cho việc cung ứng giống chất lượng cho thành viên và mở rộng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Khi mới thành lập, sản xuất còn manh mún, sản phẩm làm ra ít nên HTX cũng gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, chăm sóc cây giống, đặc biệt là khó khăn về đầu ra, do cây chanh không hạt còn rất mới với bà con cũng như thương lái thu mua. HTX đã phải vất vả đi đàm phán nhiều nơi để tìm đối tác ký hợp đồng.

Nguyên Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, ông Nguyễn Văn Chiến nhớ lại: “Tôi nhận thấy cây chanh không hạt là giống mới, hiệu quả cao, so với chanh tàu, chanh giấy thì đầu tư chanh không hạt ít chi phí mà cho năng suất cao, thu nhập quanh năm nên tôi quyết định phát triển HTX theo hướng này”. HTX không chỉ cung ứng giống thiếu chịu để tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, mà còn đứng ra bao tiêu sản phẩm làm ra của nhiều hộ trồng chanh khác trong vùng. Rồi HTX phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng chanh theo chuẩn an toàn VietGAP, sau đó nâng lên chuẩn GlobalGAP để đáp ứng yêu cầu tiêu thụ của các đối tác trên thị trường Trung Đông và châu Âu.

Giờ đây, sau mười mấy năm hoạt động, Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước đã trở thành địa chỉ tin cậy của thành viên và thu hút được nhiều hộ nông dân tham gia. Hiện tại, HTX đã nâng tổng số thành viên lên 84 hộ, mở rộng diện tích canh tác lên 100ha trồng chanh không hạt. Để nâng cao vị thế và giữ vững năng suất, chất lượng, HTX luôn năng động, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường, HTX đã xây dựng được kho lạnh, kho dự trữ với sức chứa gần 20 tấn, máy phân loại chanh không hạt với chi phí hàng trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Thật, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, cho hay: “Máy phân loại chanh không hạt vừa làm nhiệm vụ phân loại và rửa sạch bụi bẩn cho trái chanh trước khi đóng gói. Máy giúp giảm bớt thời gian phân loại trái, giúp nhân viên đóng gói hàng nhanh chóng và đỡ chi phí thuê nhân công lao động. Áp dụng tiến bộ này mà HTX mới có thể xử lý kịp hơn 13 tấn chanh/ngày từ việc thu mua của bà con, thành viên HTX, kịp chở đi tiêu thụ theo đơn hàng của đối tác”.

Vì những nỗ lực đó mà hiện nay HTX Nông nghiệp Thạnh Phước được tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam chọn để thực hiện thí điểm mô hình HTX kiểu mới. HTX còn được chọn tham gia Đề án “Xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa” do Liên minh HTX Việt Nam chủ trì. Trong dự án, HTX Nông nghiệp Thạnh Phước sẽ được nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của HTX, lợi ích của thành viên. Bên cạnh đó, HTX được tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm và khả năng tiếp cận thị trường. Các công đoạn sản xuất chanh sẽ được quy trình hóa, mô hình kinh doanh phát triển theo hướng bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững cho địa phương.

Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành Trần Hồng Đức cho biết: “Chanh không hạt là một trong số 10 sản phẩm chủ lực của tỉnh và đang được các cấp, các ngành quan tâm. Liên minh HTX Việt Nam đã có bước khảo sát và định hướng phát triển chanh không hạt theo chuỗi giá trị. Hiện nay, huyện cũng đã quy hoạch vùng chuyên canh chanh không hạt, phát triển được 5 HTX, tổ hợp tác chuyên sản xuất cây giống, thu mua chanh không hạt thương phẩm. Trong thời gian tới, với sự quy hoạch có định hướng và sản xuất theo quy trình bài bản, cây chanh sẽ có đầu ra ổn định, thu nhập của bà con thành viên sẽ ngày càng cao hơn, tạo niềm tin vững chắc vào sự đầu tư đúng hướng”.

Bên cạnh cây ăn trái, lúa hàng hóa của nhiều HTX trong tỉnh cũng đã liên kết theo chuỗi giá trị đầu vào, đầu ra. Ông Hà Minh Triều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Trung, ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, thông tin: “HTX sẽ tiếp tục ưu tiên canh tác giống lúa Jasmine 85 và một số giống chất lượng cao khác như nhiều năm qua trong vụ Đông xuân này. Đồng thời, vận động người dân sản xuất lúa theo mô hình “3 giảm, 3 tăng” để có nguồn lúa sạch, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Vụ lúa Đông xuân 2017-2018 đã có nhiều doanh nghiệp đến liên hệ ký hợp đồng bao tiêu với nông dân nên đầu ra sản phẩm lúa hàng hóa của HTX sẽ khả quan.

Theo Kế hoạch thực hiện Quyết định 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2017, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn có sự tham gia của hợp tác xã thí điểm. Theo đó, sẽ hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm nâng cao năng lực hoạt động của Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Trung, huyện Châu Thành A liên kết với Công ty Lương thực Miền Nam xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo. Hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông gắn với thực hành nông nghiệp tốt và mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và hợp tác xã. Mời gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có tiềm năng cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất; thực hiện ký hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị với các hợp tác xã tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ về cơ chế, chính sách, thông tin thị trường cho hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân.

10 hợp tác xã tham gia thí điểm

Thực hiện Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ có 10 hợp tác xã trong tỉnh tham gia thí điểm. Trong đó, có 4 hợp tác xã hoạt động chuyên về lúa gạo, 4 hợp tác xã chuyên về trái cây, 2 hợp tác xã chuyên về thủy sản. Cụ thể các hợp tác xã tham gia thí điểm là Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước; Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thành; Hợp tác xã Làm vườn Đông Thành; Hợp tác xã Cây giống Cửu Long; Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Trung; Hợp tác xã Nông nghiệp Hiếu Lực; Hợp tác xã Nông nghiệp Vị Thanh; Hợp tác xã Bắc Xà No; Hợp tác xã Nuôi thủy sản Đại Thắng; Hợp tác xã Chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi.

 

Bài, ảnh: T.LINH - H.THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>