Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt nền kinh tế

02/10/2019 | 14:40 GMT+7

Tổng cục Thống kê vừa công bố, 9 tháng năm 2019, ngành công nghiệp tăng trưởng khá với tốc độ tăng giá trị tăng thêm so với cùng kỳ năm trước đạt 9,56%. Đây là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

Công nhân TISCO bốc xếp sản phẩm thép hình chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế (tăng 11,37%); sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 2,68% sau nhiều năm liên tiếp giảm nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê nhận định, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là ngành đi đầu đóng góp cho nền kinh tế với mức tăng trong 9 tháng năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất trong các nước ASEAN về chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

“Ngành chế biến chế tạo tăng trưởng đều qua các quý, quý sau cao hơn quý trước và tăng trưởng ở hầu hết các ngành. Cụ thể, quý I tăng 11,52%; quý II tăng 10,9%; quý III tăng 11,68%”, ông Thúy cho biết.

Trong các ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp; đó là: sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 38%; sản xuất kim loại tăng 36% nhờ sự đóng góp tích cực của Tập đoàn Formosa Hà Tĩnh; khai thác quặng kim loại tăng 21%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 15%...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm là: sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 6,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 14,2% của cùng kỳ năm trước; sản xuất thuốc lá tăng 4%; khai khoáng khác (đá, cát, sỏi…)…

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: sắt, thép thô tăng 49,1%; xăng, dầu tăng 40,3%; ti vi tăng 19,3%; thép thanh, thép góc tăng 14,4%; thức ăn cho thủy sản tăng 14%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 12,8%... Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ là: dầu thô khai thác giảm 7%; xe máy giảm 9,4%; linh kiện điện thoại giảm 11,1%; đường kính giảm 15,8%.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2019 đạt 72,1% (cùng kỳ năm trước là 63,8%); trong đó, một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao là: dệt 272,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 127,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 92%; sản xuất, chế biến thực phẩm 79,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) 75%.

Nhận định về tình hình tồn kho hiện nay, ông Phạm Đình Thúy cho rằng, tỷ lệ tồn kho cao hơn năm trước. Nguyên nhân chỉ số tồn kho cao không đáng lo ngại mang tính kỹ thuật và tạm thời. Tồn kho cao do tác động 3 sản phẩm chính là sản xuất xăng dầu, sản xuất ô tô, xe máy, phương tiện vận tải và ngành sản xuất kim loại.

“Số liệu tồn kho mang tính kỹ thuật, chiến lược và mang tính tích cực, không đáng lo ngại”, ông Thuý khẳng định.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/9/2019 tăng 1,2% so cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 1,2%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,3%.

Theo Thúy Hiền (TTXVN)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>