Người chăn nuôi heo điêu đứng vì thịt nhập

24/04/2017 | 15:15 GMT+7

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15-3, cả nước nhập khẩu gần 7.800 tấn thịt heo các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD, tăng 15,8% về lượng và 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Đuôi heo nhập khẩu Ba Lan được bày bán ở siêu thị Metro (Hà Đông - Hà Nội) - Ảnh: LÊ THANH

Trong đó, thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh gần 2.400 tấn, trị giá 4,5 triệu USD. Phụ phẩm sau giết mổ tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập về nhiều nhất với 5.400 tấn, trị giá 4,8 triệu USD.

Thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ, muối, ngâm nước muối, làm khô hoặc hun khói; bột mịn và bột thô ăn được làm từ thịt hoặc phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ gần 10 tấn, trị giá 115.000 USD.

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, các sản phẩm từ thịt heo được nhập về rất phong phú, không chỉ thịt thăn, mông mà cả tim, chân giò và đuôi.

Cụ thể, sườn non xuất xứ nhập khẩu Canada giá 78.900 đồng/kg, tim heo Tây Ban Nha 45.000 đồng/kg; chân heo Ba Lan 59.000 đồng/kg; đuôi heo Ba Lan 98.900 đồng/kg. Riêng đuôi, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2016, Việt Nam đã chi 139.000 USD, tương đương 3.155 tỉ đồng, để nhập 94 tấn đuôi heo đông lạnh.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2017, tổng sản lượng heo hơi các loại dự kiến ước đạt 5,3 triệu tấn, tăng 5,2% so với năm 2016. Trong đó thịt heo hơi ước đạt 3,7 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm ngoái. Thịt gia cầm hơn 1 triệu tấn, tăng gần 10%, thịt trâu bò khoảng 471.000 tấn, tăng 12%.

Đánh giá sơ bộ của Bộ NN&PTNT, người chăn nuôi trong nước khốn đốn mấy tháng nay do giá heo hơi giảm mạnh chỉ 23.000 đồng/kg.

Một trong những nguyên nhân khiến giá heo hơi trong nước giảm mạnh là do sức ép của thịt heo nhập đông lạnh. Thứ hai là cung vượt cầu, thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu heo hơi của Việt Nam.

Hiện tính bình quân thịt heo đông lạnh nhập khẩu có giá chỉ 27.000 đồng/kg.

Nhìn lại năm 2016, Tổng cục Hải quan cho hay lượng thịt heo các loại được nhập khẩu về Việt Nam đạt 39.400 tấn, trị giá 44 triệu USD. Trong đó, thịt tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh hơn 12.000 tấn, trị giá gần 19 triệu USD; phụ phẩm sau giết mổ hơn 27.000 tấn, trị giá gần 25 triệu USD…

Cũng trong khoảng 3 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu gần 41.000 tấn thịt các loại. Trong đó lớn nhất là thịt gà với 20.600 tấn, chiếm hơn một nửa tổng lượng thịt các loại nhập khẩu về Việt Nam với trị giá gần 19 triệu USD.

Đứng thứ 2 là thịt trâu bò các loại với 11.800 tấn, chiếm tỷ trọng 29%, trị giá 35 triệu USD.

Theo L.THANH/TTO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>