Người nuôi cá tra có trở về thời hoàng kim ?

29/05/2018 | 08:30 GMT+7

Bài 2: Gồng mình vượt “bão giá”

Trước những biến động khó lường, người nuôi cá tra của tỉnh đang tìm cách vượt khó bằng cách liên kết lại với nhau, hợp tác với doanh nghiệp và nuôi cá đạt chất lượng.

Liên kết duy trì ao nuôi

Giá cá tra nguyên liệu tăng cao, kéo theo giá thức ăn chăn nuôi, nhất là giá cá giống tăng lên gấp nhiều lần gây khó khăn cho người nuôi cá. Dù vậy, ông Phạm Hùng Minh, Phó Giám đốc HTX nuôi thủy sản Đại Thắng, cũng không thể để thành viên gặp khó mà bỏ nghề nuôi cá. Ông Minh cho rằng sự tồn tại của HTX là phải duy trì được sức sống cho con cá tra. Vì vậy, HTX đã bàn nhau là những hộ khá sẽ hỗ trợ hộ khó khăn, trước mắt mượn vốn mua con giống và thức ăn để duy trì được ao nuôi.

Với phương châm “Lá lành đùm lá rách”, hộ nào bán cá trước, có lời thì cho hộ bán sau, hộ lỗ lã mượn vốn với lãi suất thấp để mua con giống, thức ăn. Song song đó, để duy trì nguồn thức ăn cho con cá, Ban giám đốc HTX đã chủ động tìm kiếm sự hợp tác khác từ doanh nghiệp. “Chúng tôi tra cứu trên mạng và đi tìm tận những khu công nghiệp có nhà máy sản xuất thức ăn cho cá để gặp lãnh đạo công ty thỏa thuận liên kết. Cuối cùng cũng tìm được một công ty đồng ý cho trả chậm 50% số lượng cung cấp thức ăn cho HTX. Đó là Công ty Cổ phần Nam Việt, ở tỉnh An Giang”, ông Phạm Hùng Minh chia sẻ.

Bài toán khó sau bao nhiêu vất vả đã tìm được đáp án. Nhờ số thức ăn được hỗ trợ mà 18 thành viên của HTX duy trì ao nuôi, đàn cá phát triển khỏe mạnh chờ ngày thu hoạch. Từ cách làm này mà nhiều hộ nuôi cá khác cũng bám trụ được nghề. Ông Phạm Thanh Hiền, trước đây là thành viên của HTX Thủy sản Hưng Điền, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, nhớ lại: “Hồi đó, HTX ở đây bị giải thể, tôi cũng hụt hẫng không biết làm sao tiếp tục nuôi cá. May thay là ông Minh đã khuyến khích tôi tiếp tục nuôi và thu nhận tôi gia nhập làm thành viên HTX nuôi thủy sản Đại Thắng. Vào HTX, tôi được trợ vốn, bão lãnh với công ty bán thức ăn nên thoát được cảnh treo ao như tình hình chung tại các hộ trong HTX cũ”.

Mô hình nuôi cá của ông Khuyến năm nay được duy trì và bán giá cao nhờ thành viên HTX hỗ trợ nguồn vốn, con giống.

Còn ông Nguyễn Văn Khuyến, ở xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, những tưởng phải treo ao vì người bạn hùn hạp làm ăn bấy lâu nay tự dưng rút vốn, nhưng nhờ được thành viên HTX cho mượn gần 100 triệu đồng để mua cá giống về nuôi nên mới duy trì đến hôm nay. Ông Khuyến kể: “Hồi năm 2015, tôi bán cá lỗ hơn 50 triệu đồng, đến vụ cá sau tôi định vay nợ nóng bên ngoài để thả cá tiếp. Thấy tình trạng của tôi, HTX đã vận động được thành viên cho mượn vốn để tôi kịp xoay xở. Tiền lãi thì chỉ bằng tỷ lệ mà ngân hàng quy định là 1%/tháng. Nhờ vậy, sau bao nhiêu gắng gượng cùng sự san sẻ của Ban Giám đốc và thành viên HTX mà tôi đã thành công. Năm nay, tôi bán cá trúng giá, không chỉ trả hết nợ mà còn có lời to”.

Quản lý chặt vùng nuôi

Hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn duy nhất một tổ chức kinh tế duy trì nuôi cá tra là HTX nuôi thủy sản Đại Thắng. Cách làm của HTX này là một mô hình để các HTX khác làm theo, đó là nhờ sự bền bỉ và tinh thần đoàn kết, đồng lòng để phát triển bền vững. Đặc biệt, để ứng phó với thị trường khó tính, HTX nuôi thủy sản Đại Thắng luôn quan tâm đến sản xuất chất lượng, nhờ vậy cá tra của HTX mấy năm qua đều đạt chuẩn an toàn theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Mấy năm qua, 14/18 hộ thành viên HTX luôn duy trì mô hình nuôi cá đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Hùng Minh, Phó Giám đốc HTX nuôi thủy sản Đại Thắng, cho biết: “Nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP khó và tốn chi phí hơn so với thông thường nhưng HTX vẫn thực hiện. Năm nay, HTX sẽ vận động số thành viên còn lại nuôi cá tra theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và cố gắng 100% thành viên được công nhận sản xuất cá theo tiêu chuẩn VietGAP”.

Sau những ngày trầm lắng, giờ đây giá cá như thỏi nam châm thu hút người nuôi cá với mức giá hấp dẫn. Giá cá tra hiện tại đã vượt ngưỡng 31.000 đồng/kg, ước tính mỗi tấn cá người nuôi lãi hơn 10 triệu đồng. Như vậy, với diện tích khoảng 2.000m2, hộ nuôi cá có thể lãi hơn 500 triệu đồng/vụ. Điều này sẽ khiến người nuôi cá lại ham lời, tiếp tục nuôi hay làm cá giống ồ ạt, phá vỡ quy hoạch và không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Thách thức lớn hiện nay là nguồn con giống cá tra đang khan hiếm. Nguyên nhân là do thời điểm trước Tết Nguyên đán lượng con giống bị thiệt hại quá lớn dẫn đến không còn nguồn cung. Điều này đã làm giá cá giống loại 30 con/kg tăng từ 55.000 đồng lên 150.000-180.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với vụ cá năm 2017. Nhưng đáng lo là nguồn cá giống bố mẹ không đảm bảo, bị dịch bệnh, tỷ lệ ương đạt thấp. Ông Đặng Thanh Cường, Trưởng trạm Thủy sản thị xã Ngã Bảy, cho hay: “Vì người nuôi cá không còn vốn và không còn tài sản thế chấp với ngân hàng nên dù giá cá rất hấp dẫn nhưng người nuôi cá vẫn không dám tiếp tục thả nuôi trên diện tích ao cũ. Vả lại, nguồn cá giống khan hiếm, không đủ cung đã khiến diện tích thả nuôi của toàn thị xã khoảng 23ha, trong đó chủ lực vẫn là HTX nuôi thủy sản Đại Thắng.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho rằng: “Trước tình trạng giá cá tra tăng, huyện cũng không lo người dân tự mở rộng diện tích, phá vỡ quy hoạch. Bởi vì người nuôi đã rất dè chừng, không dám nuôi cá trong khi không có vốn sẵn. Hiện tại, trên địa bàn huyện diện tích còn nuôi được là những hộ có sẵn nguồn vốn của gia đình”.

Như vậy, vấn đề đáng lo hiện nay là làm sao để kiểm soát chất lượng giống, quản lý tốt vùng nuôi và phòng chống dịch bệnh trên cá tra. Bà Lê Kim Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho hay: Hậu Giang cũng không khỏi lo ngại tình trạng khan hiếm nguồn cá giống và tự phát chuyển đổi từ đất lúa sang ương nuôi cá tra như nhiều tỉnh ĐBSCL. Vấn nạn này sẽ làm nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, con giống kém chất lượng và tăng đột biến cá nguyên liệu, gây thiệt hại cho người nuôi. Do đó, để phòng ngừa và ngăn chặn sớm, tránh tình trạng bùng phát, giảm hiệu quả sản xuất, gây thiệt hại cho toàn ngành hàng cá tra và cho chính người dân, theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Chi cục Thủy sản đã tham mưu cho Sở NN&PTNT có văn bản yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tự phát nuôi không theo quy hoạch; tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân không chuyển đổi đất trồng lúa sang ương, nuôi cá tra. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra điều kiện sản xuất của tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản và cơ sở nuôi cá tra theo quy định. Phối hợp với các cơ quan có liên quan và các địa phương tăng cường hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong ương, nuôi cá tra; hướng dẫn người nuôi chỉ sử dụng thuốc, hóa chất trong danh mục được phép lưu hành khi cần thiết và theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, không sử dụng các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; tăng cường phổ biến thông tin thị trường và các rào cản kỹ thuật cho người nuôi.

Cũng đau đáu với con cá tra, lãnh đạo huyện Phụng Hiệp không khỏi lo lắng cho sự phục hồi ngành thủy sản này của huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Huỳnh Văn Vũ cho rằng: Cá tra là một trong nhiều nông sản chủ lực của huyện, có không ít hộ dân vì cá tra mà làm giàu, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của địa phương. Trước đây, huyện có 1 HTX chuyên nuôi loại cá này nhưng 3 năm gần đây do giá cá rớt thê thảm đã bị giải thể. Vì vậy, để tiếp sức cho hộ nuôi cá, Huyện ủy, UBND huyện đã liên kết với ngành ngân hàng tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để bày tỏ khó khăn này. Qua đây, kêu gọi ngành ngân hàng giới thiệu những gói tín dụng lãi suất ưu đãi để người nuôi cá có thể tiếp cận và phục hồi lại ngành nghề, trả nợ vay trước đây và phát triển kinh tế cho huyện.

Hiện nay, diện tích thả nuôi cá tra của toàn tỉnh là 51,96ha, tăng 10,6ha so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, tập trung ở thị xã Ngã Bảy là 23,58ha; huyện Phụng Hiệp 22,03ha và huyện Châu Thành là 6,35ha. Sản lượng trung bình hàng năm là 30.000 tấn. 

 

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>