Nhân rộng mô hình hiệu quả

23/05/2019 | 08:05 GMT+7

Năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tiếp tục nỗ lực thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào lĩnh vực thế mạnh là sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Văn Quang sẵn sàng hỗ trợ hộ nuôi về con giống tại trang trại để bà con bước đầu phát triển mô hình.

Trường Long A được công nhận là xã nông thôn mới vào cuối năm 2018. Từ nhiều phong trào chung sức xây dựng NTM trong năm qua, cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn xã đã cải thiện rõ nét. Đặc biệt là hệ thống đường giao thông hoàn thiện tạo điều kiện cho người dân vận chuyển, mua bán các loại hàng hóa nông sản, giá cả thu mua cũng cao hơn trước đây.

Ông Huỳnh Văn Nhịn, Chủ tịch UBND xã Trường Long A, cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND xã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp có hiệu quả. Kết quả là có 20 mô hình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Mặt khác, địa phương cũng khuyến khích người dân tham gia các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác phù hợp với khả năng của mỗi hộ để có điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiến bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường.

Từ đầu năm đến nay, xã tiếp tục phát triển mô hình cánh đồng lớn gắn với trồng lúa chất lượng cao, diện tích đạt trên 200ha. Khu vực mở rộng diện tích nằm trên địa bàn ấp Trường Bình và Trường Hòa. Mô hình cánh đồng lớn được đầu tư hoàn thiện hệ thống cống, đập, đê bao khép kín, có trạm bơm nên chi phí sản xuất giảm, lúa làm ra được HTX liên kết bao tiêu với giá cả hợp lý, từ đó diện tích mô hình cánh đồng lớn ngày càng tăng và được người dân đồng tình tham gia.

Bên cạnh đó, địa phương còn tập trung vận động người dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng sầu riêng, ương cá tra giống, trồng thảo dược…

Tiêu biểu có mô hình nuôi ba ba kết hợp trồng lúa và cây ăn trái của ông Trần Hồng Quang, ở ấp Trường Hiệp. Trang trại ba ba của ông Quang cung cấp cho thị trường trên 250.000 con giống mỗi năm. Riêng ba ba thịt mỗi năm cung ứng khoảng 3 tấn cho các thị trường ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ và một số tỉnh lân cận. Với cách tận dụng nguồn nước từ các ao nuôi ba ba dẫn ra ruộng, thả lục bình để làm mát ao và sử dụng lục bình này để đắp vào gốc cây, nhờ cách làm này ông tiết kiệm chi phí phân bón khoảng 20 triệu đồng/ha mà sản lượng trái cây vẫn cao, riêng vụ lúa vừa qua năng suất đạt trên 1 tấn/công.

Không chỉ tập trung phát triển trang trại của gia đình, ông Quang còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ người dân muốn xây dựng mô hình. Những hộ nghèo tại địa phương có ý muốn vươn lên, phát triển kinh tế từ con ba ba, có thể mua con giống từ trại của ông Quang và trả tiền dần đến khi ba ba đạt kích cỡ thương phẩm, có thể xuất bán. Ngoài con giống, ông còn tư vấn kỹ thuật chăm sóc, cách xây dựng ao nuôi và giới thiệu thương lái uy tín đến thu mua tại chỗ. Ông Quang cho biết thêm: “Chi phí đầu tư ao nuôi khá cao, diện tích ao nuôi khoảng 500m2 phải đầu tư từ 40-42 triệu đồng, chưa kể chi phí thức ăn cũng khá cao và tăng dần khi ba ba đến tuổi lớn nên mỗi khi tư vấn tôi đều phân tích rõ để bà con lựa chọn quy mô cho phù hợp và kiên trì chăm sóc từ 13 tháng trở lên. Bởi khi đó trọng lượng ba ba mới đạt trên 500gram, giá bán cao hơn nhiều so với những con nuôi dưới 1 năm tuổi”. 

Ông Huỳnh Văn Nhịn, Chủ tịch UBND xã Trường Long A, thông tin: Xã đóng vai trò kết nối để những hộ nghèo muốn tiếp cận học hỏi với các mô hình mới trên địa bàn các ấp khác. Riêng đối với hộ nghèo chưa có vốn để phát triển sản xuất, cán bộ địa phương chủ động tìm hiểu nhu cầu và định hướng của từng hộ để phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vốn kịp thời. Bằng những kế hoạch và hành động cụ thể, xã phấn đấu kéo giảm số hộ nghèo từ 121 hộ (tỷ lệ 4,3%) xuống còn 69 hộ vào cuối năm 2019.

    Bài, ảnh: THIÊN TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>