Nỗ lực tìm đầu ra cho nông sản

09/08/2018 | 08:50 GMT+7

Đã 3 mùa lúa qua, nông dân xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, đều vui mừng vì thắng lớn. Đó chính là hiệu quả của sự nỗ lực tìm đầu ra cho hạt lúa mà chính quyền xã thực hiện mấy năm nay.

Nông dân xã Vị Bình phấn khởi vì ký kết hợp đồng, được doanh nghiệp bao tiêu lúa với giá cao.

Những năm trước đây, nông dân xã Vị Bình đã tích cực mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như đưa các giống mới vào sản xuất. Tuy diện tích đất sản xuất nông nghiệp có tăng lên từng năm nhưng chỉ dừng lại ở mức tự cung tự cấp, chịu nhiều rủi ro do giá cả thị trường bấp bênh. Ba năm gần đây, nhờ chính quyền xã làm cầu nối mà nông dân được tăng cường mối liên hệ với doanh nghiệp, nhất là khâu bao tiêu đầu vào, đầu ra trong sản xuất lúa. Diện tích lúa được các công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm chiếm tỷ lệ hơn 30% trên tổng diện tích sản xuất lúa của toàn xã.

Theo ông Đinh Chí Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Bình, giá cả bấp bênh, thời tiết bất lợi nên bà con thường gặp rủi ro trong sản xuất lúa. Hơn nữa, sản xuất không có hợp đồng nên nông dân dễ bị thương lái, “cò lúa” ép giá. Do đó, xã đã có chủ trương hỗ trợ bà con nông dân từng bước tìm đầu ra ổn định cho nông sản, nhất là cây lúa. Từ đó, xã hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất an toàn thực phẩm, vận động bà con sử dụng giống chất lượng, có năng suất cao để bán được giá, mang lại hiệu quả kinh tế nhiều hơn và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp chế biến. Như vụ Đông xuân năm 2017-2018, toàn xã đã xuống giống được 1.547ha lúa, đạt hơn 100% kế hoạch. Các giống lúa được đưa vào sản xuất đều là giống có phẩm chất ngon như OM 5451, ST20, Đài Thơm 8, Jasmine 85, RVT...

Trong số diện tích lúa của xã thì có 600ha được sản xuất theo hợp đồng bao tiêu của 6 công ty, hợp tác xã trong và ngoài địa bàn. Mỗi ký lúa được công ty, hợp tác xã thu mua với giá từ 5.200-7.000 đồng/kg. Nông dân ký kết hợp đồng đã thu lợi nhuận gấp đôi so với hộ không được bao tiêu. Ông Huỳnh Văn Dũng, Giám đốc HTX dịch vụ và nông nghiệp Kiến Thành, cho biết: “HTX hàng năm ký kết làm lúa theo đơn đặt hàng và được công ty bao tiêu với giá 7.000 đồng/kg. Vụ Đông xuân năm nay, mỗi công lúa, bà con thu lãi tăng thêm trên 1 triệu đồng so với bên ngoài, riêng HTX có 29,5ha thì lời gần 300 triệu đồng chỉ với một vụ lúa”.

Trúng mùa được giá chính là thành công mà hoạt động liên kết 4 nhà xã Vị Bình làm được. Đây cũng chính là thành quả nỗ lực của các lãnh đạo xã, ngành chức năng địa phương trong việc tìm kiếm doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua nông sản cho nông dân. Bên cạnh đó, những nông dân thức thời trên địa bàn xã đã nhanh nhạy hơn trong việc thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, biết ứng dụng tiến bộ khoa học mới. Thay vào đó, bà con đã từng bước đưa nhiều giống cây mới vào gieo trồng với mục đích tạo được vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung nên tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm. Hơn thế nữa, qua sự nhạy bén, năng động của HTX, bà con còn được hưởng nhiều nguồn lợi trong canh tác. Ông Nguyễn Hoàng Biểu, thành viên HTX dịch vụ và nông nghiệp Kiến Thành, cho hay: “Tham gia HTX và ký kết làm lúa cho công ty bao tiêu tôi không lo đầu vào đầu ra. Bởi giống thì được công ty cung cấp, phân và thuốc bảo vệ thực vật thì được HTX liên kết với công ty cho nợ, khi nào thu hoạch mới trả. Ngoài ra, làm lúa được HTX hỗ trợ bơm tưới, sạ hàng và nhiều kỹ thuật tiên tiến nên làm vụ nào cũng trúng. Mừng nhất là giá lúa được công ty thu mua rất khá nên cầm chắc tiền lời. Đối với công ty mà HTX ký kết bao tiêu rất hỗ trợ bà con, khi giá lúa tăng thì công ty cũng tăng giá cho nông dân. Vụ lúa tới, tôi vận động thêm nhiều anh em, bà con cùng vào tham gia để tăng thu nhập, ổn định đầu ra”.

Chính từ bài học này mà năm nay và những năm tiếp theo, xã tiếp tục triển khai kế hoạch và tuyên truyền vận động người dân tham gia mô hình hợp tác xã để được liên kết, hỗ trợ kỹ thuật, nhất là được bao tiêu nông sản. Ông Huỳnh Văn Dũng, Giám đốc HTX dịch vụ và nông nghiệp Kiến Thành, cho biết thêm: Dự kiến năm tới, HTX sẽ liên kết với công ty ký hợp đồng bao tiêu lúa cho bà con cả 2 vụ/năm. Diện tích bao tiêu sẽ nâng lên gấp đôi năm trước với quy mô 200ha. Ngoài ra, mỗi năm HTX tuyển chọn và kết nạp thêm từ 1-2 thành viên có tâm huyết muốn gia nhập HTX và có ý nguyện cùng tập thể phát triển kinh tế, vực dậy lĩnh vực kinh tế tập thể của địa phương”.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>