Nông dân mang điện gió về nông thôn

11/04/2019 | 08:29 GMT+7

Trong điều kiện lưới điện quốc gia không thể kéo tới thì thiết bị điện gió của lão nông Lê Thành Bá, ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, là một giải pháp khả thi.

Thiết bị điện gió của gia đình ông Bá.

Tạo điện từ gió

Ông Bá kể, sau khi học hết lớp 12, ông bén duyên với nghề cơ khí rồi trở thành người thạo nghề. Ông đã mày mò và sáng tạo ra nhiều máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp tốt. Khi mua được mảnh vườn 3.000m2 ở xã Tân Hòa, ông lại có cơ hội phát huy tay nghề cơ khí kinh nghiệm hơn 30 năm của mình. Ông Bá nhớ lại: “Khu vườn của tôi trồng đủ các loại cây ăn trái như xoài Đài Loan, chanh không hạt… Hiện cây trồng đã lớn nhưng nơi đây không có điện để tôi gắn mô tơ tưới nước. Tôi đã 60 tuổi rồi nên không thể xách từng thùng tưới cho cây được”. Trong “cái khó, ló cái khôn”, vào tháng 6-2018, ông Bá nghĩ đến cách tạo ra điện mà không cần phải phụ thuộc vào điện lưới từ ngành điện. Và rồi, ông bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo thành công quạt điện gió phát điện thông minh. “Ban đầu, tôi định làm điện bằng tấm pin năng lượng mặt trời nhưng chi phí cao nên tôi tìm trên mạng các cách làm quạt điện gió. Sau lần đầu thất bại, tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, cuối cùng cũng thành công và lắp đặt quạt điện gió phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp”, ông Bá hào hứng chia sẻ.

Sau gần 100 ngày không rời mô hình, ông Bá đã hoàn thành thiết kế cây quạt điện gió gồm một số bộ phận chính như: bộ phận tua bin phát điện, bộ tăng tốc, bánh lái điều chỉnh hướng, cánh quạt đón gió dài 1,2m…, đặc biệt chiếc quạt điện gió được gắn cao hơn mặt đất khoảng 12m. Khi có gió, cánh quạt xoay tạo ra dòng điện có công suất khoảng 1kW/giờ. Để hạn chế rủi ro, ông Bá đã lắp đặt thêm bộ phận phanh tua bin ngắt điện phòng khi có gió mạnh và bình ắc quy tích trữ đủ điện năng. Tuy nhìn bề ngoài điện gió khá to và nhiều chi tiết nhưng giá thành để làm nên cả hệ thống điện gió khá rẻ. Ông Bá tính hết chi phí khoảng 25 triệu đồng/cây quạt có công suất 1kW/giờ nhưng phục vụ tốt cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Với 3 công đất vườn, ông Bá có thể sử dụng được cho việc bơm tưới cây trong thời gian 3 giờ. Ngoài ra, khi nguồn điện cạn kiệt thì chỉ cần 1 giờ quạt gió xoay tích điện thì tiếp tục sử dụng. Ưu điểm của thiết bị này chính là tích điện bất kỳ thời gian nào dù ban ngày hay ban đêm, đây là điều mà nguồn điện năng lượng mặt trời không làm được. “Bây giờ, tôi không lo về điện bơm nước tưới cây nữa. Nếu không có gió, tôi sử dụng điện sinh hoạt bình thường nhờ vào bình ắc quy tích trữ điện. Đồng thời, với công suất tải điện 1kW/giờ thì một năm tôi tiết kiệm khoảng 3.600 kW điện”, ông Bá tâm sự.

Hiệu ứng lan tỏa

Ông Nguyễn Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa, thông tin: Việc ông Bá chế tạo được điện gió cơ bản phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, người dân địa phương mừng lắm. Nhiều người đã tìm hiểu thông tin đến để nhờ ông chế tạo về phục vụ cho gia đình.

Như anh Huy, ngụ cùng địa phương với ông Bá, đã mấy lần đến đặt hàng nhờ ông làm cho một chiếc quạt. Anh Huy cho biết: “Tôi có 7 công đất trồng cây ăn trái và nuôi cá. Cũng cùng hoàn cảnh như ông Bá, mảnh vườn tôi chưa có điện, nếu kéo điện lưới thì phải mất hơn 50 triệu đồng, chưa kể tiền điện phải trả hàng tháng. Vì vậy, tôi đã đặt hàng ông Bá làm cây quạt điện gió có công suất 3kW/giờ để sử dụng mô tơ bơm nước công suất 3 mã lực phục vụ tưới tiêu. Với công suất này, ông Bá dự tính chi phí chỉ khoảng 30 triệu đồng, vì chỉ tăng thêm kích thước cánh quạt và mua thêm bình ắc quy tích điện”.

Nguồn điện gió mà ông Bá chế tạo giúp giảm tải áp lực cho ngành điện.

Trước hiệu ứng mang lại bước đầu, ông Bá chia sẻ thêm: “Những thiết bị mà tôi chế tạo nên theo tính toán sẽ sử dụng được từ 10-20 năm. Để cải tiến tốt hơn cho sản phẩm, tới đây tôi tiếp tục nghiên cứu chế tạo quạt điện gió cánh đứng nhằm tạo ra điện năng lớn hơn, hướng đến sản xuất đại trà, giảm giá thành để phục vụ nhu cầu của người dân”.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm: “Mô hình điện gió này rất thông minh, giải quyết nhu cầu sử dụng điện của người dân địa phương, nhất là đối với những khu vực nông thôn chưa kết nối được điện lưới quốc gia. Chúng tôi rất khâm phục ông Bá vì ông đã chế tạo ra được thiết bị giúp tiết kiệm điện năng mà còn phục sản xuất nông nghiệp tốt. Chúng tôi sẽ tuyên truyền và khuyến khích người dân sử dụng quạt điện gió gắn liền sản xuất nông nghiệp để gia tăng lợi nhuận cho gia đình”.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>