Nông sản Bình Thuận 'nước rút' cho vụ Tết

27/12/2018 | 09:30 GMT+7

Thời điểm này, nông dân tỉnh Bình Thuận đang tập trung chăm sóc, chuẩn bị cho ra những nông sản chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Huyện Đức Linh là vùng trồng dưa hấu Tết nhiều nhất của tỉnh. Nơi đây, quanh năm nông dân trồng lúa nhưng vào dịp cuối năm thì chuyển sang trồng dưa hấu Tết vừa luân canh vừa tăng nguồn thu nhập. Do liên tiếp nhiều năm liền nông dân rơi vào tình trạng cung vượt cầu, giá dưa giảm sâu nên vụ Tết năm nay, người dân dè dặt hơn và không mở rộng diện tích một cách ồ ạt như những năm trước.

Theo thống kê, toàn huyện có khoảng 130 ha trồng dưa hấu (giảm 50 ha so với năm trước). Diện tích trồng chủ yếu tập trung tại các cánh đồng dọc sông La Ngà như: Mê Pu, Võ Xu, Sùng Nhơn…

Năm nay, ngoài các giống dưa phổ biến như Hắc Mỹ Nhân, An Tiêm, Thanh Long, Rồng Xanh..., nhiều nông dân còn chọn trồng thêm các giống dưa mới, đẹp mắt, sử dụng để bày trong dịp Tết như: Dưa hấu vàng Kim Cô Nương, Hồng Cúc... Vì thế, sản phẩm dưa hấu phục vụ thị trường tết năm nay sẽ phong phú, đa dạng hơn so với năm trước.

Anh Nguyễn Văn Phú, thị trấn Võ Xu cho biết: Dưa hấu chỉ được trồng luân canh trên đất lúa mỗi năm 1 vụ. Thay vì làm 5 sào đất như năm trước thì năm nay anh chỉ trồng 2 sào, để kiếm thu thu nhập trang trải cho dịp Tết. Hiện dưa đã được hơn 30 ngày tuổi và đang phát triển khá tốt. Nông dân đang kỳ vọng một mùa vụ bội thu nếu dưa giữ giá ổn định ở mức 10.000 - 12.000 đồng/kg như hiện nay.

Còn tại vùng trồng hoa xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết, các nhà vườn cũng đang chăm chút từng chậu hoa đang trong giai đoạn “nước rút”. Bởi theo các nhà vườn, hoa có nở đúng dịp, đều và đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn chăm sóc này. Vụ hoa Tết Kỷ Hợi 2019, xã Tiến Lợi có hơn 20 ha hoa các loại. Vì năm nay thời tiết thuận lợi, hoa đang sinh trưởng và phát triển tốt nên nhiều nhà vườn đang rất kỳ vọng hoa tết sẽ vừa được mùa lại được giá.

Là người gắn bó lâu năm với nghề trồng hoa Tết, ông Võ Văn Hồng, thôn Tiến Thạnh, xã Tiến Lợi (thành phố Phan Thiết) cho biết, theo nhu cầu và thị hiếu của người dân thành phố Phan Thiết và một số huyện lân cận, năm nay gia đình ông Hồng xuống giống 5.000 chậu hoa nhưng chủ yếu tập trung vào các loại hoa truyền thống như: hoa mào gà, vạn thọ, trường sanh, cúc vàng… Hoa được xuống giống vào cuối tháng 9 âm lịch và dự kiến vào khoảng tháng Chạp âm lịch sẽ xuất bán, thương lái sẽ vào tận vườn thu mua. Nếu hoa đẹp và giá cả ổn định, cuối vụ gia đình thu lãi khoảng 50 triệu đồng.

Theo ông Hồng, ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi thì khâu chăm sóc quyết định rất quan trọng. Người trồng hoa phải nắm bắt được chu kỳ sinh trưởng của hoa để có cách can thiệp hợp lý, hãm độ cao của cây như ý muốn, bón phân, nước tưới… đúng kỹ thuật.

Thời điểm này, nhiều vườn thanh long ở Bình Thuận đang cho trái mùa nghịch. Giá trái thanh long đang có mức dao động từ 14.000 - 18.000 đồng nên người nông dân đang hết sức phấn khởi, tập trung chăm sóc tỉ mỉ để lứa chong đèn cuối năm cho trái được như ý.

Theo một số nhà vườn, thường thì nông dân sẽ chia diện tích vườn thành nhiều pha chong đèn và canh cho ra trái vào các dịp lễ như: Tết dương lịch, Rằm tháng Chạp, Tết nguyên đán và Rằm tháng Giêng… Hiện, nông dân đang dồn sức phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh đốm nâu và đảm bảo dinh dưỡng, sức sống cho cây sinh trưởng, phát triển. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân không nên khai thác quá mức, bón phân cân đối và tổ chức bố trí sản xuất rải vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo Hồng Hiếu (TTXVN)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>