Quyết tâm cho năm mới

08/01/2018 | 08:12 GMT+7

Năm 2018, xác định sẽ còn nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trên địa bàn nên ngay từ đầu năm, tỉnh và các địa phương đã vào cuộc thực hiện trên tinh thần khẩn trương để đạt các chỉ tiêu đề ra.

Tỉnh đang đặt ra kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào địa bàn trong năm 2018.

Vấn đề trọng tâm được tỉnh xác định là tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình số 05/CTr-UBND ngày 30/5/2017 của UBND tỉnh về tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020. Trong đó, sẽ tập trung chủ yếu vào tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đầu tư công; tích cực vận dụng các cơ chế, chính sách để huy động mạnh các nguồn vốn thuộc mọi thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển.

Nông nghiệp vẫn là trọng tâm

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, năm 2018 sẽ tập trung vào tái cơ cấu nông nghiệp nâng cao hoạt động kinh tế hộ cá thể, kinh tế tập thể. Củng cố, nâng chất hoạt động của các HTX, liên hiệp HTX; thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của HTX đến năm 2020. Tập trung thực hiện tốt, đúng tiến độ các chương trình, đề án, dự án trọng điểm về nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn, mặn, như: Nâng cao chất lượng hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016, định hướng đến năm 2020; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh (Đề án 1000); Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020; Đề án phát triển trạm bơm điện tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016-2020; hoàn thiện các chuỗi giá trị 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; tổ chức lại sản xuất theo tổ hợp tác, HTX kiểu mới.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho hay, huyện đã và đang thực hiện có hiệu quả các đề án nông nghiệp của tỉnh trên địa bàn Phụng Hiệp. Chỉ riêng Đề án 1000, trên địa bàn huyện có 2.153ha chuyển đổi sang các loại cây trồng hiệu quả như cam sành, cam xoàn, chanh không hạt, bưởi Năm Roi, mãng cầu, rau màu các loại. Tới đây, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt đề án này để chuyển đổi các diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao. Phối hợp chặt chẽ với ngân hàng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các hộ nông dân tham gia đề án. Ngoài ra, sẽ kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ địa phương về việc xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết, hợp tác tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Một trong những mục tiêu đặt ra trong năm nay là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống Nhân dân. Phấn đấu giá trị sản xuất (GO) tăng 3% so với cùng kỳ, tăng trưởng GRDP khu vực I đạt 2,2%, tỷ trọng khu vực I giảm còn 29,89% trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh; thu nhập của người dân ở nông thôn đạt từ 27-30 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, cho rằng: Năm 2018, nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem là lĩnh vực trọng tâm chỉ đạo của tỉnh. Các cơ chế, chính sách trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục hỗ trợ tích cực cho nông dân và tạo cơ hội thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên cơ sở những định hướng lớn của ngành nông nghiệp đã được phê duyệt. Các nội dung về tái cơ cấu nông nghiệp đi vào chiều sâu hơn, tạo đà cho tăng trưởng ngành nông nghiệp trong nhiều năm tới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng đất đai; chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an toàn vệ sinh nông sản; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu được giao.

Tạo bước đột phá

Năm 2018, tỉnh cũng đặt mục tiêu tăng giá trị sản xuất công nghiệp 7,5% so năm trước. Khuyến khích tạo điều kiện tái cơ cấu doanh nghiệp; kêu gọi thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về khuyến công, phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp; tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư nhằm nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là thu hút đầu tư vào ngành sản phẩm công nghiệp có lợi thế của địa phương, tạo ra sản phẩm xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động. Thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh.

Chủ động xã hội hóa và kêu gọi thu hút các nguồn vốn đầu tư để giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Thường xuyên theo dõi tình hình phát triển doanh nghiệp, thực hiện chủ trương xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển. Song song đó, nâng chất hệ thống chợ, kêu gọi đầu tư xây dựng các chợ đầu mối về hàng tiêu dùng, hàng nông sản của tỉnh, phát triển mạng lưới dịch vụ ở nông thôn. Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu, đẩy mạnh các biện pháp sản xuất liên kết theo chuỗi trong phát triển thủy sản, đặc biệt đối với cá tra, cá ba sa. Từng bước hoàn chỉnh quy hoạch vùng nuôi, nâng cao chất lượng con giống và môi trường nuôi đảm bảo hiệu quả kinh tế và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh Nguyễn Văn Hòa cho biết: Trong năm mới này sẽ huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch; ưu đãi, khuyến khích kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn; điều chỉnh quy hoạch phát triển thương mại - dịch vụ chưa hợp lý, định hướng phát triển thương mại - dịch vụ theo tuyến, khu dân cư. Rà soát, khẳng định vùng sản xuất không hiệu quả, cơ cấu, phân vùng lại để đầu tư sản xuất tập trung theo hướng nâng cao giá trị sản xuất; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hình thức hợp tác gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị theo hướng đạt chuẩn đô thị loại II; triển khai thực hiện dự án “Mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang”. Đồng thời, quản lý đô thị, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng chặt chẽ, xây dựng đô thị văn minh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cho rằng: Năm nay tiếp tục thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đi vào chiều sâu, trong đó tập trung vốn cho các công trình kết cấu hạ tầng, các dự án cấp thiết, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả. Đẩy mạnh thu hút và giải ngân các nguồn vốn, cũng như tập trung nguồn vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án trọng điểm của tỉnh. Đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho các công trình, dự án kinh tế có hiệu quả, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo chuyển biến trong cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thành phần kinh tế phát triển nhanh và ổn định. Chú trọng tổ chức xúc tiến thương mại để nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh có thêm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp triển khai đầu tư dự án đã đăng ký nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa dự án vào hoạt động...

Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2018

Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tăng 6,8-7,2%, trong đó, khu vực I tăng 2,2%, khu vực II tăng 11%, khu vực III tăng 7,8%. GRDP bình quân đầu người đạt 36,75 triệu đồng/người, tương đương 1.633 USD, tăng 8,2% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn theo giá hiện hành 17.565 tỉ đồng, tăng 5,5% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6.433 tỉ đồng, bằng 86,72% so cùng kỳ, trong đó thu nội địa 2.735 tỉ đồng, bằng 94,64% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ của các tổ chức tín dụng là 1,060 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ đạt 790 triệu USD, tăng 6,7% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu 270 triệu USD, bằng 87,1% so cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới 7% (không vượt quá bình quân cả nước).

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>